//

Tu bổ di tích ở Hội An: Nan giải vật liệu xây dựng

Thứ ba - 30/08/2011 03:09

Nguyên tắc về tính chân xác trong tu bổ di tích tại phố cổ Hội An đang đứng trước nhiều mâu thuẫn. Vấn đề nan giải xuất phát từ vật liệu xây dựng.

alt
Các di tích cần khối lượng gỗ rất lớn để tu bổ. 

Vật liệu truyền thống

Theo KTS Võ Đăng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, mỗi di tích trong phố cổ là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc, được tạo dựng bằng nhiều chủng loại vật liệu với kết cấu chịu lực chính bằng gỗ, tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch đất nung kết hợp với đá. Các chủng loại vật liệu truyền thống này có chất lượng và kích cỡ khác xa so với vật liệu bây giờ. Khảo sát tại các ngôi nhà cổ Hội An cho thấy, nhiều di tích được xây dựng bằng gạch vuông Bát Tràng kết hợp với gạch vồ - gạch đinh có kích thước 280x140x50mm. Ngói âm dương cỡ to, kích thước 240x240mm với chiều dày khoảng 13-15mm. Riêng gỗ xây dựng nhà cổ được khai thác ở vùng núi Quảng Nam, tuổi thọ cao và thuộc gỗ nhóm II, thường là kiền kiền, một số ít di tích có sử dụng gỗ lim, mít.

Có một loại vật liệu hiện không còn sản xuất là bột vôi màu vàng đất và xanh dương dùng để hòa vào bột vôi trắng, nước cùng một ít keo chiết xuất từ da trâu nhằm hạn chế sự xuống màu của tường xây. Gạch cũng có kích thước lớn 200x300mm, dày 50mm, được kết dính bằng vữa vôi. Đặc biệt, một số ngôi nhà còn sử dụng vữa kết dính để xây tường bằng đất sét, sau đó, vữa vôi mịn trát bên ngoài tạo thẩm mỹ và bảo vệ đất sét bên trong. “Một số ngôi nhà xây bằng đất sét bên trong nhưng đã tồn tại cho đến bây giờ. Điều này cho thấy đặc trưng của các công trình nhà cổ ở Hội An là tường chỉ bao che, không chịu lực. Thêm vào đó, các công trình kiến trúc đều là nhà liền kề, tường xây sát nhau tạo thành khối vững chắc và rất thông thoáng” - KTS Võ Đăng Phong cho biết thêm.

Khan hiếm

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính từng cho rằng, trong tu bổ di tích, nếu không đảm bảo được nguyên tắc về tính chân xác thì chúng ta “đã làm trẻ hóa di tích, làm giả di tích”. Thật đáng lo ngại tại phố cổ Hội An khi nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng và được tu bổ bằng vật liệu thay thế mới. Ông Trương Hoàng Vinh - cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: “Mỗi năm, Hội An cần cả triệu viên ngói cong để tu bổ. Khi tu bổ, người ta tận dụng ngói cũ lợp bên dưới nhưng chất lượng không cao. Trong khi đó, ngói mới có kích thước 160x160 và dày từ 80 - 100mm, số lượng cần dùng cho một hệ mái nhiều hơn nhưng chất lượng không cao do đất sét lẫn nhiều tạp chất. Ngói này chỉ có một cỡ, khi lợp, độ rộng của dòng chảy còn lại của hàng ngói ngửa nhỏ, độ cong viên ngói cũng không đảm bảo nên hạn chế việc thoát nước, khả năng thấm dột cao”.

Để có kế hoạch lâu dài cho công tác tu bổ, theo ông Nguyễn Chí Trung, chính quyền cần quan tâm đến nguồn vật liệu tu bổ, phải đáp ứng số lượng vật liệu ổn định, đặc biệt là gỗ kiền kiền và hỗ trợ giá mua vật liệu cho các chủ di tích. Kích thước gạch, ngói cũng phải đảm bảo thông số kỹ thuật, yêu cầu chất lượng. Hội An cũng cần xin chủ trương của tỉnh, Trung ương nhằm tạo điều kiện có nguồn gỗ ổn định, đáp ứng nhu cầu tu bổ hằng năm. Thành phố cần tạo điều kiện cho các hộ sản xuất hoặc tổ chức những cơ sở quy mô để sản xuất gạch, ngói truyền thống và khuyến khích việc phục hồi lại các vật liệu truyền thống.

Gỗ dùng để tu bổ hiện cũng thuộc nhóm II nhưng nguồn gỗ vô cùng khan hiếm. Gỗ thường được mua từ các vùng rừng núi thuộc Bình Định và Khánh Hòa nhưng gỗ khai thác non, chất lượng kém xa vùng núi Quảng Nam dẫn đến chất lượng công trình kém, tuổi họ di tích bị rút ngắn sau khi tu bổ. Thực tế, tại một số nhà cổ mới tu bổ gần đây, chỉ mươi năm gỗ đã có dấu hiệu xuống cấp. Thêm vào đó, việc sử dụng chất vữa vôi pha xi măng đã tạo độ sắc cạnh quá rõ, bờ chảy bị thô cứng, tỷ lệ lại thiếu hợp lý giữa kích thước các thành phần kết cấu cũng như giữa các hạng mục cũ tận dụng với những thành phần mới sau khi tu bổ. 

Mỗi năm tại Hội An bình quân có hơn 15 di tích do Nhà nước đầu tư và hàng trăm nhà ở do người dân tự tu bổ, nhờ đó, số lượng di tích xuống cấp ngày càng giảm đi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói: “Ở góc độ hình thể, chất liệu và sắc màu, nói cách khác là tính thẩm mỹ, giá trị và tuổi thọ của di tích sau khi tu bổ vẫn chưa được như mong muốn. Mặt khác, các yếu tố gốc vẫn chưa được gìn giữ tối đa”. Nguyên nhân một phần là do vật liệu sử dụng không phù hợp, nguồn vốn đầu tư tu bổ một công trình kiến trúc gỗ quá lớn trong khi gỗ quá khan hiếm lại nằm trong danh mục cấm của Nhà nước. Nhiều công trình phải tạm hoãn để chờ gỗ vì có tiền mua cũng không có. Trước đây, nhà cổ số 33 đường Nguyễn Thái Học đã cần đến 140m3 gỗ, trong quá trình trùng tu cũng phải tạm dừng 3 tháng vì không có gỗ để thi công. Điều này dẫn đến một thực trạng là người dân bỏ qua những yếu tố nguyên gốc, cốt làm đảm bảo hình dáng tương đồng, thậm chí còn cơi nới di tích để sinh hoạt, kinh doanh.

 

Tác giả bài viết: QUỐC HẢI

Nguồn tin: www.zing.vn


 

 Từ khóa: tu bổ, nhà cổ, hội an
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật