//

Hội An chờ được gọi tên thành phố sáng tạo của UNESCO

Thứ ba - 13/06/2023 14:04

Chỉ vẻn vẹn 60km2 với chưa tới 150.000 dân nhưng Hội An từ lâu được cả thế giới biết đến với quần thể kiến trúc di sản đặc trưng. Giờ đây thành phố này đang đứng trước cơ hội lọt vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

hoi an 5 ngoc lu read only 1686625656301520632653

Sản phẩm nghệ thuật được nghệ nhân Lê Ngọc Thuận sáng tạo từ nguồn gỗ "củi lũ" - Ảnh: T.B.D.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-6, phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết Hội An đang dồn nguồn lực xây dựng hồ sơ, gửi UNESCO bình xét trở thành thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo. Nếu được xét duyệt, sau thủ đô Hà Nội, Hội An cùng với Đà Lạt sẽ vinh dự nằm trong mạng lưới này.

Sức sống của làng nghề, nghệ thuật ở Hội An

Chọn lĩnh vực thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian làm hồ sơ đăng ký, Hội An muốn tận dụng triệt để nền tảng vốn đã hình thành và lưu truyền suốt hơn 400 năm hình thành và biến thiên của phố cổ. 

Dù chỉ là một đô thị "cấp huyện" ở địa danh hành chính, nhưng Hội An từ lâu là nơi tập trung dày đặc số lượng làng nghề truyền thống và là "đất sống" mãnh liệt của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như hô hát bài chòi, hát bả trạo…

Trước khi câu chuyện xây dựng hồ sơ mạng lưới thành phố sáng tạo được triển khai, cư dân tại phố cổ Hội An từ lâu đã sống và gìn giữ hơn 100 nghề thủ công. Nhiều làng nghề trong lịch sử đã một thời hưng thịnh, Hội An tấp nập tàu buôn ra vào lấy hàng đưa đi khắp thế giới như dệt lụa, nghề làm đồ da, may thêu, mộc mỹ nghệ Kim Bồng, gốm Thanh Hà.

Với sự hình thành trăm năm của quần thể kiến trúc nhà cổ, Hội An cũng đã để lại một kho tư liệu lớn về kiến trúc, kỹ thuật xây dựng công trình cổ. 

90% di tích cổ của Hội An được dựng từ gỗ, những người thợ xưa cũng đã biết kết hợp nghệ thuật xây gạch để tạo nên những đầu hồi bờ chải (viền bo xung quanh mái ngói âm dương), tường vôi, mái ngói rêu phong cổ kính không thể nhòa lẫn ở bất cứ nơi đâu.

Từ chỗ mai một dần, hô hát bài chòi, hát bả trạo đã được đưa vào các tour du lịch, được diễn xướng trên không gian phố cổ hằng đêm phục vụ du khách. Một số doanh nghiệp du lịch tại Hội An cũng thiết kế các loại hình nghệ thuật dân gian này trong hành trình tham quan, khám phá cho du khách.

Từ rất lâu Hội An đã trở thành hình mẫu trong việc phát huy giá trị làng nghề, làm sống lại nhiều loại hình nghệ thuật vốn đã nguội lạnh. Nghệ nhân, người thợ, người có ý tưởng có nơi để mặc sức sáng tạo. Chúng tôi cũng mời gọi các nghệ nhân, nghệ sĩ các nơi về giao lưu. Từ đây những ý tưởng mang tính tiêu biểu sẽ được chắt lọc và đưa vào định hướng chế tác, sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Lanh (phó chủ tịch UBND TP Hội An)

Sáng tạo lớn nhất ở Hội An là sự thích ứng, hòa nhập

Theo ông Lanh, sự phát triển, duy trì các giá trị văn hóa đời sống, làng nghề trăm năm qua giữa thiên biến của lịch sử cũng đã cho thấy rằng cư dân hạ nguồn sông Thu Bồn luôn biết cách đổi thay để thích ứng. Đó là sự sáng tạo tuyệt vời nhất.

"Ví dụ như trước đây gốm Thanh Hà chỉ làm gạch, ngói, làm gốm thô dùng thông thường thì nay bà con biết thích ứng bằng cách đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, biết chuyển qua làm sản phẩm để decor, lưu niệm, biết làm men gốm; hay mộc Kim Bồng trước đây chỉ làm ghe bầu, đồ mỹ nghệ thì nay sản phẩm còn được chạm trổ đồ phục vụ nhà hàng, resort, các mặt hàng phục vụ du lịch…" - ông Lanh nói.

Tuy nhiên, theo ông Lanh, hai yêu cầu lớn được UNESCO đặt ra cho các ứng cử viên đó là các sản phẩm sáng tạo "không được lấy du lịch làm nguyên cớ", sản phẩm sáng tạo "phải sống được, tạo sinh kế thực cho người sáng tạo và cộng đồng ở đó". 

Du lịch không được tham gia hỗ trợ để rồi tạo ra những sản phẩm ảo, khách đến nhiều, mua nhiều nhưng bản thân sản phẩm không thực sự có giá trị.

Ông Lanh thừa nhận rằng từ lâu nhờ du lịch di sản mà Hội An phục dựng, làm sống lại các làng nghề và nhiều loại hình nghệ thuật dân gian. Với yêu cầu đặt ra từ UNESCO, các sản phẩm sáng tạo của Hội An phải chứng minh được rằng nó sẽ tự sống được, tự duy trì và phát triển được chứ không dựa dẫm vào nguồn khách du lịch đến từ sự hấp dẫn của di sản. 

Đây là thử thách lớn nhưng bản tính "hội nhập và thích ứng" của Hội An sẽ là chìa khóa để vượt khó.

* NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG (viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN):

Không để bị cuốn vào sự phát triển nóng từ du lịch

Tôi nhận thấy Hội An hội tụ đủ các điều kiện. Nếu được phê duyệt thì sẽ giúp Hội An có tên trên bản đồ mạng lưới sáng tạo toàn cầu của UNESCO, xác lập một ngành công nghiệp văn hóa để nâng cao sinh kế cho cộng đồng.

Vấn đề cần lưu tâm là đừng để các sản phẩm sáng tạo bị cuốn vào sự phát triển nóng từ du lịch, từ đó tác động tới môi trường, cộng đồng dân cư.

Chất liệu truyền thống của Hội An vừa có tính truyền thống nhưng lại rất hội nhập. Những chất liệu đó khi ứng dụng đã góp phần tạo ra tính bền vững.

Ví dụ như câu chuyện nghệ nhân gỗ, thay vì sử dụng gỗ tự nhiên làm sản phẩm truyền thống thì họ lại biết tận dụng nguồn củi lũ trôi dạt từ sông để sáng tạo đồ vật mang câu chuyện của Hội An, vừa bảo vệ môi trường vừa tạo ra sinh kế.

Hay như nghệ nhân gốm Thanh Hà, không chỉ làm gốm theo cách cũ mà bà con vừa có tư duy truyền thống vừa sáng tạo tuyệt vời.

tuoitre.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn