//

Cơ chế ưu đãi khuyến khích phát triển CN-TTCN

Thứ ba - 17/05/2011 08:12

Ban hành kèm theo Quyết định số 04 /2011/QĐ-UBND ngày 01/4/2011 của UBND thành phố Hội An

 

 

 

 

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

 Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh

1. Đối tượng áp dụng

1.1. Các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, có đăng ký kinh doanh, trực tiếp đầu tư sản xuất Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp (sau đây viết tắc là CN-TTCN) trên địa bàn Thành phố.

1.2. Các cơ quan, ban ngành; UBND các xã, phường trên địa bàn Thành phố; các Hiệp hội ngành nghề, tổ chức dịch vụ khuyến công, dịch vụ khoa học - công nghệ; các tổ chức, cá nhân sản xuất CN-TTCN có hoạt động khuyến công và các làng nghề được cơ quan có thẩm quyền công nhận đang hoạt động trên địa bàn Thành phố.

1.3. Quy định này không áp dụng đối với các nhà đầu tư là doanh nghiệp nước ngoài, cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Phạm vi điều chỉnh

2.1. Đầu tư thành lập mới cơ sở sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất hoặc đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm CN-TTCN.

2.2. Đầu tư cải thiện môi trường sinh thái, cải tạo cảnh quan; di chuyển các cơ sở sản xuất trong các khu vực đông dân cư vào cụm CN-TTCN, điểm, trung tâm làng nghề TTCN hoặc các khu vực khác phù hợp với quy hoạch. 

2.3. Ngành nghề sản xuất:

2.3.1. Nghề truyền thống: Mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim), gốm Thanh Hà, tre - dừa nước Cẩm Thanh và các nghề truyền thống khác.

2.3.2. Các ngành nghề CN-TTCN: Sản xuất hàng xuất khẩu; đồ gỗ, cói, mây tre, nứa lá; đèn lồng; đồ gốm, sành sứ, thủy tinh mỹ nghệ; hàng may mặc, túi xách, giầy dép; hàng thủ công mỹ nghệ và lưu niệm; chế biến bánh in, bánh ít, tương ớt, yến sào, dược liệu; bao bì thân thiện môi trường; cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp và đóng sửa tàu thuyền…

3. Giải thích từ ngữ

- Cụm CN-TTCN là khu vực tập trung các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất, phục vụ sản xuất CN-TTCN; có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống; được đầu tư xây dựng chủ yếu nhằm mục đích di dời, sắp xếp, thu hút các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân, hộ gia đình ở địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh; do UBND các Tỉnh quyết định thành lập. Cụm công nghiệp hoạt động theo quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp:Là khu đất tập trung có quy mô diện tích dưới 2 ha, được UBND Thành phố ủy quyền cho UBND xã, phường quy hoạch và đầu tư hoặc kêu gọi các tổ chức, cá nhân kinh doanh kết cấu hạ tầng đầu tư để bố trí mặt bằng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư CN-TTCN hoặc CN-TTCN gắn với hoạt động kinh doanh thương mại-dịch vụ

- Làng nghề, làng nghề truyền thống:Là một cộng đồng dân cư tập trung trên một địa bàn thôn, khối phố (sau đây gọi chung là làng nghề) mà ở đó dân cư cùng nhau sản xuất một hoặc một số loại sản phẩm hàng hóa, trong đó có ít nhất một sản phẩm đặc trưng, thu hút đại bộ phận lao động hoặc hộ gia đình tham gia, đem lại nguồn thu nhập chính và chiếm tỷ trọng lớn so với thu nhập dân cư tạo ra trên địa bàn của làng hoặc cộng đồng dân cư đó.

Điều 2. Điều kiện hỗ trợ ưu đãi đầu tư.

Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ ưu đãi đầu tư phải bảo đảm các điều kiện sau:

          1. Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư sử dụng số lao động bình quân trong năm:

          1.1. Đầu tư trong cụm CN-TTCN sử dụng ít nhất 30 lao động.

          1.2. Đầu tư vào Làng mộc truyền thống Kim Bồng (xã Cẩm Kim), gốm Thanh Hà, tre - dừa nước Cẩm Thanh sử dụng ít nhất 03 lao động để phát triển nghề truyền thống.

          1.3. Đầu tư ngoài Cụm CN-TTCN, các làng nghề truyền thống quy định ở điểm 1.2, sử dụng ít nhất 20 lao động.

1.4. Đầu tư ở xã Tân hiệp - vùng đặc biệt khó khăn sử dụng ít nhất 03lao động; các vùng còn khó khăn như xã Cẩm kim, Cẩm Thanh, Cẩm Hà, các điểm sản xuất TTCN, các làng nghề truyền thống (phát triển các ngành nghề khác ngoài nghề truyền thống theo quy định tại điểm 2.3.2, khoản 2.3, mục 2, điều 2 của Quy định này) sử dụng ít nhất 10 lao động.

2. Cam kết sử dụng ưu đãi mặt bằng, nguồn kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, nội dung, hiệu quả và thực hiện báo cáo tài chính nguồn kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành.

3. Về đào tạo nghề:Mỗi lao động chỉ được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề một lần/năm. Tổ chức, cá nhân phải có cam kết sử dụng lao động sau khi đào tạo nghề. Đối với doanh nghiệp phải ký hợp đồng sử dụng lao động dài hạn, thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động theo đúng quy định hiện hành. Thời gian, chi phí đào tạo lao động theo định mức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội áp dụng cho đào tạo lao động ở Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Thành phố Hội An, của Tỉnh Quảng Nam phê duyệt.

 

Điều 3. Nội dung hỗ trợ ưu đãi

          1. Hỗ trợ ưu đãi về mặt bằng, về BTTH-GPMB&TĐC và đầu tư kết cấu hạ tầng.

          2. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

          3. Hỗ trợ lãi suất tín dụng.

          4. Hỗ trợ chi phí lập dự án, phương án đầu tư sản xuất.

          5. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ.

          6. Hỗ trợ quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại.

7. Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cấp cơ sở; xây dựng và áp dụng thực hiện hệ thống quản lý chất lượng.

          8. Hỗ trợ tổ chức tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế.

          9. Hỗ trợ đầu tư cải thiện môi trường sinh thái; di dời các cơ sở sản xuất vào các cụm, điểm, làng nghề CN-TTCN hoặc di chuyển ra khỏi khu vực đông dân cư.

          10. Phụ cấp lương cho cán bộ xã, phường phụ trách công tác khuyến công.

Điều 4. Thời gian áp dụng hỗ trợ

Quy định về hỗ trợ ưu đãi khuyến kích đầu tư phát triển CN–TTCN trên địa bàn Thành phố được áp dụng từ ngày quy định này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2015. Riêng việc hỗ trợ chi phí vận chuyển máy móc - thiết bị, công cụ sản xuất của các cơ sở sản xuất CN-TTCN gây ô nhiễm môi trường trong Khu Phố cổ, các khu vực đông dân cư di dời vào các cụm, điểm CN-TTCN, trung tâm làng nghề, thời gian hỗ trợ trước ngày 31/12/2012; sau thời gian trên, tùy từng trường hợp cụ thể, UBND Thành phố sẽ xem xét quyết định mức hỗ trợ phù hợp.

                                         Chương II

HỖ TRỢ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

Điều 5. Hỗ trợ ưu đãi về mặt bằng, về BTTH-GPMB&TĐC và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng:

1. Đầu tư trong cụm, điểm CN-TTCN:

1.1. Ưu đãi về mặt bằng:

- Nhà đầu tư được tạo điều kiện thuê mặt bằng tại các cụm, điểm CN-TTCN để triển khai dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch theo giá đất quy định và được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định hiện hành.

- Một năm sau ngày ký hợp đồng thuê đất, nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án mà không có lý do chính đáng thì UBND Thành phố thu hồi hoặc đề nghị UBND Tỉnh Quảng Nam thu hồi đất.

1.2. Hỗ trợ về BTTH-GPMB&TĐC và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật:

1.2.1. Đối với Thành phố:

Ngân sách Nhà nước đầu tư BTTH-GPMB&TĐC và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong cụm, điểm CN-TTCN và đường giao thông chính dẫn vào cụm, điểm CN-TTCN hoặc kêu gọi nhà đầu tư thực hiện công tác BTTH-GPMB&TĐC và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (gọi tắt là nhà đầu tư sơ cấp) theo cơ chế hiện hành.

1.2.2. Đối với nhà đầu tư sản xuất:

- Trường hợp Thành phố là chủ đầu tư: nhà đầu tư sản xuất CN-TTCN (gọi tắt là nhà đầu tư thứ cấp) ứng kinh phí BTTH-GPMB&TĐC và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho Thành phố thực hiện và được Thành phố hoàn trả vốn ứng không lãi sau 3 năm; mức vốn ứng được UBND Thành phố quy định cụ thể cho từng giai đoạn.

- Trường hợp vốn thực hiện công tác BTTH-GPMB&TĐC và đầu tư kết cấu hạ tầng do nhà đầu tư sơ cấp thực hiện, nhà đầu tư thứ cấp ký hợp đồng thuê đất có kết cấu hạ tầng với nhà đầu tư sơ cấp theo giá được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đầu tư vào Làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim), gốm Thanh Hà, tre - dừa nước Cẩm Thanh để bảo tồn, phát triển các ngành nghề truyền thống:

2.1. Ưu đãi về mặt bằng: Nhà đầu tư được ưu tiên thuê mặt bằng tại các Trung tâm làng nghề, các khu vực không ảnh hưởng đến quy hoạch chung của địa phương có làng nghề với mức giá thấp nhất.

2.2. Hỗ trợ BTTH-GPMB&TĐC và đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật: Ngân sách Nhà nước đầu tư BTTH-GPMB&TĐC và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm các làng nghề và đường giao thông chính dẫn vào các làng nghề.

3. Đầu tư ngoài cụm CN-TTCN, ngoài điểm sản xuất TTCN, ngoài làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng (Cẩm Kim), gốm Thanh Hà, tre dừa nước Cẩm Thanh tại các địa điểm phù hợp với quy hoạch:

3.1. Đối với Thành phố: Tùy theo tính chất và hiệu quả ngành nghề đầu tư, Thành phố hỗ trợ một phần kinh phí BTTH-GPMB&TĐC và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đến bên ngoài chân hàng rào mặt bằng dự án; mức hỗ trợ cụ thể do UBND Thành phố quyết định theo từng dự án đầu tư.

3.2. Đối với nhà đầu tư: Được Thành phố tạo điều kiện tổ chức thực hiện công tác BTTH-GPMB&TĐC và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đến bên ngoài chân hàng rào mặt bằng dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 Điều 6.  Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực:

          1. Hỗ trợ cho lao động học nghề:

1.1. Đầu tư trong cụm CN-TTCN:

Tổ chức, cá nhân sử dụng lao động tự đào tạo hoặc liên kết, hợp tác với các trường dạy nghề trong nước tổ chức đào tạo đạt tiêu chuẩn bậc 2 trở lên do Bộ LĐ TB-XH quy định thì Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo nghề (không bao gồm chi phí hỗ trợ học viên) như sau:

1.1.1. Từ 30 lao động đến dưới 100 lao động, hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nghề.

          1.1.2. Từ 100 lao động đến dưới 150 lao động, hỗ trợ 60% chi phí đào tạo nghề.

1.1.3. Từ 150 lao động trở lên, hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nghề.

1.2. Đầu tư  vào Làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim), gốm Thanh Hà, tre - dừa nước Cẩm Thanh để bảo tồn, phát triển các ngành nghề truyền thống:

Tổ chức, cá nhân sử dụng lao động tự đào tạo hoặc liên kết, hợp tác với các trường dạy nghề trong nước tổ chức đào tạo đạt tiêu chuẩn bậc 2 trở lên do Bộ LĐ TB-XH quy định: từ 3 lao động trở lên thì Thành phố hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề và hỗ trợ tiền ăn không quá 40% mức lương tối thiểu Nhà nước quy định cho người học nghề/người/tháng.

 1.3. Đầu tư ngoài cụm CN-TTCN, ngoài điểm sản xuất TTCN, ngoài làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng (Cẩm Kim), gốm Thanh Hà, tre dừa nước Cẩm Thanh phù hợp với quy hoạch:

Tổ chức, cá nhân sử dụng lao động tự đào tạo hoặc liên kết, hợp tác với các trường dạy nghề trong nước tổ chức đào tạo đạt tiêu chuẩn bậc 2 trở lên do Bộ LĐ TB-XH quy định thì Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo nghề (không bao gồm chi phí hỗ trợ học viên) như sau:

1.3.1. Từ 20 lao động đến dưới 30 lao động, hỗ trợ 90% chi phí đào tạo nghề;

1.3.2. Từ 30 lao động trở lên, hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề.

          1.4. Đầu tư ở các xã còn khó khăn: Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Cẩm Hà, các điểm sản xuất TTCN  phát triển các ngành nghề khác ngoài nghề truyền thống theo quy định tại điểm 2.3.2, khoản 2.3, mục 2, Điều 1 của quy định này:

Tổ chức, cá nhân tự đào tạo và sử dụng lao động hoặc liên kết, hợp tác với các trường dạy nghề trong nước tổ chức đào tạo đạt tiêu chuẩn bậc 2 trở lên do Bộ LĐ TB-XH quy định thì Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo như sau:

1.4.1. Từ 10 lao động đến dưới 20 lao động, hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề và hỗ trợ tiền ăn không quá 20% mức lương tối thiểu Nhà nước quy định cho người học nghề/người/tháng.      

1.4.2. Từ 20 lao động trở lên, hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề và hỗ trợ tiền ăn không quá 30% mức lương tối thiểu Nhà nước quy định cho người học nghề/người/tháng.

1.5. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong các trường hợp khác:

1.5.1. Xã đảo Tân Hiệp (vùng đặc biệt khó khăn): tổ chức, cá nhân tự đào tạo hoặc liên kết, hợp tác với các trường dạy nghề trong nước tổ chức đào tạo và sử dụng tối thiểu 3 lao động trở lên, đạt tiêu chuẩn bậc 2 trở lên do Bộ LĐ TB-XH quy định hoặc người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã Tân Hiệp sau khi học nghề về tự tổ chức sản xuất tại địa phương thì được Thành phố hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề hoặc học nghề và hỗ trợ tiền ăn không quá 55% mức lương tối thiểu Nhà nước quy định cho người học nghề/người/tháng.

1.5.2. Người lao động học nghề thủ công mỹ nghệ mới tại các trường dạy nghề hoặc các cơ sở sản xuất ngoài Thành phố Hội An:
Mức kinh phí hỗ trợ về đào tạo và người học nghề do Phòng Kinh tế phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan lập, trình UBND Thành phố phê duyệt.

2. Hỗ trợ cho giáo viên dạy nghề:Tiền lương chi trả cho giáo viên dạy nghề thực hiện theo hợp đồng thỏa thuận, nhưng mức lương chi trả không dưới 2,5 lần mức lương tối thiểu Nhà nước quy định.

3. Hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ quản lý:

3.1. Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn trong nước nâng cao trình độ quản lý cho giám đốc doanh nghiệp, hoặc chủ các cơ sở sản xuất CN-TTCN tại các làng nghề truyền thống.

3.2. Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn trong nước nâng cao trình độ quản lý cho giám đốc doanh nghiệp, hoặc chủ các cơ sở sản xuất CN-TTCN tại các khu vực ngoài làng nghề truyền thống.

Điều 7. Hỗ trợ lãi suất tín dụng:

Thành phố hỗ trợ lãi suất tín dụng 5%/năm trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất CN-TTCN vay vốn các tổ chức tín dụng để bổ sung vốn lưu động, đầu tư trung hạn, dài hạn nhằm nâng cao năng lực sản xuất và được thực hiện hàng quý một lần vào đầu tháng 1, 4, 7, 10; cụ thể:

1. Đầu tư trong cụm CN-TTCN:

1.1. Vay bổ sung vốn lưu động:Tổng vốn vay không quá 500 triệu đồng, thời gian hỗ trợ lãi vay là 1 năm.

1.2. Vay vốn trung hạn, dài hạn:

- Tổng vốn vay đầu tư từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng, thời gian hỗ trợ là 1 năm.

- Tổng vốn vay đầu tư từ 1 tỉ đồng đến 2 tỷ đồng, thời gian hỗ trợ là 2 năm.

2. Đầu tư vào Làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim), gốm Thanh Hà, tre - dừa nước Cẩm Thanh để bảo tồn, phát triển các ngành nghề truyền thống:

1.1. Vay bổ sung vốn lưu động:Tổng vốn vay không quá 200 triệu đồng, thời gian hỗ trợ là 1 năm.

1.2. Vay vốn trung hạn, dài hạn:

- Tổng vốn vay đầu tư dưới 100 triệu đồng, thời gian hỗ trợ là 1năm.

- Tổng vốn vay đầu tư từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thời gian hỗ trợ là 2 năm.

- Tổng vốn vay từ 300 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, thời gian hỗ trợ là 3 năm.

3. Đầu tư ngoài cụm CN-TTCN, ngoài điểm sản xuất TTCN, ngoài làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng (Cẩm Kim), gốm Thanh Hà, tre dừa nước Cẩm Thanh tại các địa điểm phù hợp với quy hoạch:

3.1. Vay bổ sung vốn lưu động:Tổng vốn vay không quá 100 triệu đồng, thời gian hỗ trợ là 1 năm.

3.2. Vay vốn trung hạn, dài hạn:

- Tổng vốn vay đầu tư dưới 200 triệu đồng, thời gian hỗ trợ là 1 năm.

- Tổng vốn vay đầu tư từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thời gian hỗ trợ là 2 năm.

4. Đầu tư ở các vùng khó khăn xã Tân Hiệp, Cẩm kim, Cẩm Thanh, Cẩm Hà, các điểm sản xuất TTCN, phát triển các ngành nghề khác ngoài nghề truyền thống theo quy định tại điểm 2.3.2, khoản 2.3, mục 2, điều 2 của quy định này:

4.1. Vay bổ sung vốn lưu động:Tổng vốn vay không quá 200 triệu đồng, thời gian hỗ trợ là 1 năm.

4.2. Vay vốn trung hạn, dài hạn:

- Tổng vốn vay đầu tư dưới 100 triệu đồng, thời gian hỗ trợ là 1 năm.

- Tổng vốn vay đầu tư từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thời gian hỗ trợ là 2 năm.

- Tổng vốn vay từ 300 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, thời gian hỗ trợ là 3 năm.

Điều 8. Hỗ trợ chi phí lập dự án, phương án đầu tư sản xuất: Thành phố hỗ trợ một phần chi phí cho các tổ chức, cá nhân thuê tư vấn lập dự án hoặc phương án đầu tư sản xuất, cụ thể:

1. Tại các cụm, điểm Công nghiệp - TTCN trên địa bàn Thành phố: Mức hỗ trợ không quá 50%/ tổng chi phí thuê tư vấn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/ cơ sở.

2. Tại các làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, tre - lá dừa nước Cẩm Thanh: Mức hỗ trợ không quá 60%/ tổng chi phí thuê tư vấn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/ cơ sở.

3. Tại các địa điểm khác còn lại trên địa bàn Thành phố phù hợp với quy hoạch: Mức hỗ trợ không quá 40%/ tổng chi phí thuê tư vấn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 15 triệu đồng/ cơ sở.

Điều 9. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ:

1. Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới sản xuất sản phẩm CN-TTCN mà trên địa bàn Thành phố chưa có, bao gồm các chi phí: xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ trực tiếp có tính quyết định đến công nghệ mới, sản phẩm mới; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật:

Tổ chức, cá nhân được Thành phố hỗ trợ không quá 60%/ tổng chi phí thực hiện mô hình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 250 triệu đồng/ mô hình.

2. Chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất CN-TTCN mà trên địa bàn Thành phố chưa có, bao gồm: máy móc thiết bị, tài liệu, bí quyết kỹ thuật; tư vấn quản lý công nghệ, hướng dẫn, tập huấn thực hiện các quy trình công nghệ được chuyển giao; vật tư để sản xuất thử (nếu có):

Tổ chức, cá nhân được Thành phố hỗ trợ không quá 50%/ tổng giá trị máy móc thiết bị, công nghệ được chuyển giao được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/ cơ sở.

Điều 10. Hỗ trợ quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư:

1. Hỗ trợ cho các làng nghề truyền thống, các Hiệp hội ngành nghề CN-TTCN xây dựng Website để quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ 01 Website.

2. Hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư:

2.1. Thành phố hỗ trợ 100 % chi phí thuê gian hàng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại chuyên ngành được tổ chức trong nước; trường hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được Tỉnh hoặc Ban tổ chức Hội chợ hỗ trợ một phần chi phí thuê gian hàng, Thành phố sẽ hỗ trợ phần chi phí còn lại. Tùy theo tính chất quan trọng và khoảng cách địa điểm tổ chức hội chợ, Thành phố hỗ trợ từ 50 % đến 100% chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại, ăn, ở cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các Hội chợ trong nước, mức hỗ trợ cụ thể được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2.2. Thành phố hỗ trợ không quá 50% kinh phí thuê gian hàng, chi phí đi lại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các ngành nghề địa phương có lợi thế hoặc các ngành nghề khuyến khích phát triển tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm được tổ chức ở nước ngoài, mức hỗ trợ cụ thể được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2.3. Tổ chức đoàn tham gia các Hội chợ tạo nên khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm CN-TTCN của Thành phố Hội An nhằm quảng bá hình ảnh và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của địa phương hoặc tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư vào các cụm CN-TTCN, UBND Thành phố giao cho Phòng Kinh tế chủ trì hoặc phối hợp với các ngành liên quan lập kế hoạch và dự trù kính phí tổ chức thực hiện,  mức kinh phí cụ thể được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hỗ trợ tư vấn miễn phí công tác quảng bá xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất CN-TTCN (do các phòng ban Thành phố thực hiện).

Điều 11.Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cấp cơ sở; xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng:

1. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp:gồm các nội dung: cấp bằng độc quyền sáng chế, cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp, quyền sở hữu nhãn hiệu cơ sở sản xuất, nhãn hiệu sản phẩm.

2. Xây dựng và áp dụng thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiếnISO 9000, ISO 14000, HACCP, GMP, SA 8000, TQM hoặc các hệ thống chất lượng tiên tiến khác được cấp giấy chứng nhận.

Các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (mục 1), xây dựng và áp dụng thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (mục 2) được Thành phố hỗ trợ theo Quyết định 01/2009/QĐ-UBND ngày 05/01/2009 của UBND Tỉnh Quảng Nam ban hành quy định về hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh Quảng Nam. Riêng đối với nhãn hiệu được bảo hộ dưới hình thức tập thể thì được hỗ trợ 100% chi phí thực tế (bao gồm lệ phí, chi phí thiết kế nhãn hiệu, quy chế sử dụng nhãn hiệu, thành lập tổ chức đại diện và các chi phí khác).

3. Xây dựng và đăng ký công bố bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cấp cơ sở:

Thành phố hỗ trợ 100 % chi phí hợp lệ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng và đăng ký công bố bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cấp cơ sở cho các sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương không có trong danh mục Nhà nước quy định bắt buộc đăng ký.

Điều 12. Hỗ trợ tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, liên doanh liên kết hợp tác kinh tế:

1. Thành phố hỗ trợ 100% kinh phí cho các cơ quan, ban ngành, UBND các xã, phường, Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệp, liên doanh liên kết hợp tác kinh tế về lĩnh vực sản xuất CN-TTCN, mức cụ thể được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thành phố hỗ trợ 100% kinh phí thành lập hiệp hội, chi hội ngành nghề CN-TTCN hợp lệ theo thực tế.

Điều 13. Hỗ trợ đầu tư cải thiện môi trường sinh thái; di dời các cơ sở sản xuất vào các cụm, điểm, làng nghề CN-TTCN hoặc di chuyển ra khỏi khu vực đông dân cư.

1. Đầu tư cải thiện môi trường sinh thái:

1.1. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng các công nghệ tiên tiến xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại nơi sản xuất theo quy định hiện hành; tùy theo tính chất, quy mô sản xuất của các ngành nghề, Thành phố hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai thực hiện, mức hỗ trợ cụ thể do UBND Thành phố quyết định theo từng dự án đầu tư.

1.2. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giành tối thiểu 30% diện tích đất trong khu vực sản xuất, cho mượn đất không thu tiền thuê đất khu vực quy hoạch trồng cây xanh liền kề (nếu có) để trồng cây xanh tạo cảnh quan và cải thiện môi trường sinh thái nơi sản xuất và khu vực chung quanh.

2. Di dời các cơ sở sản xuất vào các cụm, điểm, làng nghề CN-TTCN hoặc di chuyển ra khỏi khu vực đông dân cư.

Thành phố hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển máy móc, thiết bị, dụng cụ trực tiếp phục vụ sản xuất cho các cơ sở sản xuất CN-TTCN gây ô nhiễm môi trường trong khu phố cổ, các khu vực đông dân cư di dời vào các cụm, điểm CN-TTCN, trung tâm làng nghề.

Điều 14. Phụ cấp lương cho cán bộ xã, phường phụ trách công tác khuyến công:

          Đối với cán bộ xã, phường được phân công phụ trách công tác khuyến công thì được Thành phố hỗ trợ phụ cấp lương hàng tháng bằng 50% mức lương tối thiểu Nhà nước quy định.

         

Chương III

THỦ TỤC VÀ THỜI GIAN XÉT, CẤP HỖ TRỢ ƯU ĐÃI

 

 Điều 15. Hồ sơ xét cấp hỗ trợ ưu đãi:

1. Mặt bằng và kết cấu hạ tầng:

- Tờ trình của tổ chức, cá nhân về việc thuê mặt bằng đầu tư sản xuất.

- Phương án hoặc dự án đầu tư.

- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

- Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư (do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm).

- Các giấy tờ khác liên quan về: quyết định thu hồi giao đất, hợp đồng thuê đất, báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc cam kết bảo vệ môi trường), giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, cung cấp phụ tải điện, phương án phòng chống cháy nỗ,…có hướng dẫn riêng của các cơ quan chuyên ngành quản lý.

          2. Đào tạo nguồn nhân lực:

2.1. Đào tạo nghề, nhân cấy nghề:

          - Tờ trình của tổ chức, cá nhân đề nghị Thành phố hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo nghề.

          - Phương án đào tạo nghề và cam kết sử dụng lao động sau đào tạo.

- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư của đơn vị tổ chưc đào tạo nghề (đối với các cơ sở sản xuất).

2.2. Đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ quản lý:

- Thông báo chiêu sinh hoặc thông báo của đơn vị tổ chức mời tham gia khóa học.

- Tờ trình của tổ chức, cá nhân đề nghị Thành phố hỗ trợ kinh phí tham gia khóa học nâng cao trình độ quản lý.

          3. Lãi suất tín dụng:

- Tờ trình của tổ chức, cá nhân đề nghị Thành phố hỗ trợ lãi suất tín dụng.

- Bản chính hoặc bản sao chứng thực Hợp đồng vay vốn, kế ước vay vốn phù hợp với bản tiến độ vay vốn.

- Bản kê tiến độ vay vốn, trả lãi của tổ chức tín dụng cho vay.

- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư của tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ lãi suất.

          4. Chi phí lập dự án hoặc phương án đầu tư sản xuất CN-TTCN:

          - Tờ trình của tổ chức, cá nhân đề nghị Thành phố hỗ trợ chi phí thuê tư vấn lập dự án hoặc phương án đầu tư sản xuất Công nghiệp – TTCN.

          - Hợp đồng với đơn vị tư vấn lập phương án, dự án đầu tư.

          - Dự án hoặc phương án đầu tư sản xuất Công nghiệp-TTCN được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư.

          5. Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ:

- Tờ trình của tổ chức, cá nhân đề nghị Thành phố hỗ trợ chi phí xây dựng mô hình.

- Hợp đồng với đơn vị tư vấn xây dựng mô hình trình diễn hoặc chuyển giao công nghệ (nếu có).

- Đề án hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật của mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư của tổ chức, cá nhân.

6. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp; xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cấp cơ sở; xây dựng và áp dụng thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến:

          6.1. Về đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (gồm: cấp bằng độc quyền sáng chế, cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp, quyền sở hữu nhãn hiệu cơ sở sản xuất, nhãn hiệu sản phẩm, nhãn hiệu được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể):

- Tờ trình của tổ chức, cá nhân đề nghị Thành phố hỗ trợ chi phí đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

- Bảng dự toán chi tiết về chi phí liên quan.

- Bản sao chứng thực văn bản chấp nhận đơn hợp lệ hoặc văn bằng (giấy chứng nhận) bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp đề nghị được hỗ trợ.

- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư của  tổ chức hoặc cá nhân .

6.2. Về xây dựng và công cố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cấp cơ sở:

- Tờ trình của tổ chức hoặc cá nhân đề nghị Thành phố hỗ trợ chi phí xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cấp cơ sở.

- Bảng dự toán chi tiết về chi phí liên quan.

- Bản sao chứng thực phiếu tiếp nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cấp cơ sở do Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Quảng Nam cấp.

- Bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của cơ sở.

- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư.

6.3. Xây dựng và áp dụng thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến:

- Tờ trình của tổ chức hoặc cá nhân đề nghị Thành phố hỗ trợ chi phí xây dựng và áp dụng thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

- Bảng dự toán chi tiết về chi phí liên quan.

- Bản sao chứng thực phiếu tiếp nhận hợp lệ hồ sơ xây dựng và áp dụng thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của cơ quan có thẩm quyền cấp.

- Hồ sơ xây dựng và áp dụng thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. 

- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư.

          7. Tổ chức tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm, liên doanh liên kết hợp tác kinh tế.

          - Tờ trình của tổ chức, cá nhân đề nghị Thành phố hỗ trợ kinh phí tổ chức tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm, liên doanh liên kết hợp tác kinh tế.

          - Bảng dự toán chi tiết về chi phí liên quan.

          - Bảng kế hoạch hoặc chương trình công tác liên quan.

- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư của đơn vị đăng cai tổ chức (nếu có).

          8. Tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại.

- Tờ trình của tổ chức, cá nhân đề nghị Thành phố hỗ trợ chi phí tham gia Hội chợ triển lãm, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại.

- Bảng dự toán chi tiết về chi phí tham gia Hội chợ.

- Hồ sơ thông tin Hội chợ của Ban tổ chức.

- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư của tổ chức, cá nhân tham gia.

9. Đầu tư cải thiện môi trường sinh thái; di dời các cơ sở sản xuất vào các cụm, điểm, làng nghề CN-TTCN hoặc di dời ra khỏi khu vực đông dân cư:

9.1. Đầu tư cải thiện môi trường sinh thái nơi sản xuất:

- Tờ trình của tổ chức, cá nhân về việc xin hỗ trợ kinh phí đầu tư cải thiện môi trường sinh thái nơi sản xuất.

- Hợp đồng với đơn vị tư vấn xây dựng dự án đầu tư cải thiện môi trường sinh thái nơi sản xuất.

- Dự án đầu tư cải thiện môi trường sinh thái nơi sản xuất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư của tổ chức, cá nhân.

9.2. Di dời các cơ sở sản xuất vào các cụm, điểm, làng nghề CN-TTCN hoặc di dời ra khỏi khu vực đông dân cư:

- Tờ trình của tổ chức, cá nhân về việc xin hỗ trợ kinh phí di dời cơ sở sản xuất.

- Danh mục máy móc - thiết bị, dụng cụ sản xuất của cơ sở cần di chuyển và dự toán chi phí di dời cơ sở được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Bản sao chứng thực các giấy tờ liên quan đến mặt bằng nơi cơ sở di chuyển đến.

10. Phụ cấp lương cho cán bộ xã, phường phụ trách công tác khuyến công:

- Tờ trình của UBND xã, phường về việc xin định xuất và hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ phụ trách công tác khuyến công.

- Quyết định của UBND Thành phố về định xuất và hỗ trợ phụ cấp lương cho cán bộ xã, phường làm công tác khuyến công.

Điều 16. Thời gian và nơi tiếp nhận đề nghị hỗ trợ ưu đãi:

1. Số lượng hồ sơ: hồ sơ được lập thành 5 bộ theo quy định tại điều 16.

2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Phòng Kinh tế Thành phố Hội An.

3. Thời gian thụ lý hồ sơ từ mục 1 đến mục 10 điều 15.

3.1. Phòng Kinh tế: không quá 07 ngày làm việc.

3.2. Các phòng ban liên quan: không quá 05 ngày làm việc.

3.3. UBND Thành phố: không quá 04 ngày làm việc.

 Điều 17. Nguồn kinh phí thực hiện:

          Lồng ghép cácnguồn kinh phí khuyến công, khoa học công nghệ, các nguồn vốn theo chương trình mục tiêu và các nguồn vốn khác của trung ương, Tỉnh, Thành phố và các tổ chức khác để tổ chức thực hiện.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan quản lý:

1. Trách nhiệm của Phòng Kinh tế Hội An:

1.1. Chủ trì hoặc phối hợp với các chủ đầu tư xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm, điểm sản xuất CN-TTCN, làng nghề TTCN; tổng hợp nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhu cầu hỗ trợ ưu đãi đầu tư cho các tổ chức, cá nhân và lập kế hoạch hỗ trợ ưu đãi theo từng năm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.

1.2. Hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đầu tư; lập hồ sơ hỗ trợ ưu đãi theo đúng quy định.

1.3. Phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định hồ sơ đăng ký của các tổ chức, cá nhân xin hỗ trợ ưu đãi trình Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt để tổ chức thực hiện.

1.4. Căn cứ dự toán ngân sách phân bổ hàng năm, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trong việc hỗ trợ khuyến khích đầu tư cho các tổ chức, cá nhân đảm bảo hồ sơ theo đúng quy định.

1.5. Phối hợp với các ngành liên quan ở Thành phố, Tỉnh hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập và thực hiện các nội dung về: thu hồi giao đất, hợp đồng thuê đất, báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc cam kết bảo vệ môi trường), giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng (hoặc quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế-kỹ thuật công trình), cung cấp phụ tải điện, phương án phòng chống cháy nỗ,…

1.6. Định kỳ 6 tháng, Phòng Kinh tế báo cáo UBND Thành phố tình hình thực hiện quy định này và đề xuất giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.  

2. Phòng Tài chính - kế hoạch Hội An:

2.1. Chủ trì phối hợp với Phòng Kinh tế lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm, điểm sản xuất CN-TTCN, làng nghề TTCN; phân bổ dự toán ngân sách hỗ trợ ưu đãi hàng năm trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt; tổ chức thẩm tra, phê duyệt báo cáo tài chính theo đúng quy định.

2.2. Chủ trì thẩm định và trình UBND Thành phố cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho hộ cá thể (UBND Tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho tổ chức); phê duyệt kinh phí hỗ trợ ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân.

3. Phòng Quản lý-Đô thị, Phòng Tài nguyên-Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất và các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan khác của Thành phố:Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính - Kế hoạch hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định này (thực hiện nội dung khoản 1.5, mục 1, điều 18 của quy định này).

Điều 19. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ ưu đãi: Các tổ chức, cá nhân chủ động đăng ký nội dung hỗ trợ ưu đãi đầu tư và tổ chức thực hiện nghiêm túc ưu đãi mặt bằng, nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư đúng mục đích, nội dung và có hiệu quả khi được UBND Thành phố (hoặc UBND Tỉnh) phê duyệt.

Điều 20. Khen thưởng và xử lý vi phạm:

1. Về khen thưởng: Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tổ chức thực hiện quy  định này được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

2. Về xử lý vi phạm:

2.1. Đối với cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ quyền hạn, có ý làm trái nội dung quy định này, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước thì tùy theo mức độ vi phạm bị xem xét xử lý theo quy định hiện hành.

2.2. Đối với tổ chức, cá nhân được hỗ trợ ưu đãi đầu tư: sử dụng ưu đãi mặt bằng, nguồn kinh phí hỗ trợ không đúng mục đích, nội dung và hiệu quả kém thì tùy theo mức độ vi phạm UBND Thành phố hoặc đề nghị UBND Tỉnh thu hồi mặt bằng đã thuê; bị truy thu toàn bộ, hoặc một phần nguồn kinh phí hỗ trợ.  

       TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

Nguồn tin: dep.com.vn


 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật