//

"Con đường" bảo vệ di sản

Thứ sáu - 06/01/2012 14:43

Con đường để di sản Hội An trường tồn, phát huy giá trị vốn có không hề bằng phẳng, nhưng đó là con đường dài cần phải đi và những người nặng lòng với phố cổ đã phải dấn bước…

alt
Trình diễn đèn lồng tại Hội An. Ảnh: TẤN VỊNH

Đâu “hồn xưa phố cũ”?

“Gừng già hóa quế” là câu thành ngữ mà tôi muốn dành để bình giá về quê hương Hội An. Người ta ví Hội An như một cụ già ngồi đếm ngày tháng dần trôi, hồi tưởng về thuở vàng son của một cảng thị quốc tế sầm uất còn ghi dấu qua trầm tích thời gian đang âm thầm phủ bóng trên những mái phố ngả màu rêu bên những con đường yên lặng. Nhưng điều mà Hội An cần hôm nay là một “không gian văn hóa tĩnh lặng”, tiềm tàng nội lực để “gừng già hóa quế” chứ không phải là một thành phố “dưỡng già” chờ ngày “cưỡi hạc”. 

Nhiều người bản xứ xa quê khi trở về thường tiếc nuối trước không gian xưa ngày càng mất dần những ngõ phố thân quen, những con đường tĩnh lặng, những ngôi nhà rêu phong trầm mặc hay những góc khuất đầm ấm trong những quán cà phê Chanh, cà phê Đạo... Hương xưa cũng dần nhạt phai khi không còn phảng phất vị thơm nồng của đại hồi, quế chi - đặc trưng của những cửa hiệu thuốc bắc Triều Phát, Thuận An. Và cũng chẳng thấy nữa không khí buôn bán đằm thắm của những tiệm tạp hóa Phi Anh, Phi Yến, Bửu An. Thiếu vắng những tấm chân dung đen trắng “nam phụ lão ấu” phóng to của các hiệu ảnh chuyên nghiệp Huỳnh Sau, Huỳnh Sỏ, Vĩnh Tân, Nghĩa Ảnh… cùng những bức vẽ truyền thần tài hoa của các họa sĩ Hồng Hưng, Mỹ Hội, Chánh Bình. Ngày nay, thay vào đó là những shop áo quần, giày dép, lồng đèn, khăn lụa, hàng mộc mỹ nghệ, gallery tranh và hàng lưu niệm cơ động bằng xe đẩy…

Từ ngày 29.11 đến 4.12.1999 ở Marakesh (Morocco), Ủy ban di sản thế giới của UNESCO đã công nhận Hội An là Di sản văn hóa thế giới với hai tiêu chí trong nhiều tiêu chí công nhận. Trong số đó có tiêu chí 2 (Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế) và tiêu chí 5 (điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo).

Ngày Hội An thực hiện đề án tái hiện Đêm phố cổ đầu thế kỷ XX và phố dành riêng cho người đi bộ, nô nức những dòng người, dòng khách như thác đổ về. Không riêng gì phố, không gian những con đường kiệt thơ mộng, hẻm ngõ trầm tư cũng dần bị cô đặc lại bởi những dịch vụ điểm tâm sáng, chiều cùng chỗ dựng xe máy bất đắc dĩ. Các cấp quản lý vẫn đang tìm lời giải cho một bài toán khó về không gian phố. Trước sự xô bồ ấy, người Hội An bây giờ cũng có nhiều “cơ hội dễ thở” hơn ngày xưa, ngày mà nhiều thế hệ của một gia đình chung sống trong một căn nhà chật hẹp nhưng ấm cúng và mặn nồng tình nghĩa. 

Khi những căn nhà ẩm mốc, cũ kỹ ấy “lên đời” giá bạc tỷ thì nhiều gia đình lại có điều kiện “bung ra” vùng ngoại ô với một căn nhà tiện nghi hơn. Rồi theo đó, “hồn xưa phố cũ” cũng đổi thay theo nhịp thở thời đại. Không gian văn hóa gia đình theo đó cũng bị xáo trộn, thu hẹp và xé lẻ bởi sự sôi động, giục giã của cơ chế thị trường. Những căn nhà cho thuê, những căn nhà sang tay đổi chủ trở thành những “con ốc ký cư” với mục đích thuần kinh doanh thì việc quan tâm giữ gìn “hồn phố”, giữ gìn những nếp sống đặc trưng, truyền thống, thường ngày đã trở thành “việc lạ” và “việc nhỏ”. Vài con đường đã tắt hẳn tiếng rao khuya, đêm Hội An mất dần những hơi thở ấm. Cả những ngày tết, chưa đến ngày hoàng đạo các shop đã cửa đóng then cài, phố đưa “mặt lạnh” làm nét duyên xuân cũng ngầm thiếu chút sức sống.

“Bài học” về văn hóa ứng xử

Nếu gọi văn hóa là những giá trị xã hội sâu bền mà con người đã sáng tạo nên, thì truyền thống văn hóa cũng không phải là cái bất di bất dịch mà luôn được điểm tô càng ngày càng phong phú bởi bàn tay và khối óc của những con người lao động. Bài học bảo tồn và phát triển không gian văn hóa Hội An, không thể không kể đến sự đóng góp của các làng nghề như: mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, khu du lịch sinh thái Cẩm An, Cẩm Thanh, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và các di tích lịch sử văn hóa - xã hội - cách mạng, các đình, chùa, miếu mạo, đặc biệt là những “bảo tàng sống” của Hội An. 

Không riêng gì Hội An, nhiều lễ hội dân gian được khôi phục trên khắp mọi miền đất nước, sự tinh lọc và sắp xếp, tổ chức các lễ hội văn hóa cũng không hề dễ dàng. Hiện nay, nhiều lễ hội vì chuộng “sự diễn” với sân khấu hóa nên đánh mất cái “thần thái” trang nghiêm của “lễ”, mất cái sinh động, tự nhiên của “hội” nên nhàm chán, thiếu tích cực là điều dễ hiểu. Từ lâu, Hội An đã xây dựng được cho mình một lịch trình lễ hội khá hoàn chỉnh với những lễ hội văn hóa có chiều sâu, chất lượng và bền vững. Do đặc thù là phố di sản, Hội An trở thành một trong những tâm điểm du lịch nổi tiếng của Đông Nam Á, mật độ lễ hội văn hóa ở Hội An trong những năm qua đậm đặc hơn các vùng miền khác của tỉnh Quảng Nam. Những chương trình và dự án văn hóa dài hơi của Hội An đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Các nhà quản lý văn hóa ngày càng chuyên nghiệp trong tổ chức lễ hội và các sự kiện văn hóa. Tuy nhiên, họ cũng ý thức và quán triệt tinh thần quần chúng hóa, xã hội hóa một cách sâu sắc. Lễ hội văn hóa dân gian nên gần diện mạo và linh hồn của cuộc sống đời thường hơn là khuôn mặt của diễn xuất.

Công việc trùng tu để bảo tồn di sản là một quá trình lâu dài, cần độ chín của nghiên cứu và thẩm thấu giá trị chân xác của những di tích. Kỷ niệm 12 năm ngày Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, các nhà bảo tồn đã nêu lên nhiều câu hỏi thuộc về những vấn đề có tính cấp thiết và đầy trách nhiệm: Có mâu thuẫn nào không giữa nhu cầu sửa chữa, sử dụng di tích của người dân, các quy định tu bổ di tích về tính nguyên gốc, tính chân xác trong tu bổ? Vấn đề này cần giải quyết theo hướng nào?... Riêng vấn đề nhân công và nguyên liệu để phục chế những công trình cổ hiện đang gặp khó khăn. Thực tế, các thợ mộc nề có tay nghề cao đảm bảo cho việc tu bổ di tích ngày càng hiếm. Vì thế, cần tổ chức những xưởng mộc, nề, ngói, gốm chuyên chế tác các loại vật liệu xây dựng để tu bổ cho các di tích, mở những lớp bồi dưỡng, truyền nghề của những nghệ nhân dân gian, của những bậc “trưởng lão” cho các thế hệ trẻ. Đội ngũ hướng dẫn viên cũng cần được đào tạo, tham dự những hội nghị chuyên đề về lịch sử và văn hóa Hội An để tránh những nhận thức và giới thiệu sai lầm về di sản. 

Văn hóa ứng xử là một bài học không bao giờ cũ. Hiện nay đã có những tiếng chuông báo động về nhận thức của thế hệ trẻ về lịch sử, về truyền thống, về thái độ, hành vi văn hóa, các chuẩn mực đạo đức và các giá trị xã hội. Chính vì thế mà người Hội An bên cạnh việc tỉ mẫn gìn giữ, tôn tạo những “đống vàng di sản” mà cha ông để lại cũng phải sớm nghĩ ngay đến việc bảo tồn cho bằng được cái “chất lượng tinh ròng” của những giá trị ấy. Khôi phục những hồn xưa nếp cũ, những thuần phong mỹ tục đặc trưng của Hội An quả là công việc lâu dài. Bài học mới về văn hóa ứng xử khiến chúng ta nghĩ ngay đến công tác giáo dục thế hệ trẻ hiện nay. Một tình yêu phố, yêu quê” chỉ thực sự hình thành khi chính những “chủ nhân ông” tương lai ấy ý thức đầy đủ qua những hoạt động thực tiễn, hoạt động cá nhân và hoạt động giao lưu của các em. Những trò chơi dân gian, hát đồng dao và tham gia các hoạt động lễ hội trên chính quê hương của mình sẽ có khả năng định hướng các giá trị văn hóa, thẩm mỹ chân chính cho các em…

 

Tác giả bài viết: HUỲNH DÕNG

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật