//

Nơi khai sinh Táo quân

Chủ nhật - 15/01/2012 21:02

Cứ vào dịp cuối năm, làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) lại trở nên vô cùng nhộn nhịp... Bởi, đây được xem là làng nghề cuối cùng của miền Trung duy trì nghề làm tượng Táo quân.

Đã nhiều năm trôi qua, dù nghề làm tượng gốm Táo quân không mang lại giá trị mưu sinh cho người dân làng Thanh Hà, nhưng không vì vậy nghề mất đi, mà vẫn tồn tại theo thời gian. Vào dịp tết, nơi đây xuất ra thị trường các tỉnh thành khu vực miền Trung hàng trăm ngàn tượng thờ ông Táo. “Mỗi tượng tụi tui bỏ cho các đầu mối chỉ vài trăm đồng, nhưng phải hoàn hảo, đầy đủ các chi tiết, vì nó liên quan đến việc thờ cúng của cả một gia đình nào đó! Nên ngó đơn giản, nhưng làm ra nó không hề đơn giản tý nào!", ông Nguyễn Văn Chín, người làng gốm Thanh Hà, chia sẻ.

 


Công đoạn in tượng ông Táo được xem là quan trọng nhất - Ảnh: Diệu Hiền

Phải có lòng yêu nghề như thế nào mới có thể tỉ mỉ với từng công đoạn để làm ra Táo quân. Ban đầu phải mua loại đất dẻo, phải đặt mua khung nhôm nhồi tượng phải có chi tiết thật sắc, mới in tượng đẹp được. Sau đó, mỗi lần in tượng, phải uyển chuyển dùng tay ấn cho thật kỹ những điểm nhấn, để cho ra những tượng táo quân hoàn chỉnh. Phải đủ đầy như tích xưa, tượng thờ ông Táo gồm 2 ông 1 bà. In tượng Táo quân xong rồi phơi nắng, sau đó xếp vào lò nung trong một ngày một đêm cho "chín". Công đoạn cuối cùng là dùng sơn mài quét lên cho tượng được bóng loáng và bắt mắt.

Nhiều công đoạn như vậy mới ra được một tượng Táo quân, nhưng bán ra thì rẻ như bèo: chỉ 700-800 đồng/tượng. Chị Trần Thị Hồng, về làm dâu ở làng gốm này 10 năm, cũng là thời gian chị gắn với nghề làm tượng Táo quân. Mỗi ngày, làm từ sáng đến tối chị nhận được tiền công là 30.000đ. "Hôm nào làm thêm cả tối thì được 40.000đ, đủ tiền chợ hằng ngày!", chị cười hiền hậu.

“Những người dân miền Trung chúng tôi luôn tâm niệm ông Táo ngoài chức năng tai mắt của Ngọc hoàng thượng đế ở trần gian, còn là thần Tư mệnh của gia đình, đứng đầu các thần bản gia (Ngũ Tự) - gọi là Đệ nhất chi chủ. Vì rứa mà không thể để mất nghề này được. Tui luôn căn dặn con cháu như rứa!", cụ bà Nguyễn Thị Lan, tuy đã ngoài 95 tuổi, nhưng vẫn còn tinh tường, nói một cách dõng dạc khi được hỏi về nghề. Cũng chính vì vậy nên dù thu nhập rất thấp so với việc nặn sản phẩm mỹ thuật hay làm dịch vụ du lịch cho du khách quốc tế; nhưng ở Thanh Hà, làng làm ông Táo vẫn tiếp tục duy trì. Cứ vào dịp cuối năm, những bếp lò nung tượng Táo quân ở Thanh Hà lại đỏ lửa... Vang vang cuối xóm vọng lên câu vè: Hăm ba Ông Táo về trời/Bình vôi ở lại chịu lời đắng cay...

Tác giả bài viết: Diệu Hiền

Nguồn tin: nld.com.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật