//

Đến Hội An chơi bài chòi cổ

Thứ hai - 23/02/2015 14:37

Tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, bài chòi được diễn xướng hàng đêm, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia.

Anh 4 1418285789 660x0 CNKB

Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân miền Trung lại rộn ràng bện tranh dựng chòi, kê ván chuẩn bị cho Hội bài chòi. Tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, bài chòi được diễn xướng hàng đêm, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia.

Ở sân vườn tượng Hội An, “chị hiệu” (là người hô hát) hô hát những làn điệu dân ca xứ Quảng. Trò chơi từ 5 đến 7 phút. Mỗi thẻ bài gồm có 3 từ. Nó cũng tương tự  như trò chơi lô tô nhưng trò chơi dân gian bài chòi bằng chữ 3 chữ. Trong mỗi trò chơi nếu mình trúng 3 chữ thì mình sẽ là người trúng thưởng.

hoi an 4 GJJDẢnh: VnExpress
Người ta dùng bộ bài Tam Cúc 27 cặp, đem mỗi lá bài dán vào một thẻ tre. Bộ bài chia ra làm đôi: một nửa bỏ vào ống do người hô hiệu giữ, một nửa đem phân phối cho 9 chòi, mỗi chòi 3 lá. Lúc vào cuộc, anh hiệu rút bài trong ống ra, hô lên, chòi nào trúng lá ấy thì gọi hiệu đem lại. Khi có một chòi trúng đến lá thứ 3 là xong một ván.

Một vị khách đến từ Hà Nội hứng thú với trò chơi cho biết: “Dân ca khuyên con người cái hay, cái tốt. Tôi trúng nhiều lắm, cũng may mắn mà vui nữa. Vui là vì mình được một kỷ niệm về một trò chơi dân gian, lại được nghe những điệu dân ca mà, mình thích”.

Không chỉ được nhận quà mà khi tham gia hội bài chòi, du khách cũng sẽ có những tiếng cười sảng khoái khi thưởng thức những câu hát của nghệ nhân – “anh hiệu” Nguyễn Đáng. Nghệ nhân Nguyễn Đáng thường sử dụng kỹ thuật nhấn, luyến, nói để gây cười, làm cho không khí của trò chơi dân gian Bài chòi trở nên sôi động.

“Lời trong ngày Tết là phải hài hước, là những lời trong dân gian rất vui, ngày Tết phải vui nhộn để tạo không khí xuân”, anh Đáng cho biết.

Ảnh: Lao Động

Nếu hơn một lần đến với Hội An, chắc các bạn sẽ nhận ra một điều là, trong các đêm diễn chỉ có nghệ nhân Nguyễn Đáng và những gương mặt quen thuộc khác của hội bài chòi. Đây cũng là băn khoăn của nhiều du khách về đội ngũ kế cận duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao thành phố Hội An, người đã có 15 năm dày công nghiên cứu, sưu tầm phục dựng bài chòi cổ cho Hội An cho biết: “Trong cung cách tổ chức, chúng tôi cũng phải tranh thủ các phương tiện, ví dụ âm thanh cho hay để chuyển tải giọng hô hát của anh em. Hay quân bài chỉ 2cm chúng tôi cải tiến lớn lên để khách quan sát, thậm chí là phiên dịch tiếng Anh. Chúng tôi còn sử dụng những câu ca dao, tục ngữ với những lời hô bổ ích. Để tạo không khí phải sử dụng những câu dí dỏm. Bên cạnh đó cũng phải nâng cao đời sống anh em, hỗ trợ anh em”, ông Phùng cho biết.

Tết này, những nghệ nhân bài chòi Trung bộ vui hơn khi Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tiến hành lập hồ sơ di sản “Tục chơi Bài chòi mùa xuân của người Việt” để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

Tác giả bài viết: Thanh Hà/VOV – Miền Trung

Nguồn tin: VOV


 

Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 4.4 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật