//

Những nụ cười trên dòng Hoài giang

Thứ ba - 28/08/2012 08:17

Dưới bến sông Bạch Đằng của phố Hội phồn hoa (Hội An, Quảng Nam), vẫn có những con người ngày ngày lặng lẽ mưu sinh bằng những công việc đơn giản nhất. Cuộc mưu sinh tuy vất vả nhưng nụ cười vẫn luôn hiện hữu trên khuôn mặt họ.

Đời nữ chèo đò
Những chiếc ghe máy ngược xuôi dưới bến sông và người lái ghe không phải cánh đàn ông sức dài vai rộng, mà họ chỉ là những người phụ nữ tóc đã muối tiêu. Bóng dáng nhỏ nhắn in trên nước dòng sông trưa nắng cũng như chiếc ghe bé nhỏ của họ và những câu chuyện của họ cũng vậy.
Chị Trần Thị Nhường lái chiếc ghe máy mưu sinh
 
Người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ với nắng gió nhoẻn miệng cười mời tôi lên chiếc ghe, chị kể mấy ngày vừa rồi bị đau nằm liệt giường, giờ mới gượng dậy được và “lần mò” ra đây chở lấy chuyến khách kiếm ít tiền mua thuốc và mấy cuốn sách giáo khoa cho đứa nhỏ.
Tôi bước lên thuyền, chị lập cập tháo dây, đẩy chiếc ghe máy chầm chậm rời bến trong lời khích lệ của đồng nghiệp. Tôi nhìn quanh bến đò này chợt nhận ra trong số hơn hai chục chiếc ghe máy ở đây, người điều khiển đều là phụ nữ. Có những người tóc đã hai màu nắng mưa nhưng vẫn cười rất tươi, vẫy tay chào mỗi khi có khách đi qua.
“Ở đây chủ yếu là phụ nữ lái ghe thôi chú ơi. Chị nào, cô nào cũng có chiếc ghe như tui đưa khách đi trên sông Hoài này. Cực nhọc lắm chứ đâu sung sướng gì!...” và cứ thế, trong tiếng nổ ồn ào của máy ghe, chị kể cho tôi về chị và những người phụ nữ lái ghe bên bến Bạch Đằng của phố Hội.
Chị là Trần Thị Nhường (45 tuổi, Cẩm Kim, Hội An), hành nghề này đã gần chục năm. Mấy bữa trước, chiếc ghe của chị mới được làm lại vì khách chê xấu, không dám đi. Chị đầu tư hơn chục triệu đồng để “tân trang” lại chiếc ghe này, hy vọng sẽ có nhiều khách hơn. Trước đây chị cũng đi biển. Người phụ nữ nào đi biển cũng có nhiều khốn khó riêng và cực nhọc hơn so với cánh đàn ông. Sức yếu, chị đành bỏ biển, về lại bến Bạch Đằng để chở khách với chiếc ghe cũ mua lại và ngày ngày cặm cụi ngồi đợi khách bên bến sông này.
Chị kể: “Ngày trước đi biển có tiền hơn nhưng chừ già rồi và biển không còn hào phóng như xưa nữa. Chừ về với chiếc ghe này cố kiếm chút tiền nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi ăn học. Ngày mô có khách thì cũng được đôi ba trăm, có ngày ngồi không, ở đây ai cũng rứa cả chú à!”.
Tôi hỏi thêm về mấy người phụ nữ trên bến Bạch Đằng, hóa ra các chị cũng đều xuất thân từ những người đàn bà đi biển, không còn sức bôn ba với những con sóng ngoài khơi, giờ về làm bạn với chiếc ghe máy nhỏ và ngày ngày ngồi đợi khách. Mới ở cái tuổi xấp xỉ 50 nhưng cuộc mưu sinh với biển cả đã bào mòn nhiều sức lực và nhan sắc khiến các chị già hơn nhiều so với tuổi.
Thu nhập của các chị cũng bấp bênh như con nước sông Hoài bởi sự cạnh tranh từ các công ty du lịch. Những ngày có khách, sau khi trừ các loại chi phí, chỉ dư ra chưa tới trăm nghìn. Còn những ngày mưa bão, ế khách thì lại lủi thủi ra về.
Hầu hết những người phụ nữ làm nghề chèo ghe đưa khách bên bến Bạch Đằng đều cố gắng bám trụ vì cuộc mưu sinh. Họ tự an ủi nhau rằng: Mỗi người một nghề, một số phận. Hơn nữa không có vốn liếng và sức lực nên đành làm cái nghề đơn giản này. Vẫn biết mỗi chiếc ghe là cả một bát cơm lênh đênh trên dòng Hoài giang, nhưng vẫn thấy ngậm ngùi… 
Những người quăng chài trên sông cho khách chụp hình
Quăng chài cho khách chụp hình
Lênh đênh trên dòng Hoài giang, chị Nhường chỉ cho tôi thấy kiểu mưu sinh khác. Những chiếc xuồng nhỏ, cái nào cũng có hai người, một người chèo xuồng, một người quăng chài. Chị Nhường nói: “Họ quăng chài cho khách chụp hình đó chớ có cá chi mô!”. Thấy tôi có vẻ không tin,  chị liền gọi to: “Bác Ba ơi! quăng chài cho khách chụp hình kìa!”. Nghe vậy, một bóng người nhổm lên, chầm chậm quăng chiếc chài xuống lòng sông rộng.
Chị Nhường kể: “Mấy người đó trước đây là dân chài lưới cả nhưng cũng không còn sức nên họ chuyển qua cách này để kiếm tiền. Ban đầu họ cũng không biết nhưng thấy khách du lịch cứ chụp ảnh họ quăng chài, mỗi lần như vậy họ đưa ít tiền để cảm ơn, lâu dần thành lệ nên họ chuyển qua làm cái “nghề” này luôn”.
Có lẽ đây cũng là một cách kiếm tiền khá độc đáo của những những người nghèo của thành phố du lịch. Trên một khúc sông rộng, có gần 20 chiếc xuồng nhỏ quăng chài cho khách chụp hình như vậy. Lại gần chiếc xuồng của người vừa quăng chài cho tôi chụp hình, người đàn ông trên xuồng có cái tên Lê Khó (67 tuổi, Cẩm Nam, Hội An) cười nói: “Cực chẳng đã mới làm nghề này thôi chú ơi. Tui và ông bạn 78 tuổi đây đã “hợp tác” với nhau mấy năm nay rồi!”.
Những người quăng chài này không vòi tiền của khách, đưa bao nhiêu thì họ nhận bấy nhiêu và trên khuôn mặt không bao giờ thiếu những nụ cười. Thật ra thu nhập của những người này cũng phụ thuộc vào những chiếc thuyền, chiếc ghe đưa khách trên sông như của chị Nhường. Có khách đi ghe đến, họ mới quăng chài cho khách được. Thế nên, hầu hết những người quăng chài và những người lái ghe máy đều biết nhau. Họ phải “cộng sinh” để kiếm sống trên khúc sông Hoài này. Du lịch thì theo mùa, họ cũng theo mùa để mưu sinh. Những ngày mưa bão, khúc sông sủi ngầu lên cũng là những ngày họ nằm bờ mà mong trời đừng nổi gió…
Nhìn những người phụ nữ cặm cụi chở khách trên sông, ngồi đợi khách bên bến Bạch Đằng, hay những người dân nghèo quăng lưới trên sông cho khách có những khung hình đẹp, tôi nhận ra tuy cuộc mưu sinh nào cũng đầy khốn khó nhưng trên khuôn mặt họ lúc nào cũng có nụ cười hiện hữu, thân thiện, lạc quan theo chân những bức ảnh của khách du lịch đi khắp Năm châu.

Tác giả bài viết: Hữu Cường

Nguồn tin: thethaovanhoa.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật