//

Giếng cổ dòng chảy văn hóa nơi phố Hội

Thứ hai - 25/11/2013 20:47

Giếng cổ là một bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa vật thể ở Hội An, góp phần tạo nên những đường nét độc đáo rất riêng cho văn hóa phố Hội, gắn bó mật thiết hằng ngày với đời sống của người dân ở đây từ ngàn xưa.

Các giếng cổ ở Hội An phân bố tập trung ở khu vực dọc bờ bắc sông Đế Võng (thuộc thôn 5, 6 xã Cẩm Thanh, khối 4, phường Thanh Hà), trong khu phố cổ, số còn lại nằm rải rác ở nhiều nơi. Vị trí các giếng này thông thường cách sông chừng 50 - 150m, đặc biệt nhiều giếng chỉ cách sông 6 - 10m. Nếu như ở vùng ven, giếng nằm trong các nhà dân và phổ biến kiểu dáng hình tròn, thì tại khu phố cổ xuất hiện nhiều nhất là giếng hình vuông và trên tròn dưới vuông. Sở dĩ vậy là xuất phát từ quan niệm âm dương từ ngàn xưa trời tròn đất vuông, dương tròn âm vuông. Tất thảy những giếng cổ dều nằm trong khuôn viên của các di tích tín ngưỡng như: hội quán, nhà thờ tộc, đình, miếu của người Hoa Minh Hương, người Hoa Ngũ Bang. Nhờ hệ thống giếng này mà người Chăm có thể tồn tại qua bao mùa đại hạn.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, kiểu giếng vuông và trên tròn dưới vuông là giếng Chăm, được xây dựng từ trước thế kỷ XV. Khi người Việt đến cư trú đã kế thừa nhằm phục vụ nhu cầu của mình. Số khác thì người Hoa và người Việt “học hỏi kỹ thuật” của người Chăm mà xây nên?! Tuy có nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng tất cả các giếng có chung đặc điểm trong xây dựng đó là có khung gỗ vuông (bằng lim) ở dưới thành gạch. Khung gỗ này giữ vai trò quan trọng đảm bảo tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định lâu dài không bị sụt lún. Thành giếng là những viên gạch được xếp chồng lên nhau, không có vữa kết dính tạo ra những khe hở cho nước trong lòng đất chảy vào giếng để duy trì mực nước của giếng luôn cao. Điều đặc biệt, trên các giếng này đều có các bàn thờ để thờ “thần giếng”. Đây là một yếu tố tâm linh của cư dân Hội An cổ. Họ quan niệm rằng mỗi chiếc giếng có một vị thần bảo hộ.

Tuy nằm rất gần sông nước mặn, thế nhưng nước ở các giếng cổ này mát ngọt tự nhiên không gì sánh nổi, mực nước luôn cao và ổn định kể cả những ngày nắng hạn. Vì thế, kỹ thuật chống xâm mặn, bí quyết tìm mạch nước vô cùng tài tình của người Chăm thu hút sự tìm tòi của nhiều học giả. Hơn thế giếng cổ Hội An còn mang trong mình trọng trách thiêng liêng mang dáng hồn văn hóa tinh hoa dân tộc - là di sản văn hóa thế giới của Việt Nam.


Hội An đến nay còn khoảng 80 chiếc giếng cổ, trong đó đáng chú ý hơn cả là giếng Bá Lễ, có từ thời người Chăm xưa, là giếng cổ bằng gạch chứ không cần vôi vữa. Dưới chân là khung gỗ lim rộng bản, tồn tại cả ngàn năm nay. Về tên gọi của giếng thì có câu chuyện kể lại rằng vào thế kỷ XX một người đàn bà quyên 100 đồng Đông Dương để trùng tu từ đó giếng có tên là giếng Bá Lễ. Giếng Bá Lễ có cấu trúc hình vuông, thành lát gạch, đáy lát gỗ, sâu khoảng 12m.

Theo những tài liệu nghiên cứu để lại, giếng có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VIII-IX. Nước giếng Bá Lễ từng là loại hàng hóa bán cho các thuyền buôn đến từ Ba Tư, Nhật Bản… Trước giếng tên gì không ai rõ, vào thế kỷ XX, bà phú hộ trong làng tên là Bá Lễ đã bỏ ra 100 đồng tiền Đông Dương trùng tu lại. Từ đó, người ta lấy tên bà đặt thành tên giếng. Có thể do giếng đã ở với đất Hội An cả nghìn năm, lại cũng có thể nó mang lại cho người dân nhiều nguồn lợi cả từ vật chất đến tinh thần, nên ngày rằm, mồng một, người dân Hội An thường sắm sanh hương hoa đến bên thềm giếng, đặt lễ, như một sự tạ ơn. Người Hội An cũng tin rằng: khi mới chào đời, đứa trẻ nào được tắm bằng nước giếng Bá Lễ thì da dẻ sẽ hồng hào, trắng trẻo và đặc biệt là không bao giờ bị rôm, sẩy.


Nếu ai tìm hiểu kỹ về văn hóa ẩm thực của phố cổ Hội An chắc hẳn đều biết rằng tất cả những món ăn đặc sản ở phố Hội như Cao Lầu, mì Quảng... đều chỉ sử dụng nước giếng cổ này. Bởi lẽ, nước ở các giếng cổ này mát ngọt tự nhiên không gì sánh nổi, và nó góp phần quan trọng làm nên hương vị đặc trưng có một không ai trong các món ăn phố Hội.

 

Ở Hội An tồn tại một nghề từ xưa đến nay đó là nghề chở nước giếng thuê.
Ở Hội An tồn tại một nghề từ xưa đến nay đó là nghề chở nước giếng thuê.

Chính vì vậy, ở Hội An tồn tại một nghề từ xưa đến nay đó là nghề chở nước giếng thuê. Có những gia đình con nối nghiệp cha truyền nghề 3, 4 đời. Sẽ là thiếu sót nếu như viết về giếng Bá Lễ lại không viết về hai vợ chồng ông lão Nguyễn Đường, người đã có mấy chục năm làm nghề gánh nước thuê ở Hội An. Ông là người cuối cùng còn gánh nước thuê ở nơi này. Ở tuổi 82, ông vẫn mạnh khỏe, làn da đen bóng, bàn tay gân guốc nổi đầy. Ông vẫn dư sức ngày dăm lượt gánh đôi thùng nước đầy đi băng băng qua những con phố. Cùng với giếng Bá Lễ, thì giếng Mái nằm ở ngã 5, trước cửa chợ Hội An và chùa Ông là một trong hai chiếc giếng cổ nhất trong khu vực phố cổ Hội An. Đây là giếng công cộng duy nhất ở phố cổ được lợp mái ngói vảy cá, là một biểu tượng quen thuộc gắn liền với dân cư trong khu phố cổ.

Những chiếc giếng cổ là một bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa vật thể ở Hội An, góp phần tạo nên những giá trị độc đáo rất riêng trong đời sống người dân và văn hóa phố Hội.

Tác giả bài viết: Tường Vi


 

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật