Mặc dù không phải là cái nôi của chòi cổ, nhưng Hội An luôn giữ được vị thế của bài chòi, gắn liền với cuộc sống hiện đại.
Những người giữ hồn…
Có lẽ du khách Hội An đã rất quen với hình ảnh du thuyền trên sông Hoài và lắng nghe vài bài chòi cổ, đây là một hình thức sinh hoạt độc đáo được bảo tồn hơn chục năm qua.Sau một ngày bận rộn, hằng đêm, những nghệ sĩ yêu bài chòi lại thả mình sống lại với nỗi niềm chòi cổ. Họ đem hết những gì sâu trong trái tim giữ hồn mình trong mỗi ca từ. Một trong số nghệ nhân chúng tôi gặp là ông Nguyễn Đáng, năm nay đã 55 tuổi, người ấp Hậu Xá, phường Thanh Hà, TP.Hội An, ông có hơn 15 năm rong ruổi với nghề hát chòi.
Nghệ nhân Nguyễn Đáng bên cây đàn nhị.
Sinh ra và lớn lên tại quê hương Thanh Hà, ngay từ năm 8 tuổi, ông Đáng đã theo bà ngoại đi nghe chòi. Ông Đáng nói: “Hồi ấy, tôi chỉ đi theo bà, nhưng nghe mãi rồi cũng quen dần cái âm điệu, chỉ cần hát lên, tôi đã biết đó là bài nào, trong thẻ bài nào được xốc lên”.
Sau khi tốt nghiệp trường THPT Cao Bá Quát, ông tham gia thanh niên xung phong rồi về làm tại Hợp tác xã phường Thanh Hà, cũng từ lúc đó, ông bắt đầu tham gia văn hóa tại địa phương và ông còn tìm các lớp hướng dẫn cách viết bài chòi, luyện âm giọng.
Nhưng mãi đến năm 1998, phố cổ Hội An được khôi phục và lần đầu tiên “đêm phổ cổ” được tổ chức với chương trình “Trò chơi dân gian bài chòi”. Ông Đáng là một trong những người đầu tiên hát chòi tại đêm phố cổ này. Ông nói: “Tôi cảm thấy sức sống chòi cổ chưa bao giờ tắt, những ngày sau đó, tôi quyết tâm học hỏi, viết thêm nhiều bài, đi đến miền biển, vô tận cái nôi của chòi là Bình Định tìm thầy học đạo”.
Theo ông để học hát bài chòi, điều quan trọng chính là sự kiên nhẫn, năng động, sáng tạo trong lời ca. Ông giảng giải: “Nếu như trong vè, người ta sử dụng điệu lía nhiều, trong dân ca thì yêu cầu người hát phải có chất giọng mềm mượt, sâu lắng. Nhưng đối với chòi cổ thì nó lại ưa cái chất mộc mạc, chân chất như người lao động có sao nói vậy, lời lẽ rõ ràng”.
Không chỉ có ông, mà những người phụ nữ tuổi gần 40 như chị Nguyễn Thị Lệ Nga cũng tham gia hát mỗi đêm, với chị mỗi lần được hát chị như sống lại những ngày tháng xưa cũ, chị cho biết: “Ban ngày tôi là một thợ nhiếp ảnh, kinh doanh buôn bán, nhưng ban đêm tôi là một nghệ sĩ hết mình với bài chòi. Tôi có gần 14 năm hát trên sông Hoài và biểu diễn từ Nam đến Bắc”.
Chị Lệ Nga cùng anh Phạm Anh Tuấn đang đánh bài chòi.
Anh Tuấn cho khán giả xem bài rút được và chị Nga hát bài chòi.
Và mỗi đêm trên sông Hoài hay tại Trung tâm văn hóa thể thao Hội An, người ta lại thấy những người nghệ sĩ mặc áo dài, áo bà ba đi biểu diễn. Đến nay chính bản thân họ cũng không nhớ mình đã thuộc hết bao nhiêu bài chòi và đã hát bao nhiêu đêm.
Làm phong phú chòi cổ
Chòi cổ là một loại hình nghệ thuật, theo đó, người chơi lần lượt chiếm các chòi, tìm cho mình chỗ ngồi thoải mái, những người còn lại đứng quanh 9 chòi vừa xem anh Hiệu (người hô lệnh và hát bài chòi - PV) ra thẻ bài và nghe hát chòi theo bài.
Và vật chơi là thẻ bài gồm 30 thẻ, bỏ vào một cái lọ, mỗi thẻ là một bài chòi, mỗi bài chọi sẽ có đến hàng chục cách biểu diễn, nội dung hát khác nhau. Như vậy, người chơi phải thuộc lòng hết bộ 30 thẻ bài, chẳng hạn như Sáu tiền, Chín gối, Lá liễu… Dụng cụ hát gồm trống cơm, đàn nhị, trống chào.
Cuộc chơi bắt đầu khi anh Hiệu cất tiếng hò: gió xuân phảng phất nhành tre, xin mời cô bác lắng nghe bài chòi. Và mỗi người rút thẻ nào thì hát đáp lại nội dung thẻ đó.
Chị Nga cho biết: “Những bài như Vinh quy về làng, Lý ngựa ô,…thường là những bài được hát nhiều nhất, nó gần như thơ lục bát, lại vừa có âm hưởng vè, dân ca. Ngay cả trong câu hát của anh Hiệu cũng chứa đựng những nhân tình thế thái, cuộc sống đời thường, tình cảm đôi lứa”.
Tuy nhiên để chòi cổ phát triển, Trung tâm Văn hóa thể thao Hội An đã đưa chòi vào một loại hình du lịch và biểu diễn có tính chuyên nghiệp, khuyến khích những người trẻ tuồi tham gia học bài chòi.
Ông Phùng Tấn Đông - Trung tâm VHTT Hội An, cho biết: “Để góp phần giữ gìn và phát triển bài chòi, các nhà chuyên môi đánh giá trước hết cần giữ nguyên trạng chòi, lối hát cổ, thực hiện bài bản hơn khi viết lời chòi. Ngoài ra, nội dung bài chòi cần đa dạng, phát triển những chủ đề gắn liền với đời sống như giao thông, gia đình… làm cho nó phong phú, thu hút giới trẻ”.
Ngoài ra, hình thức biểu diễn cũng được đa dạng hóa, các nghệ nhân tham gia biểu diễn phục vụ các đối tượng chính sách, Hội Người cao tuổi… cho đến các trung tâm xã hội, giáo dục. Như vậy, vừa làm phong phú chòi cổ vừa giữ hồn bài chòi trong lòng người nghe.
Hiện tại, có khá nhiều diễn viên trẻ tại Trung tâm đã trở thành người diễn xướng thành thạo như anh Phạm Anh Tuấn, Dương Thị Hoa…
Bước chân ra về, chúng tôi vẫn còn nghe thấy âm thanh của trống, đàn nhị, ca từ bài con xe: đừng đi ngõ ngách quanh co, rồ ga chạy ẩu, rủi ro có ngày,… ai ơi xin nhớ… Họ, những nghệ nhân ấy đang bắt đầu cho nền “âm nhạc chòi” pha tính hiện đại.
Tác giả bài viết: Nguyễn Trang
Nguồn tin: Báo Dân Trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn