//

Từ chiếc cổng nhà cổ ở Hội An

Chủ nhật - 13/02/2011 10:17

Bài thơ “Từ cánh cổng hố bom” của nhà thơ Phạm Quốc Ca đã nói hộ chúng ta nhiều điều về... cái cổng. Ở đó, Nơi đây chờ ngóng mẹ, lũ bạn đứng đây chờ, nơi đây tiễn bạn gái, mẹ đi vào rạng đông... Khi nhìn thấy chiếc cổng nhà ở Hội An tôi đã chợt nhớ đến những câu thơ ấy và chợt hiểu thêm một tầng nghĩa nữa của nó, mái che của những chiếc cổng ấy là không dành cho người ở nhà, nó dành cho người ra đi. Nó giúp người ra đi yên lòng khi biết người thân đứng đợi mình vẫn có được cái mái để che nắng che mưa trên đầu.

 

Về Hội An, sau khi đi hết các phố cổ các bạn hãy vào các con hẻm nhỏ nối thông các phố, trong đó cũng là những ngôi nhà cổ nhưng vì có sân có vườn nên có bờ tường bao quanh và có những chiếc cổng có mái che trông thật đẹp. Bất ngờ một lần xem những tấm ảnh chụp được trong các con hẻm nhỏ ấy tôi chợt nhận ra, hình như mái trước mái sau của những chiếc cổng này không cân nhau như ta vẫn thường thấy ở những chiếc cổng mới xây, hiện đại ở bất cứ đâu trên cả nước này!

Quan sát thật kỹ chiếc cổng nhà ở Hội An chúng tôi thấy nó tuân theo tỷ lệ vàng của giới kiến trúc, của chiếc vỏ ốc, tức mái trước dài 3 thì mái sau dài 5, và độ xuôi cũng vậy. Lạ một điều là cái tỷ lệ vô cùng thuận tay, vừa mắt này lại hoàn toàn không được biết tới ở các chiếc cổng nhà hiện đại. Từ Nam ra Bắc, tất cả các chiếc cổng có mái mới xây đều cân đối, trước sau bằng nhau, độ xuôi cũng không khác. Nhìn kỹ, nó không khác chuyện người nước ngoài đội nón lá Việt Nam vậy. Các mẹ các chị ta vẫn thường đội nón theo cách là ngửa nón ra sau 3/5. Các nữ du khách phương tây khi đội nón thì không thế, theo tự nhiên họ nghĩ đỉnh nón phải ở đỉnh đầu, tỷ lệ 5/5. Và vì thế người nước ngoài nào đội nón ta cũng dễ dàng nhận ra họ là... người nước ngoài.

Không phải chuyên gia ngành xây dựng, kiến trúc tôi mang câu hỏi này đi hỏi các kiến trúc sư và ai cũng bất ngờ về chuyện này, giáo trình trong các trường đại học kiến trúc hầu như không chỗ nào đề cập đến tỷ lệ kiến trúc của chiếc mái cổng nhà Hội An này. Mái nhà cổ truyền của Việt Nam cũng có tỷ lệ mái trước ngắn hơn mái sau, mái trước xuôi ít hơn mái sau, để hàng hiên mở ra cao thoáng hơn mái sau; mái sau dài thấp vừa để tận dụng không gian vừa để kín gió vì mái thấp gần sát đất. Thế nhưng, ra đến cổng vẫn giữ tỷ lệ này thì thật lạ. Nó như được tính toán để không chỉ đủ che mưa cho cả cánh cổng lúc mở mà còn đủ để che cho người ra mở khoá. Mái che ở các cổng hiện đại thì không che được cho cổng và cũng chẳng đủ chỗ cho người đứng trú mưa.

 

 
và một cổng mới xây hiện đại ở ngôi biệt thự tại Đà Nẵng.

 

Và bất ngờ, ở Đà Nẵng, chúng tôi bắt gặp một ngôi nhà ống có bề ngang 5m gia chủ vẫn cố dành ra một khoảng nhỏ chừng 2m để làm một chiếc cổng có tỷ lệ khá giống với cổng nhà ở Hội An. Với 3m làm lối vào gara, 2m làm cổng. Trông khá đẹp thế nhưng dường như vẫn có cái gì đó không được hài hoà như những cổng nhà đã thấy ở phố cổ. Anh chủ nhà, không muốn nêu tên, nói: “Mình đã cố đo thật kỹ tỷ lệ từ bờ tường đến độ xuôi, độ dài các mái ở các cổng nhà ở Hội An, thế nhưng thợ làm vẫn không như ý, họ làm không quen tay và như các anh thấy, bờ tường trụ dường như đã mỏng hơn một chút, vì vậy cổng đã rộng hơn, trông lỏng lẻo hơn, các đường quyết đè ngói cũng thiếu cân đối thế nào đó. Không hiểu tại sao người thợ Việt Nam nhưng lại đánh mất hết các chuẩn mực thước tấc tỷ lệ của cha ông ngày xưa như vậy! Trước khi xây tôi cũng đã nhờ kiến trúc sư tư vấn nhưng họ ngại, e vào không hợp, tôi cũng rất lo, nhỡ như nó giống cổng miếu, cổng đình thì hỏng. Thế nhưng, xây xong tôi thấy là quyết định có lý, sử dụng nó hàng ngày thấy rất dễ chịu”.

Nguồn tin: ngoisao.net


 

 Từ khóa: mái sau, không, trúc
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật