Chùa Cầu được xem như biểu tượng của phố cổ Hội An. Nhiều năm nay, công trình này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và góp phần rất lớn trong việc thu hút du khách. Nhưng rất tiếc, nguồn nước dưới chân cầu ngày càng ô nhiễm nặng. Nếu như trước đây, đoạn kênh qua Chùa Cầu chỉ có nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa thì giờ đây phải gánh thêm nhiệm vụ tiêu thoát hàng nghìn mét khối nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý của hàng trăm hộ dân, nhà hàng, khách sạn khu vực này khiến màu nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Để cứu vãn tạm thời tình hình, thời quan gia chính quyền TP.Hội An đã tiến hành bơm nước vào khoảng 15 giờ chiều mỗi ngày để làm sạch kênh nhưng dường như đang gây tác dụng ngược lại. Theo người dân, độ ô nhiễm của con kênh này ngày một nặng hơn, ngoại trừ lúc trời mưa không cảm nhận được thì những ngày nắng nóng mùi xú uế của con kênh len lỏi tận nhà dân.
Không phải đến bây giờ, chuyện cải tạo con nước dưới chân Chùa Cầu mới được tính đến, ngay từ năm 2012 thành phố đã có đề xuất về vấn đề này và đến cuối năm 2014, Chính phủ Nhật Bản thông qua tổ chức JICA thống nhất triển khai dự án cải thiện chất lượng nước với số vốn viện trợ không hoàn lại 244 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Điểu - Giám đốc Ban quản lý dự án & đầu tư TP.Hội An cho biết: “Hiện tại các công hàm trao đổi, nghị định thư đã được hoàn thiện, các Bộ Kế hoạch - đầu tư, Ngoại giao, Tư pháp và Tài chính cũng đã thông qua dự án, chỉ còn chờ Thủ tướng ký phê duyệt để phía đối tác rót vốn đầu tư. Sau đó, chủ dự án sẽ sớm khởi công xây dựng các hạng mục, dự kiến là vào khoảng tháng 1.2016”.
Theo thiết kế, dự án này gồm một trạm xử lý nước thải với công suất 2.000m3/ngày đêm; các hạng mục nhà quản lý, cụm xử lý, san nền, sân vườn, tường rào, đường nội bộ, trạm biến áp… sẽ được xây dựng tại phường Cẩm Phô. Cùng với đó là việc cải tạo nâng cấp kênh thoát nước dẫn đến trạm xử lý nước thải dài hơn 1,5km. Khi công trình này đi vào hoạt động sẽ giảm thiểu tình trạng ô nhiễm dưới chân Chùa Cầu hiện nay.
QUỐC TUẤN