//

Du lịch giữ chân cư dân ở đảo

Thứ ba - 26/08/2014 08:19

Phát triển du lịch ở Cù Lao Chàm giúp thay đổi sinh kế cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhiều bạn trẻ ngay trên đảo.

Phát triển du lịch ở Cù Lao Chàm đã làm thay đổi bức tranh sinh kế người dân. Ảnh: V.L
Phát triển du lịch ở Cù Lao Chàm đã làm thay đổi bức tranh sinh kế người dân. Ảnh: V.L

Anh Nguyễn Văn Pháp (Bãi Làng) chạy xe ôm đã được vài năm, trước đây anh làm nghề chài lưới, vất vả nhưng thu nhập không đều. Từ khi Cù Lao Chàm phát triển du lịch, ông Pháp chạy “xe ôm du lịch”. Khách đến đảo thường yêu cầu anh chở đi thăm thú những nơi trên đảo như Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Hương… tùy theo lượng khách mỗi ngày anh Pháp có thể kiếm được 100 đến 300 nghìn đồng. Với anh Nguyễn Văn Châu, lái xe ôm không chỉ có thu nhập mà còn hạnh phúc khi được giới thiệu những di tích, cảnh đẹp trên đảo cho du khách. Cũng như anh Pháp công việc trước đây của anh Châu và đa số đàn ông nơi đây gắn với chài lưới nhưng du lịch đã giúp anh có thêm nghề mới. Hiện tại Bãi Làng có khoảng 50 người hành nghề xe ôm bao gồm cả phụ nữ, chủ yếu người Bãi Làng. Mỗi sáng, các “tài xế” xe ôm tập trung về bến cầu Bãi Làng ngóng tàu từ đất liền ra, đôi lúc không có khách thì tranh thủ chạy về làm việc nhà hoặc la cà tán gẫu vì trên đảo ai cũng quen biết mặt nhau.  

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, trong số gần 3 nghìn nhân khẩu sống trên đảo hầu như ai cũng có việc làm liên quan đến du lịch. Ngoài 20 hộ dân kinh doanh dịch vụ nhà hàng, hơn 50 hộ kinh doanh lưu trú, 200 hộ buôn bán lặt vặt và 11 ghe đưa khách tham quan đảo còn có hàng chục người làm các công việc liên quan khác như bán hàng lưu niệm, hái rau rừng, hái lá thuốc, lặn biển… “Từ khi du lịch phát triển, đời sống người dân đã được nâng cao và có nhiều sinh kế hơn”- ông Hải nói. Bên cạnh đó, nguồn thu của xã cũng tăng lên từ việc thu phí quản lý bến bãi, đấu giá cho thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ.

Du lịch theo đó cũng đã giữ chân những người trẻ ở lại Cù Lao Chàm. Chỉ tính 2 năm trở lại, đã có khoảng 10 bạn trẻ trở về đảo sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và  trung cấp. Theo bạn Nguyễn Thị Diệu Hiền hiện công tác tại Ban quản lý du lịch Cù Lao Chàm, làm việc tại đảo là một quyết định sáng suốt khi mà các hoạt động du lịch nơi đây ngày càng phát triển. Năm 2011, Nguyễn Thị Diệu Hiền tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng), và quyết định quay về Cù Lao Chàm với lời chia sẻ: “Dù lương có thể thấp hơn nhưng được công tác trên chính quê hương mình và làm đúng với chuyên ngành đã học là điều hạnh phúc”.

Tương tự, Trần Thị Thu Trang (thôn Cấm, Tân Hiệp) dù một năm nữa mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề du lịch Đà Nẵng nhưng đã là một hướng dẫn viên quen thuộc của các công ty du lịch hoạt động tại Cù Lao Chàm. Hàng tuần Trang đều có tour để hướng dẫn. “Công việc của mình là đón khách lên đảo dẫn đi tham quan sau đó trả đoàn về lại đất liền”- Trang cho biết. Trang nói chắc chắn sẽ về đảo làm việc sau khi tốt nghiệp vì có nhiều cơ hội tốt để những người trẻ tuổi thử sức, nhất là được làm việc gần gia đình. “Tôi nghĩ đây là hiệu quả rõ nét nhất của du lịch mang lại cho đảo thời gian qua. Dù điều kiện địa phương còn khó khăn nhưng xã vẫn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn trẻ yên tâm công tác” - ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp khẳng định.

THÂN VĨNH LỘC

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật