Nỗ lực bảo tồn và kết quả tích cực
Từ năm 1999 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn đã liên tục được tu bổ với tổng kinh phí đầu tư hơn 359 tỷ đồng. Trong đó, tu bổ 459 di tích tại Hội An với tổng kinh phí hơn 182,6 tỷ đồng; tu bổ 11 tháp Chăm và 6 hạng mục hỗ trợ tại Khu đền tháp Mỹ Sơn với tổng kinh phí hơn 166,5 tỷ đồng.
Hội An ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tếLiên tục đổi mới, sáng tạo nhiều sản phẩm du lịch, cùng với đó là bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo hướng gắn bảo tồn khu phố cổ với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên vùng duyên hải, bảo tồn các làng quê sinh thái, làng nghề truyền thống, và những giá trị phi vật thể Quảng Nam, đã làm cho hình ảnh Hội An ngày càng được giới thiệu, quảng bá khắp nơi trên thế giới, tạo nên tính độc đáo và sức hấp dẫn thu hút đông đảo du khách.
Phó Chủ tịch phụ trách UBND TP. Hội An - ông Nguyễn Văn Sơn - cho biết, nếu năm 1999, Hội An mới chỉ đón khoảng 160 nghìn khách tham quan, thì đến năm 2018, còn số này đã lên đến gần 5 triệu lượt khách, trong đó có tới 3,8 triệu lượt khách quốc tế. Từ 17 cơ sở lưu trú năm 1999, đến nay số cơ sở lưu trú đã lên đến 638 cơ sở với 10.464 phòng khách sạn, biệt thự du lịch, homestay, đủ năng lực phục vụ 25.000 khách cùng lúc. Tỷ trọng nhóm thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm hơn 67% trong GRDP Hội An.
Đặc biệt, quần thể kiến trúc Đô thị cổ nói riêng, Di sản văn hóa Hội An nói chung được quản lý, bảo tồn và phát huy ngày càng hiệu quả, được UNESCO và nhiều tổ chức trên thế giới đánh giá cao, được nhiều tạp chí du lịch danh tiếng của thế giới bình chọn là điểm đến hấp nhất của thế giới. Mới đây nhất, ngày 7/9 vừa qua, tạp chí du lịch danh tiếng thế giới Travel + Leisure đã trao tặng giải thưởng "Thành phố quyến rũ nhất thế giới 2019" cho TP. Hội An.
Trầm lắng hơn một chút và những khó khăn về hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông tại khu đền tháp Mỹ Sơn ngày càng được hoàn thiện. Nhiều sản phẩm gắn liền với văn hóa Chămpa, đặc biệt là tổ chức biểu diễn nghệ thuật múa Chăm ngay dưới chân tháp Chăm cổ đã tạo sức sống cho di tích, phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
So với vài trăm lượt khách tham quan vào năm 1999, năm 2018, đã có gần 400.000 lượt khách đến với di sản văn hóa thế giới khu đền tháp Mỹ Sơn.
Khu đền tháp Mỹ Sơn chưa bao giờ giảm hấp dẫn với những người làm công tác khảo cổ họcÔng Phan Hộ - Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn - cho biết, đã qua 20 năm, mặc dù nói về lượng khách du lịch đến với Mỹ Sơn còn khiêm tốn so với Hội An nhưng sức cuốn hút và những bí ẩn về di tích này vẫn chưa bao giờ cũ. Để thu hút khách du lịch, Ban quản lý đã hỗ trợ người dân khu vực quanh Mỹ Sơn khôi phục làng nghề truyền thống, bao tiêu sản phẩm. Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam đang có kế hoạch mở rộng quy hoạch Mỹ Sơn, kêu gọi đầu tư vào vùng đệm, tạo sức hấp dẫn của di sản đối với du khách.
Tổ chức, bạn bè quốc tế ghi nhận
Ông Micheal Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - cho biết, Quảng Nam là một đối tác đặc biệt của UNESCO tại Việt Nam, kinh nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại Quảng Nam có giá trị rất lớn đối với bạn bè quốc tế. “Chúng ta đã nghe nhiều về nguyện vọng của Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng được học hỏi và áp dụng kinh nghiệm của bạn bè quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhưng chúng ta cũng cần được nghe nhiều hơn về việc chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, của Quảng Nam tới bạn bè thế giới, bởi Quảng Nam, Việt Nam có rất nhiều điều để nói”, ông Micheal Croft chia sẻ.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của cộng đồng, đặc biệt là người dân địa phương tại hai di sản Hội An và Mỹ Sơn trong việc chung tay gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Kết quả của sự chung sức này là Hội An và Mỹ Sơn ngày càng hấp dẫn và thu hút lượng khách lớn đến du lịch.
Ông Micheal Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều bài học và kinh nghiệm tốt để chia sẻ với thế giới trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sảnCòn Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - ông Asazuma Shinichi - thì mong muốn tỉnh Quảng Nam gìn giữ và kế thừa được những giá trị vô giá của di sản Hội An, Mỹ Sơn. “Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ như hiện tại thì việc bảo tồn và gìn giữ được bản sắc các di sản như Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn càng phải được chú trọng và bảo vệ”, ông Asazuma Shinichi nói và cho biết thêm, thời gian qua, thông qua hợp tác cả trong lĩnh vực công và tư, Nhật Bản đã có nhiều hợp tác với Quảng Nam để bảo tồn di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, và những hoạt động này sẽ vẫn được tiếp tục duy trì, đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, trước và trong 20 năm Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam luôn nỗ lực không ngừng để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Toàn bộ hệ thống đền tháp, nhà cổ và hệ sinh thái đều được bảo tồn nguyên vẹn, đảm bảo tính chân xác của di sản, góp phần tạo nên sức hấp dẫn thu hút khách tham quan.
Những giá trị của 2 di sản văn hóa không dừng ở thu hút khách du lịch mà còn là đòn bẩy để các ngành dịch vụ du lịch phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình, sản phẩm du lịch mới ra đời, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam, khẳng định thương hiệu, điểm đến 2 di sản văn hóa Hội An, Mỹ Sơn trên bản đồ du lịch miền Trung, Việt Nam và có sức lan tỏa đến khu vực và thế giới.
Vũ Lê
congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn