Kiến trúc đặc trưng
Tháng 9 năm 1960, các cụ trong Hội Cổ học tỉnh Quảng Nam (vốn là hậu thân của Văn hội Nho học Quảng Nam xưa) đã vận động xây mới một “Khổng Tử miếu” tại Hội An - thị xã tỉnh lỵ lúc đương thời. Khu đất được chọn để xây dựng là “một khoảnh đất ruộng diện tích 4.800 mét vuông cạnh miếu Hội đồng cũ, thuộc công sản của thôn Cẩm Phô, xã Hội An, hai bên ven đường quốc lộ 1B, trục giao thông vào thành phố Hội An” (Cổ học tinh hoa văn tập, Hội Cổ học Quảng Nam xuất bản năm 1962, trang 163). Lão họa sĩ Tôn Thất Sa, một nhà kiến trúc nổi tiếng tại Huế đương thời được mời vẽ họa đồ xây cất. Việc xây dựng được tiến hành từ tháng 1.1961 và hoàn thành trong vòng 2 năm sau đó.
Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với việc giữ gìn và phát huy giá trị của cụm di tích được xếp hạng di tích quốc gia tại phố cổ, Khổng miếu Hội An đã được ngành văn hóa Quảng Nam trùng tu với kinh phí đáng kể và hiện được xem là một trong những điểm tham quan ấn tượng của du khách trong và ngoài nước.
Kiến trúc tổng quát của Khổng miếu Hội An buổi đầu tân tạo có thể phác họa như sau: từ cổng tam quan có chạm đồ hình “Khổng Tử giảng đạo”, vượt qua hồ sen lớn có cầu bán nguyệt bắc ngang là lối đi độc nhất vào sân trước nhà tiền đường. Một bức bình phong có chạm khắc đồ hình long mã án ngữ trước tiền đường được đặt ngang hàng với 4 cây trụ biểu nằm hai bên có các tượng kỳ lân nằm ở đầu mỗi trụ. Long mã và kỳ lân là những thú linh có liên quan đến nhiều điển tích trong kinh truyện Nho gia. Bốn mặt trước sau của hai cánh bình phong có chạm đồ hình ước lệ của hình ảnh ngư, tiều, canh, mục nhắc đến sự tích của Khương Tử Nha, Chu Mãi Thần, Y Doãn, Lý Mật là những kẻ sĩ có khí tiết thời xưa thường được Nho gia nước Việt biểu dương như những tấm gương hiếu học, trì chí và xuất xử đúng tiết, hợp thời… Khoảng sân phía sau bình phong, buổi đầu xây dựng, người thiết kế đã định vị để trồng 86 cây tùng tượng trưng cho tứ phối, thập triết và thất thập nhị hiền - là những thế hệ góp phần đắc lực xiển dương đạo của Khổng Tử đến với hậu thế.
Rời sân là bước vào nhà tiền đường rộng rãi dùng làm nơi hội họp và chuẩn bị hành lễ. Gắn liền với kiến trúc này là những đồ hình nhắc đến sự tích Nhan Hồi, Tử Lộ, Mẫn Tử Khiên - những tấm gương hiếu thuận tượng trưng cho đức hiếu của đạo Nho. Cạnh đó là đồ hình “Mạnh Mẫu dạy con” và “Khổng Tử viết Hiếu kinh”…
Qua thiết kế của nhà kiến trúc cổ ở Huế và các nhà nho trong Hội Cổ học tỉnh Quảng Nam đương thời, kiến trúc Khổng miếu Hội An đã thể hiện những đặc trưng tiêu biểu của giá trị Nho học mà người Việt đã tiếp nhận có chọn lọc qua hàng nghìn năm.
Phong cách Nho Việt
Điểm nổi bật nhất của Khổng miếu Hội An xưa có lẽ nằm ở hệ thống các câu đối được vận dụng từ kinh điển Nho gia, thể hiện đầy đủ sự tự hào của người địa phương về vùng đất có núi Ngũ Hành và sông Sài Thị, cũng như sự ngưỡng mộ của họ đối với bậc khai sáng đạo Nho - người đã in đậm dấu ấn tư tưởng và nêu cao gương ứng xử với bao thế hệ người Đông Á xưa.
Chúng tôi xin được nêu lên nội dung của các câu đối đã được thể hiện trên các kiến trúc Khổng Miếu buổi đầu tân tạo. Tất cả lời dịch nghĩa các câu đối từ đây trở xuống là của cụ Mặc Vũ Ngô Tấn Huệ đã đăng trong Đặc san Cổ học tinh hoa văn tập nói trên (trang 52 - 63). Do sắp xếp lời dịch tròn trịa thành thể thức biền ngẫu nên dịch giả Mặc Vũ đã bỏ sót một số ý trong một số câu đối nguyên tác.
Nơi cửa chính của tam quan, ở hai cột trụ có hai vế câu đối:
Đắc kỳ môn, kiến tôn miếu chi mỹ: bách quan chi phú
Do tư đạo, như nhật nguyệt chi minh: tứ thời chi hành
Dịch nghĩa:
Vào cửa mới biết cung miếu tôn nghiêm, trăm quan đầy đủ
Theo đường ấy như thấy trời trăng tỏ rạng, bốn mùa lưu hành
Nơi hai trụ cột bên tả và bên hữu có đôi câu đối sau:
Quảng bị nho phong: Sài thủy, Hành sơn danh giáo địa
Nam lai triết học: Hạnh đàn, Cối trạch thái hòa thiên
Dịch nghĩa:
Rộng mở đường văn, Sài thủy Hành sơn là nơi danh giáo
Đem về triết học, Hạnh đàn, Cối trạch là cõi thái hòa.
Đây là cặp liễn đối mở đầu bằng hai từ “Quảng Nam” và thể hiện niềm tự hào về vùng đất học nổi tiếng (danh giáo).
Mặt trước của cặp trụ biểu giữa sân, ngang với bình phong có câu đối:
Uyên nguyên hữu tự lai: Cối trạch - Hạnh đàn, danh giáo ức niên truyền đạo thống
Tinh thần trường tại thử: Hành sơn - Sài thủy, thanh cao chung cổ thụ văn phong
Dịch nghĩa:
Nguồn gốc có từ lâu, Cối trạch Hạnh đàn, danh giáo nghìn xưa truyền đạo thống
Tinh thần còn mãi đó, Hành sơn Sài thủy, thanh cao muôn thuở rạng văn phong.
Hành sơn, Sài thủy: núi Ngũ Hành và sông Sài Thị - chỉ vùng đất Hội An, Điện Bàn nói riêng và cả Quảng Nam nói chung. Cối trạch - Hạnh đàn: nơi Khổng Tử ở và giảng dạy- nghĩa bóng chỉ nơi tu dưỡng của nhà Nho.
Mặt sau lại còn hai vế khác:
Văn tại tư hồ, niết nhi bất tri, ma nhi bất lấn
Đức kỳ thạnh hỹ, ngưỡng chi di cao, toàn chi di kiên
Dịch nghĩa:
Nhơn văn chính ở đây, mài cũng chẳng mòn, nhuộm cũng chẳng lấm
Thánh đức thật rất thạnh, trông vào càng cao, dùi vào càng cứng.
Hai trụ biểu bên tả và bên hữu phía ngoài mỗi trụ mang một vế thành đôi câu đối ở mặt trước:
Kế vãng khai lai, ngật lập trung thiên để trụ
Hóa dân thành tục, phổ vi đại địa hoàn duy
Dịch nghĩa:
Nối trước mở sau, dựng vững giữa trời cây trụ cả
Hóa dân đổi tục, rải cùng mặt đất mối dây liền.
Nơi phía sau của cặp trụ biểu này cũng là hai vế đối:
Đạo nguyên xuất ư thiên, truyền tại thánh hiền, dụng tại vạn thế
Nhân tâm đồng thử lý, uẩn vi đạo đức, trứ vi ngũ luân
Dịch nghĩa;
Nguồn đạo gốc ở trời, truyền cho Thánh hiền, dùng cho muôn thuở
Lòng người đồng một lẽ, trong là đạo đức, ngoài là năm giềng.
Trước trụ hiên nhà tiền đường có hai cặp câu đối.
Ở hai trụ giữa:
Khả sỉ, khả chỉ, khả cửu, khả tốc: Thánh chi thời dã
Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã: An nhi hành chi
Dịch nghĩa:
Đúng mức thời trung: đáng làm, đáng thôi, đáng mau, đáng chậm
An theo ý muốn: Không chấp, không nệ, không riêng, không tư.
Ở hai trụ hai bên:
Bác học đa văn, sanh dân dĩ lai vị hữu
Trước thư thùy huấn, bách thế chi hạ mạc vi
Dịch nghĩa:
Học rộng nghe nhiều, tự thuở có loài người chửa thấy
Làm sách để dạy, noi theo muôn thuở chẳng sai
Sau nhà tiền đường là Đại Thành điện - điện chính thờ Khổng Tử. Nơi vách trước của điện này có câu đối cuối cùng; cặp câu đối này như một kết luận cho ý tứ của toàn bộ hệ thống các câu đối được thiết lập từ ngoài tam quan trở vào:
Tác chi vị thánh, thuật chi vị minh, đạo truyền hữu tự lai hỹ
Ung kỳ tại cung, túc kỳ tại miếu, linh sảng thiệt thức bằng chi
Dịch nghĩa:
Sáng tác là thánh, trước thuật là minh, đạo thống lưu truyền từ trước
Ung dung ở cung, nghiêm chỉnh ở miếu, linh sảng nương tựa vào đây
Tất cả từ ngữ, điển cố, ý tứ… dùng trong các câu đối ở Khổng miếu Hội An đều mang phong cách sáng tác của nhà Nho Việt Nam và chỉ nói riêng vào việc thờ tự bậc khai sáng của đạo Nho cũng như sự tiếp thụ tư tưởng Nho học xưa theo cách thức riêng của người Việt, cụ thể là của các nhà Nho ở Quảng Nam xưa. Đến nay, chưa rõ trong các câu đối trên, câu nào được lấy lại từ Văn miếu Thanh Chiêm của tỉnh Quảng Nam thời phong kiến, câu nào được sáng tác về sau?
PHÚ BÌNH
Báo Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn