//

Ngõ nhỏ phố Hội An

Thứ bảy - 19/07/2014 14:04

gõ trong phố cổ Hội An đã trải qua bao thăng trầm dâu bể. Ở đó, không chỉ hằn in những dấu tích của thời gian mà còn lắng đọng cả những số phận, những khoảng đời của bao thế hệ, tạo nên tính cách hiền hòa, ăm ắp nghĩa tình của người dân phố cổ.D ẤU ấn của một thời thăng trầm, của một thời tần tảo, chịu thương chịu khó như vẫn hiện hữu trong những con ngõ nhỏ Hội An rêu phong cũ kỹ.


Ngõ nhỏ, nơi lắng đọng không gian phố cổ Hội An。
Màu thời gian như pha trộn bám thành từng mảng lớn trên những bức tường, như những bức tranh của trường phái "trừu tượng".

Mầu xám, có phải là mầu của những cơn mưa sa, bão táp và cả của dòng đời va đập vào con người. Còn kia, một vệt mầu sáng trên bức tường phơi giữa nắng có phải là sự hiện hữu của những tà áo dài trắng với tiếng cười hồn nhiên đi trong ngõ vắng, giữa trưa. Và mầu xanh rêu trên thành cổng xây trong ngõ nhỏ cứ như ánh mắt thấm đẫm nước của người vợ ngóng chồng đi xa...

Có một "điều hay", ngõ ở Hội An thường không phải ngõ cụt, phố nối phố, đường liền đường, tạo nên những con đường ngắn nhất để người đến với người, nhà đến với nhà. Ngõ ở Hội An thường chật, một người nép qua bên, để người kia đi. Có gặp cả trăm lần, vẫn gật đầu chào nhẹ, nở một nụ cười thân thiện. Trong ngõ không bao giờ to tiếng với nhau, cho nên cứ đi trong ngõ nhỏ, có khi lại thấy nhẹ người, cho dù ngoài kia là một phố lớn ồn ào.

Trong ngõ phố Hội An thường ẩn hiện một, hai nhà cổ có sân vườn. Cái sân vườn, từ ngõ bước vào chỉ một bước chân, nhưng đó là "thế giới" khác. Một "thế giới" an bình. Hương trầm thoang thoảng mùi thơm dịu, giữa sân có một bể nước, bên trên có hòn non bộ, bên dưới là những đàn cá vàng tung tăng bơi lội, một giàn hoa lý mát rượi rợp cả góc sân. Dưới mái nhà cổ, có treo vài lồng chim, sớm mai tiếng chim gù trong ngõ, cảm giác trong trẻo, tinh khiết đến thế.

Ngõ của Hội An mà tôi hay qua thường vậy, có bao nhiêu chuyện để kể và tôi như thấy cả một Hội An thu nhỏ trong đó.

... Buổi sáng, một bà dáng mập, nét mặt hiền hậu đẩy xe ra đầu ngõ bán xôi. Nắm xôi không to, có đầy đủ nhân thịt, nước chan, đậu xanh...

Năm nghìn một gói, ăn sáng vừa vặn, khách đến lặng lẽ, nói nhẹ. Cần thì ăn tại chỗ, có mấy cái ghế nhỏ, một hai cái bàn, không phiền ai. Nếu bận, gói xôi để trong hộp sạch sẽ, có ni-lông bọc bên ngoài, xách treo tiện lợi. Buổi tối, đầu ngõ lại "hình thành" một quán cơm gà của chị Ty. Cũng chừng ấy cái bàn, chừng ấy cái ghế, chỉ có người bán là khác. Điểm chung, hàng rẻ, ngon, người bán nhiệt tình, chiều khách. Buổi tối nọ, có hai khách Tây đến ăn cơm gà, uống bia say, bỏ quên... chiếc xe máy đắt tiền. Sáng sau khách đến hỏi, hỏi thế thôi, chứ không hy vọng xe còn. Không ngờ, chị Ty giao xe tận tay còn miễn phí cho hai tô cháo gạo lức. Hai khách Tây nhận lại xe, cười tít, nói bập bẹ tiếng Việt : "Cam on! Người Hoi An tot, tot..." (Cảm ơn, người Hội An tốt, tốt).

Thường qua lại ngõ nhỏ này, tôi chú ý một cái cổng kiến trúc kiểu gô-tích, phía sau là một ngôi nhà cổ của ca sĩ Ánh Tuyết. Có lẽ chị bận đi biểu diễn nên để ngôi nhà luôn trong tâm thế trầm mặc, nhớ chủ. Cái cổng trước ngôi nhà có hai cánh cửa sắt đã cũ lắm, những thanh sắt hình nan quạt cái còn, cái mất... chủ nhà vẫn không muốn thay, như cố níu kéo quá khứ. Chỉ đến ngày gần Tết, ca sĩ Ánh Tuyết lại cho người lau chùi, sơn phết, như muốn khoe một cái áo mới may với người qua lại. Nhìn cánh cổng kiểu với những vết loang lổ sẫm mầu già nua, tôi có cảm tưởng nó giống như một người lính già tận tụy, trung thành gác một bảo tàng cổ là cả cái ngõ nhỏ này. Vừa rồi, đầu ngõ, ca sĩ Ánh Tuyết mở quán cà-phê Quê Nhà hát với nhau. Người Hội An, ở lâu, tôi phát hiện ra một điều, ai cũng có thể trở thành... ca sĩ. Ca sĩ thứ thiệt, chứ không phải ca sĩ "vườn". Nhờ quán cà-phê này của ca sĩ Ánh Tuyết, cứ tối thứ ba, thứ bảy, đầu ngõ lại dìu dặt tiếng nhạc, trầm bổng tiếng ca của chị bán quán, anh xích-lô, người thợ sửa chữa đồng hồ... Sau một ngày lao động mệt nhọc, họ tập trung lại, ăn vận lịch sự, đến quán xả hết những nỗi nhọc nhằn, thu nạp vào tinh thần lạc quan qua những giai điệu đẹp về tình yêu, về truyền thống cha ông dựng nước và giữ nước.

Cũng trong ngõ, còn có quán cà-phê mái lá Lạc Viên của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ. Ông hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc từ hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, là bạn thân của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng cho nên quán cà-phê mái lá Lạc Viên hay réo rắt giai điệu của những người bạn thân đã đi xa như nhạc sĩ Trần Hoàn, Trịnh Công Sơn... Nhiều người yêu dòng nhạc xưa thường đến đây buổi sớm, nhâm nhi cà-phê, nghe nhạc trong không gian xanh, nhẹ gió... cảm nhận thời gian như ngưng lại.

Cạnh quán cà-phê Lạc Viên có một cửa hàng bán bánh cuốn, nộm của bà Yến, giá rất rẻ, khách chủ yếu là những em học sinh cố tiết kiệm một, hai nghìn đến đây góp vào ăn chung. Bà Yến đã phục vụ những khách hàng "nhí" này mấy chục năm rồi. Bàn gỗ, ghế gỗ lên nước bóng loáng vì sự bào mòn của thời gian. Bà Yến nói với tôi: "Thấy lũ trẻ không đi chơi, quậy phá, ríu rít nói chuyện học hành, giúp đỡ nhau lúc thiếu thốn, ăn chung với nhau không phân biệt giàu nghèo... là tui vui, cần gì phải tính lời lãi mấy đĩa bánh".

Nghe bà Yến nói, tôi lại mường tượng đến tình thương của bà nội dành cho mấy đứa cháu, con của tôi.

Sáng nào đi qua ngõ, tôi cũng thấy một cụ già ngồi trước mái hiên ngôi nhà cổ. Dáng cụ thư thả, nét mặt tĩnh tại, bên tách trà đang nghi ngút khói.

Gặp tôi, cụ cười nhẹ, gật đầu chào, tôi cũng chào cụ. Nhưng không phải vì thế mà cụ quên đi chuyện thế sự. Có khi cụ giữ tôi lại hỏi chuyện thời cuộc hay tôi có những khúc mắc nhỏ, cụ đều giải đáp cặn kẽ... Cứ như vậy, chuyện đó thường lặp lại, đến độ, nếu buổi sáng qua ngõ, tôi không gặp cụ ngồi đấy, lại cảm giác như thấy thiếu thiếu một thứ gì. Vừa rồi, cụ già mất, ngõ nhỏ đặc quánh nỗi buồn, qua chỗ cụ thường ngồi, bước chân dường như chậm lại, thảng thốt giật mình, ngơ ngác kiếm tìm.
Ngõ phố Hội An luôn là những kỷ niệm rất nhớ, nếu phải đi xa! PHƯỚC SANG


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật