//

Du lịch kết nối cộng đồng

Thứ sáu - 08/07/2011 13:40

Từ thành công bước đầu của phương thức quản lý phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã đề ra chiến lược phát triển du lịch biển đảo.

 

Ông Phil Anderson tham gia tour du lịch lặn biển ngắm san hô và bắt sao biển gai.

Thành công bước đầu

Thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp đem lại hiệu quả cao trong việc quản lý các khu du lịch cũng như định hướng cho các doanh nghiệp và cộng đồng cư dân tham gia cung cấp các dịch vụ du lịch cho du khách. 

Từ vẻ đẹp quyến rũ của san hô cũng như các loài thủy sinh sống xung quanh hệ sinh thái này, tour du lịch lặn biển ngắm san hô đã đáp ứng được kỳ vọng của du khách. Không chỉ vậy, qua các tour tham quan, du khách nước ngoài còn tỏ ra hào hứng tham gia vào chiến dịch lặn bắt sao biển gai để bảo vệ sự sinh tồn của san hô. Ông Phil Anderson - du khách Úc chia sẻ: “Dù đã được chiêm ngưỡng nhiều vẻ đẹp kỳ thú ở nhiều nơi trên thế giới nhưng khi đến Cù Lao Chàm, tôi đã bị thu hút hoàn toàn bởi vẻ đẹp đặc biệt nơi đây. Muốn góp chút công sức nhỏ để gìn giữ sự đa dạng của các hệ sinh thái, tôi đã tham gia vào chuyến bắt sao biển gai đặc biệt này. Nhờ được hỗ trợ đầy đủ thiết bị lặn chuyên nghiệp như quần áo lặn, bình khí, chân vịt, thiết bị bảo hộ cũng như sự niềm nở hướng dẫn và sẻ chia của các hướng dẫn viên người bản địa, tôi thấy hãnh diện khi diệt được nhiều sao biển gai để bảo vệ an toàn cho sự sinh trưởng của nhiều loại san hô ở vùng biển Cù Lao Chàm”.  

Mục tiêu quan trọng nhất trong việc lập kế hoạch quản lý và phát triển du lịch ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm thời gian đến là xây dựng chiến lược quản lý du lịch và kế hoạch hành động cụ thể nhằm phát huy các giá trị của nó thông qua phát triển du lịch bền vững; đảm bảo phát triển du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên và đa dạng sinh học; phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng cũng như kích thích sự cải thiện cảnh quan môi trường và phát triển kinh tế địa phương. (Chiến lược quản lý tổng hợp Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm)

Một chương trình khác cũng thu hút đông đảo du khách không kém là “đánh cá và câu mực” cùng ngư dân. Với hành trình giản đơn, du khách sẽ nhanh chóng hòa nhập, sinh hoạt với gia đình ngư dân như một ngư dân thực thụ. Được hướng dẫn kỹ thuật cơ bản và một số kinh nghiệm về câu cá, câu mực, sau khi khoan thai thả câu, anh Trương Văn Bình đến từ TP.Hồ Chí Minh hồ hởi: “Điều quan trọng nhất trong chuyến tham quan là mình được hòa nhập vào đời sống của người dân bản địa. Chính không khí ấm áp và dân dã đã lôi cuốn chúng tôi. Chuyến đi này, gia đình tôi cảm nhận được vẻ mặn mòi của biển, niềm hăng say lao động và sự ứng phó kỳ diệu của ngư dân vùng biển đảo; bởi biển cả không phải lúc nào cũng bao dung”.

Bên cạnh việc hòa nhập vào đời sống ngư dân, nhờ được hướng dẫn kỹ càng, tour khám phá những cánh rừng nguyên sinh với vẻ hùng vĩ giao hòa cùng biển cả và tham quan di tích, tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng cộng đồng dân cư xã đảo Tân Hiệp cũng níu lòng không ít du khách. Trên chặng đường khám phá, các du khách đến từ Anh Quốc chia sẻ: “Không chỉ được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành rất riêng của biển đảo, chúng tôi còn có điều kiện tìm hiểu về văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, lịch sử vùng đảo cũng như các giá trị kiến trúc nghệ thuật qua bao thời kỳ lịch sử chỉ với chuyến đi này”.

Chiến lược phát triển

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, chiến lược quản lý tổng hợp tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới trong thời gian đến sẽ xác định phát triển du lịch như là một phương thức hữu hiệu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và bảo tồn các giá trị đặc trưng vùng biển đảo. Việc đề ra chiến lược này xuất phát từ sự xác định rõ các yếu tố và biện pháp quản lý vùng trải nghiệm du lịch cũng như các khu vực chức năng sử dụng cho hoạt động du lịch. Điều này không chỉ hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên mà còn tạo cơ hội nâng cao lợi ích cho cộng đồng và trải nghiệm của du khách.

alt
San hô Cù Lao Chàm. Ảnh: Vũ Công Điền

Ban quản lý Khu bảo tồn cho biết, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp du lịch, chính quyền và các ban ngành có liên quan nhằm nâng cao các chuẩn tối thiểu cho du lịch. Theo đó, việc định mức giá dịch vụ (thuyết minh, hướng dẫn, phương tiện vận chuyển, lưu trú...) và thu phí cũng như hỗ trợ đào tạo nhân lực tại chỗ cần được nhịp nhàng hơn. Từ định hướng đó, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã đề ra kế hoạch cụ thể xây dựng phát triển sản phẩm và dịch vụ thích hợp ở Cù Lao Chàm trong giai đoạn 2011-2015. Thông qua sự tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan và tạo điều kiện để cộng đồng tham gia và được hưởng lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội. Toàn bộ quá trình xây dựng kế hoạch sẽ dựa trên phương pháp lập kế hoạch công; trong đó, sự đồng thuận của các bên liên quan là điều quan trọng nhất.

Ông Phạm Thành Hồng Lĩnh - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, sử dụng công là việc sử dụng các khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển cho khách tham quan với mục đích du lịch và diễn giải các giá trị gồm học tập, giải trí và các hoạt động khác nhưng không lấy đi tài nguyên hoặc đưa các tài nguyên mới vào khu bảo tồn đó. Cũng theo ông Lĩnh, quy trình lập kế hoạch sử dụng công để xây dựng các chương trình bảo tồn và phát triển du lịch ở nhiều khu di sản trên thế giới có sự khác biệt với các phương pháp quy hoạch và lập kế hoạch du lịch truyền thống. Sự khác nhau nằm ở chỗ, không có sự phụ thuộc vào các chuyên gia tư vấn kỹ thuật được mời từ bên ngoài. Thay vào đó, trong quy trình lập kế hoạch theo phương pháp này, tất cả các bên liên quan là người tự khảo sát, lập kế hoạch quản lý, chiến lược phát triển dựa trên những điều kiện thực tiễn và phục vụ cho mục đích sử dụng thiết thực. Trong quy trình lập kế hoạch, có thực hiện tham vấn ý kiến của cộng đồng và du khách. Đối tượng được tham vấn là những người không tham gia vào các diễn đàn của quá trình lập kế hoạch. Bởi vậy, những đóng góp của họ là điều kiện rất tốt. Vì tính khách quan để kiểm chứng, rà soát và bổ sung, qua đó giá trị thực tiễn và xây dựng chiến lược hợp lý sẽ được nâng cao.

Ban quản lý Khu bảo tồn biển cũng cho biết, thời gian đến, để nâng cao tính hiệu quả về khai thác du lịch theo hướng bền vững, các thông điệp diễn giải của khu bảo tồn sẽ được chú trọng thiết thực. Đó là việc truyền thông các giá trị tiêu biểu của khu bảo tồn đến cho khách tham quan một cách đầy đủ, chính xác và thú vị. Sẽ có 5 chủ đề thông điệp diễn giải chính tại khu bảo tồn biển gồm: tài nguyên thiên nhiên, sự đa dạng sinh học, bề dày văn hóa lịch sử, các sinh vật đặc biệt (trong đó loài chim yến và nghề khai thác yến sào là cốt lõi), cuối cùng là những ngành kinh tế quan trọng của TP.Hội An cùng ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên của cộng đồng cư dân trên cụm đảo.

Tác giả bài viết: NGUYỄN QUANG VIỆT

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 8 đánh giá
Xếp hạng: 4.9 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật