/

Trang chính » Báo Lao Động

Phải trả lại không gian cho phố cổ Hội An

Đăng vào: Thứ tư, 22/02/2017
1 99932

Những hàng rong, bán dạo các sản phẩm không phù hợp sẽ bị cấm bán tại phố cổ Hội An trong thời gian tới.

Mất không gian phố

Anh Minh Hoàng - một du khách Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi và nhiều du khách yêu mến Hội An ở không gian phố bình yên, sự thoải mái khi đi dạo trên những con đường. Chúng tôi từng sẵn sàng dừng chân ở các hàng quán, ngồi ăn các món đặc sản, không lo bị bán đắt. Thế nhưng nay, tất cả những điều đó đã không còn nữa. Buổi tối mọi phố cổ đông nghẹt, người chen người không khác gì một khu vui chơi. Hàng quán bày bán tràn lan, người ăn uống có lúc ngồi tràn ra lòng đường... Tất cả những điều đó khiến tôi cảm thấy cân nhắc, thậm chí là dè chừng khi đến Hội An. Và nếu Hội An cứ để cho nhiều người cảm thấy “dè chừng”, không thoải mái như vậy thì du khách sẽ không còn muốn trở lại nơi này nữa”.

Cùng nhìn nhận vấn đề này, chị Hoa - một người buôn bán trong phố cổ chia sẻ: “Thời gian qua nhiều du khách bị làm phiền bởi những người buôn bán dạo, họ đến rất đông nên xảy ra tình trạng chụp giựt, chèo kéo. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến những hàng kinh doanh trong nhà như chúng tôi, bởi du khách không còn tin tưởng và thoải mái khi đến với Hội An như trước”.

Sắp xếp lại trật tự phố

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch TP. Hội An nhìn nhận, một trong những thách thức của Hội An hiện nay xuất phát từ lượng khách tăng đột biến, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Bên cạnh đó, những hàng rong, xe đẩy, người bán dạo có thái độ ứng xử không tốt khiến Hội An trở nên lộn xộn. Tình trạng nhức nhối nữa là ghe thuyền cải hoán từ chở khách qua làm dịch vụ, đậu kín bờ sông Hoài, che chắn làm mất mỹ quan phố cổ.

“Ngay sau Tết Nguyên đán, lãnh đạo thành phố đã cho tiến hành sắp xếp lại trật tự phố. Chúng tôi đang thực hiện quyết liệt, thu giữ xe đẩy lấn chiếm lòng đường, cấm buôn bán trên vỉa hè, đặc biệt là hàng hóa ngoại lai” - ông Sơn cho hay. Theo đó, từ hơn 100 gánh hàng rong thì nay TP chỉ cấp phép cho khoảng 40 hàng rong hoạt động, họ phải tuân thủ quy định như phải mặc trang phục truyền thống, dùng bàn ghế gỗ, hoạt động trong khu vực cho phép...

Đầu năm 2017, Hội An đã ban hành “Những điều cần biết về trật tự, kinh doanh, môi trường du lịch trong khu phố cổ Hội An”. Theo đó, người buôn bán ở phố phải tuân thủ những điều nên làm như sử dụng bảng hiệu có vật liệu truyền thống; nhắc nhở và vận động du khách mua vé tham quan; lịch sự, vui vẻ, chân thành khi giao tiếp, ứng xử với khách; trồng các loại hoa, cây cảnh phù hợp; mặc trang phục lịch sự... Những điều không nên làm là bán các hàng hóa hiện đại (đèn phát sáng, tranh cắt 3D...); buôn bán dưới lòng đường, trên cầu; sử dụng lều, bạt che chắn nơi buôn bán; treo lồng đèn cũ, hư hỏng, lồng đèn nhựa... và những điều cấm như: Cò mồi, chèo kéo, ăn xin; quảng cáo khi chưa có giấy phép trên đường phố, trước nhà...

Ông Sơn chia sẻ: “Nếu trước đây chỉ nhắc nhở thì nay những người vi phạm từ lần thứ 2 sẽ bị thu giữ đồ dùng, xử phạt theo quy định. Những hộ dân kinh doanh trong phố cổ cũng phải tuân thủ các quy định như không bày hàng ra vỉa hè. Trên sông Hoài, tất cả ghe thuyền biến tướng đã bị dẹp bỏ hoàn toàn. Những ngày qua, trật tự phố đã cơ bản ổn định, sau thời gian này TP sẽ bàn giao lại cho các phường quản lý và tiếp tục duy trì. Nếu tình trạng lộn xộn tái diễn thì lãnh đạo các phường sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Về du khách đến Hội An, ông Sơn cho rằng, những quy tắc ứng xử mà Hội An đang triển khai sẽ khuyến khích du khách và cả người dân ứng xử văn minh, văn hóa: “Đã có quy định về cách ăn mặc khi vào các khu di tích, không được hút thuốc lá ở một số điểm tham quan. Sắp tới TP cũng sẽ điều chỉnh, tăng giá vé tham quan phố cổ như một cách chọn lọc những vị khách thực sự muốn đến tìm hiểu về Hội An chứ không phải đến rồi đi hời hợt”.

Thùy Trang


Các bản tin cùng thể loại

Cũ hơn