Tuổi đã 86 theo âm lịch, kể đã hàng “thượng thọ”, ông đùa: “Rứa là lãi hung, tớ là loại có tuổi thọ ngoài dự trù, trời cho “trò chơi” cả”. Ông là “nhạc sĩ làng” Hoàng Tú Mỹ - người lúc nào cũng sôi nổi, hài hước nhưng là người tự biết mình, tuyệt không khoe khoang, khệnh khạng kiểu kẻ cả hay làm ra vẻ “đạo cao vọng trọng”. Năm 2007, sau một trận “không được khỏe” cả thể xác lẫn tâm hồn, ông gửi thư và ảnh cho người viết bài này, tự dưng viết như “dối già” rằng “Mình sinh năm 1930 tại Nghệ Tĩnh. Cha chết sớm, mẹ ẵm con về quê ngoại tại Hội An. Năm 1945 đậu Tiểu học Pháp Việt xong là Cách mạng Tháng Tám. Thi vào trường Trung học Phan Châu Trinh (lớp nhất niên). Bùng nổ kháng chiến mình vào Đội tuyên truyền xung phong Trung đoàn 93 sau 108. Sau 4 năm quân ngũ, chuyển qua làm tại Ty Thông tin tuyên truyền Quảng Đà. Năm 1953 lấy vợ, về quê, thế là bước sang một cuộc đời khác. Vậy đó...”.
Hoàng Tú Mỹ - vẫn một khí chất sôi nổi như thuở mười tám, đôi mươi khi ông phổ thơ Xuân Diệu - bài “Gió mới” chào mừng Cách mạng Tháng Tám. Là lớp kế tục La Hối, tự học và học với lớp đàn anh trong Hội yêu âm nhạc Faifoo (Société Philhamonique), Hoàng Tú Mỹ mới 15 tuổi là lớp chơi violon thời kỳ cuối, là đàn em của tay violon Trần Can trong ban nhạc của Hội yêu âm nhạc (La Hối chơi piano, mất giữa năm 1945 do phát xít Nhật giết, Hội yêu âm nhạc ngừng hoạt động). Hoàng Tú Mỹ cũng sớm đến với tân nhạc. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi toàn quốc kháng chiến - theo nhạc sĩ Trương Đình Quang - “Phan Huỳnh Điểu viết “Tuyên truyền xung phong”, “Mùa đông binh sĩ”, phổ thơ “Những người đã chết” của Tế Hanh, Ngọc Trai viết “Nhớ người chiến sĩ”, Dương Minh Ninh viết “Vọng sơn hà” (lời của Thái Trữ) Hoàng Tú Mỹ phổ thơ “Gió mới” của Xuân Diệu, Hồ Quý Yên viết “Học sinh lên đường”... Các thành viên của Hội yêu âm nhạc đều tham gia tuyên truyền xung phong hoặc vào dàn nhạc của Đoàn kịch ca nhạc của Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh”.
Sau năm 1975 hầu như ông hoàn toàn gắn bó với phong trào ca nhạc của phố cổ Hội An. Lặng lẽ, khiêm nhường, ông viết nhạc, viết bản phối, dàn dựng cho các cơ quan, đơn vị, hợp tác xã, cho đội nghệ thuật không chuyên của Nhà văn hóa thị xã (trước đây) như một “nghề” để sống, đồng thời cũng để “tự thăng hoa” đời sống nội tâm mình trong sự thay đổi, hướng về thiện tâm, nhân ái, no ấm, hạnh phúc của đời phố, đời người. Hoàng Tú Mỹ có lắm “biệt tài” mà ông chỉ cười nói đó là “tài lẻ”. Đó là ông có lối “tốc ký âm” độc đáo. Khi cần phục dựng nguyên trạng một bài hát cũ, một làn điệu dân ca - chỉ cần nghe qua ai đó hát, ông tốc ký bằng các node chữ số, bằng ký hiệu thăng, giáng riêng rồi trả lại nguyên bản nhạc với xác suất sai biệt rất nhỏ, khá chính xác so với nguyên bản. Lớp trẻ khó có người - trong một lúc - nắm chắc điệu thức, âm hình tiết tấu, khúc thức, giai điệu một ca khúc nghệ thuật, một làn điệu dân ca khi thẩm âm như ông. Thứ đến là “tài” phổ thơ, dường như trong gần 500 ca khúc của ông, các tác phẩm “đứng được” của ông đều phổ thơ. Đó là “Nhớ khẩu súng khắc tên Người” (phổ thơ Vũ Minh), thanh xướng kịch “Người con gái quê hương”, “Sử thi Mẹ quê hương” (phổ thơ Phùng Tấn Đông), “Phố xưa” (phổ thơ Doãn Lê)..., ca khúc thiếu nhi “Con yêu mẹ” (phổ thơ Xuân Quỳnh), “Hè sao vui thế” (phổ thơ Nguyên Hoài Nhân)... Dẫu nhạc phổ thơ vẫn còn nhiều bàn thảo khác nhau, thế nhưng “thơ” khi được là “nhạc” thì bản nhạc đã có một cuộc đời khác - như lời ông nói.
“Hoàng Tú Mỹ có lối “tốc ký âm” độc đáo. Khi cần phục dựng nguyên trạng một bài hát cũ, một làn điệu dân ca - chỉ cần nghe qua ai đó hát, ông tốc ký bằng các note chữ số, bằng ký hiệu thăng, giáng riêng rồi trả lại nguyên bản nhạc với xác suất sai biệt rất nhỏ, khá chính xác so với nguyên bản” |
Vì là “nhạc sĩ làng” nên nhạc của ông có kết cấu khúc thức chân phương, giản dị, dễ hát, dễ nghe, dễ “lây lan cảm xúc”. Trong một bài viết về ca khúc “Nhớ khẩu súng khắc tên Người”, chúng tôi có đề cập “tài” đưa sự trữ tình, sự “tha thiết” vào điệu hành khúc (đoạn hai của ca khúc) ở Hoàng Tú Mỹ. Năm 2006, mừng ông thượng thọ, Trung tâm VH-TT Hội An xuất bản tuyển tập “Mùa hoa phố nhỏ” gồm 50 ca khúc của ông. Có thể nói, 40 năm qua, nhạc Hoàng Tú Mỹ đã vang lên trong khắp các hội diễn của Hội An, của Quảng Nam và Đà Nẵng, nhất là sân khấu và chương trình phát thanh “Hoa phượng đỏ” của độ tuổi thiếu nhi.
Những năm gần đây, Hoàng Tú Mỹ trở lại chơi violon trong ban nhạc “Cung đàn xưa” ở quán cà phê Serenade trong kiệt SICA, với La Gia Quảng (piano), Dương Hạ Châu (guitare), bác Hao (accordeon), anh Nam (mandolin). Mới đây thôi mà bác Hao, anh Nam, bác Quảng đã ra người thiên cổ. Ban nhạc cũng vì thế mà không thể tiếp tục trong những “Đêm phố cổ”...
Hoàng Tú Mỹ - khi về già - tự nhận mình “viết được dăm bài” cho lứa tuổi măng non, nhất là mảng “làm nhạc mới cho đồng dao cũ” - thể loại mà nhạc sĩ Trương Quang Lục gọi là “đồng dao mới”. Chẳng phải ngẫu nhiên, ngẫu sự mà Hoàng Tú Mỹ được chọn đến ba bài (trong 50 bài đồng dao mới của các nhạc sĩ cả nước). Đó là các bài: “Chuyện kỳ nhông”, “Con sáo” và “Ru ru, riếng riếng”. Ông còn “phóng tác” hay “nhại” đồng dao lời mới với “Lồng đèn phố cổ” (DVD Phương Nam film), “Chập chập cheng cheng”...
Có nhà hiền triết nói: khi về già là lúc hiền nhân về với tuổi thơ - tuổi anh nhi, vô vi, vô nhiễm của đời người. Hoàng Tú Mỹ có một tuổi thơ côi cút nên ông yêu trẻ con hay có sự “khôn ngoan” riêng của ông khi ông dồn hết tâm lực viết cho trẻ con vì một lẽ “ai cũng đã từng là trẻ con” mà trẻ con thì “rất sợ làm người lớn”.
Bao nhiêu năm rồi, một hình ảnh khó phai trong tôi là khi nhìn Hoàng Tú Mỹ dạy các em hát, một ông già khoa chân múa tay, nhún nhảy, làm bộ dỗi hờn, nũng nịu và đôi mắt, đôi mắt ông bao nhiêu năm vẫn tròn xoe như ngạc nhiên, như lạ lẫm với bao dâu bể trong đời.
Tác giả bài viết: PHÙNG TẤN ĐÔNG
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn