//

Lễ hội dành cho chữ Quốc ngữ?

Thứ ba - 08/03/2011 04:54

Gần bốn trăm năm trở lại đây, trong nền Văn hiến Việt Nam đã xuất hiện một sự kiện vĩ đại, đó là sự hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ. Tại sao nói đây là một sự kiện vĩ đại của dân tộc, vì từ khi chữ Quốc ngữ trở thành phương tiện ghi chép chủ yếu của người Việt đã mở ra bước ngoặt vô cùng quan trọng cho tiến trình phát triển nền văn hóa Việt Nam.

 

Hơn trăm năm trước, trong bài thơ “Học để tự cường” cụ Trần Quý Cáp khuyên dân ta phải học tập mà khai trí, có khai trí mới tự cường được, “Chữ quốc ngữ là hồn của nước/ Phải đem ra tính trước dân ta”, và trong thời đó việc vận động học chữ Quốc ngữ trở thành một vấn đề chính yếu của Phong trào Duy tân được khởi xướng trên đất Quảng. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công Bác Hồ đã kêu gọi diệt giặc dốt, phát động phong trào Bình dân học vụ, học chữ Quốc ngữ và cũng từ đó đa số người Việt Nam ta biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ; chữ Quốc ngữ mới thật sự thành chữ của nhân dân, là “hồn của nước”.

Trong công trình nghiên cứu của Sở Khoa học công nghệ Quảng Nam và Viện Ngôn ngữ học Việt Nam do PGS.TSKH Lý Toàn Thắng làm chủ nhiệm đề tài đã dựa vào các tư liệu tin cậy, đề cập những sự kiện sau:

Năm 1617 Giáo sĩ Francesco de Pina đến Đàng Trong, đến Thanh Chiêm và Hội An; Năm 1621, De Pina cùng với giáo sĩ Christoforo Bori biên soạn một cuốn sách kinh nghĩa bằng tiếng Nam (tiếng Nôm); Năm 1623, trong một bức thư gửi cha bề trên ở Roma là Jeronioro Rodrigue, De Pina cho biết: “… về phần tôi, tôi đã biên soạn một chuyên luận về chính tả và những âm thanh của ngôn ngữ này (tiếng Việt) và đang bắt tay làm cuốn ngữ pháp…”.

De Pina là người Bồ Đào Nha đầu tiên khai sinh chữ Quốc ngữ tại Hội An và Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam. Vì Giáo sĩ De Pina từ năm 1621 đến khi mất do tai nạn lật thuyền tại vùng biển Hội An vào năm 1625, trong suốt bốn năm tại xứ này ông đã học, truyền đạo thông thạo bằng tiếng Việt và có những công trình sơ khai, đặt những viên gạch đầu tiên cho công trình văn hóa vĩ đại - chữ Quốc ngữ sau này.

Trong nhiều năm, có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, nhiều hội thảo khoa học để tìm và xác định ai là người đầu tiên, ai là người có công nhất, vùng đất nào là nơi khai sinh, vùng đất nào là nơi quan trọng trong vai trò phát triển chữ Quốc ngữ… Thậm chí có nhà khoa học, vì muốn làm sáng tỏ vai trò của các giáo sĩ Bồ Đào Nha: Francesco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa trong việc sáng lập chữ Quốc ngữ nên có lời lẽ không đẹp đối với Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người Pháp gốc I-Pha-Nho) mà về danh chính ông là tác giả của Từ điển Việt - Bồ - La tinh, xuất bản năm 1651 tại Roma.

Thực tế lịch sử cho thấy, chữ Quốc ngữ ra đời trước hết xuất phát từ mục đích tôn giáo, là công cụ để các giáo sĩ truyền đạo Thiên chúa vào nước ta dễ dàng hơn. Trong quá trình phát triển, hoàn thiện và truyền bá chữ Quốc ngữ như ngày nay người Việt Nam đã có một vai trò hết sức to lớn. Trong công trình nghiên cứu chữ Quốc ngữ, Tiến sĩ Roland Jacques nhận định: “Sự sáng tạo chữ Quốc ngữ không phải là công trình của phòng thí nghiệm mà có rất nhiều người Việt Nam dấn thân vào với một nhiệt tình nào đó trong hành động”.

Và trong công trình khoa học “Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ” do PGS. TSKH Lý Toàn Thắng làm chủ nhiệm đề tài cũng đã khẳng định: “Con người và mảnh đất Quảng Nam đóng một vai quan trọng, Dinh trấn Thanh Chiêm, Hội An là những chiếc nôi đầu tiên sinh thành nên chữ viết của nhân dân ta ngày nay”.

Sự thật lịch sử đã diễn ra như trên là một cơ duyên của mảnh đất: hội nhân, hội thủy, hội văn và như vậy, Quảng Nam có cơ sở để hình thành một lễ hội mới nhằm tôn vinh chữ Quốc ngữ. Lễ hội ấy sẽ bắt đầu xuất hiện trên xứ Quảng từ thế hệ của chúng ta và truyền nối cho các thế hệ mai sau. Thiết nghĩ, chữ Quốc ngữ đối với chúng ta hiện nay và mãi mãi sau này, quý báu và cần thiết như cơm gạo, không khí, ánh sáng mặt trời vậy.

Chữ Quốc ngữ và những tiền nhân có công khai sinh, phát triển và truyền bá nó, không kể họ là ai, ngoại quốc hay là Việt, lương hay là giáo cũng cần phải được tôn vinh trong lòng mỗi người dân Việt. Lễ hội chữ Quốc ngữ nếu được khai sinh trên cái nôi hình thành - Thanh Chiêm - Hội An là một sự ứng xử đúng đạo lý nhất của người Việt, của người Quảng Nam là “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trông cây. Và lễ hội chữ Quốc ngữ sẽ là một điểm nhấn quan trọng góp phần làm hiển lộ ngày càng rõ nét nền văn hóa đặc thù đất Quảng. Hy vọng ý tưởng này sẽ được các nhà lãnh đạo, các nhà văn hóa lưu tâm.

Tác giả bài viết: PHẠM THÔNG


 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật