//

Tổng kết thành tựu KTXH thành phố Hội An năm 2014

Thứ hai - 02/02/2015 10:31

Thành phố thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh chung có nhiều diễn biến phức tạp. Ở trong nước, kinh tế tuy được phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, những yếu tố bất lợi từ tình hình biển Đông, dịch bệnh Ebola, trình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động đầu tư cũng như thu hút khách du lịch của Hội An.

Những vấn đề trên đã tác động lớn đến sự phát triển của thành phố. Song, với sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân, doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố vẫn tiếp tục phát triển. Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, quốc phòng an ninh được đảm bảo. Kết quả đạt được trên các lĩnh vực chủ yếu như sau 

1. Về kinh tế:

Tổng giá trị sản xuất (GO) toàn thành phố theo giá cố định ước đạt 3.495,313 tỷ đồng, tăng 12,64% so với năm 2013; GO hiện hành đạt 7.194,033 tỷ đồng, tăng 10,44%; kim ngạch xuất khẩu đạt 9.613.000 USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,49 triệu đồng, tăng 5,54% so với năm trước, trong đó khu vực thành thị đạt 29,2 triệu đồng, khu vực nông thôn đạt 21,94 triệu đồng.

1.1. Nhóm ngành du lịch - dịch vụ - thương mại giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. GO hiện hành đạt 4.648,93 tỷ đồng, đạt 98,64% KH và tăng 9,76% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 64,62% GO toàn thành phố.

1.2. Nhóm ngành CN-TTCN  và xây dựng có bước tăng trưởng khá. GO hiện hành đạt 1.931,800 tỷ đồng, đạt 102,46% KH, tăng 14,46% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 26,85% GO toàn thành phố. 

1.3. Nhóm nông - ngư - lâm phát triển ổn định, GO hiện hành đạt 613,3 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra và tăng 3,9% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 8,53% tổng GO toàn thành phố.

2. Về thu - chi ngân sách và đầu tư XDCB:

Tổng thu NSNN ước đạt 805,665 tỷ đồng, bằng 84,29% KH, bằng 88,45% so với năm 2013, trong đó thu NSNN trên địa bàn 693,144 tỷ đồng; tổng chi NSNN: 680,861 tỷ đồng, bằng 87,25% KH, tăng 0,87% so với năm 2013, trong đó chi đầu tư phát triển 360,030 tỷ đồng, đạt 76,65% KH.

Năm 2014, thành phố đầu tư 66 công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 24/39 công trình chuyển tiếp, triển khai thi công 22/27 công trình mới và đã hoàn thành 6 công trình. Ước giải ngân vốn được 260 tỷ đồng, đạt 69,5% KH (riêng vốn trái phiếu Chính phủ đã giải ngân 29,7 tỷ đồng, đạt 99,6%). 

3. Về văn hóa - xã hội:

Công tác thông tin – tuyên truyền, cổ động trực quan diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động văn hóa văn nghệ phát triển khá mạnh, huy động được các lực lượng tham gia. Nhiều lễ hội văn hóa truyền thống và hiện đại được tổ chức thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân và du khách, nhất là đợt hoạt động kỷ niệm 15 năm ngày đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, 05 năm ngày Cù Lao Chàm được công nhận là khu Dự trữ Sinh quyển thế giới, 50 năm ngày Đồng khởi giải phóng xã Cẩm Thanh, phát động cuộc thi Tìm hiểu Hội An qua Internet. Phong trào TDTT, rèn luyện sức khỏe phát triển ngày càng sâu rộng ở địa bàn dân cư, trong đó thể thao thành tích cao được chú trọng đầu tư và có chuyển biến tốt. Thành phố đã ban hành và đang từng bước triển khai đề án phát triển sự nghiệp thể dục thể thao giai đoạn 2014-2020, định hướng đến 2025.

Cùng với việc tăng cường tổ chức các sự kiện tại địa phương, thành phố còn chú trọng xây dựng chương trình tham gia giao lưu, biểu diễn nghệ thuật ở một số nước, góp phần quảng bá hình ảnh Hội An.

Chương trình xây dựng Thành phố văn hóa được tập trung thực hiện, chú trọng việc củng cố và nâng cao chất lượng các mô hình đã triển khai. Đã tổ chức tuyên truyền nội dung NQTW9 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trong tình hình mới gắn kết với nhiệm vụ trọng tâm xây dựng thành phố văn hóa giai đoạn 2015 - 2020. Năm 2014, qua kiểm tra có 93,04% hộ gia đình, 133/141 cơ quan - công sở, 58/77 thôn - khối phố và 13/13 xã - phường đạt danh hiệu văn hóa. (chính thức: 94,04% gia đình (19.675/20.914), 59/77 thôn - khối, 61/75 tộc họ…)

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường thường xuyên nhằm đưa các hoạt động và dịch vụ văn hóa đi vào nề nếp, giữ gìn và phát triển môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh.

Giáo dục – đào tạo có sự chuyển biến tích cực. Quy mô trường lớp, học sinh tiếp tục phát triển; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp các cấp học đạt 100%; chất lượng giáo dục được nâng lên, nhất là chất lượng mũi nhọn; tình trạng học sinh bỏ học từng bước được hạn chế. Năm học qua, thành phố có 134 học sinh thi đỗ vào trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, chiếm gần 50% so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường; đặc biệt có 755 em trúng tuyển đại học, cao đẳng nguyện vọng 1, tăng 454 em so với năm trước. Cơ sở vật chất ngành giáo dục tiếp tục được quan tâm, đã đầu tư gần 28 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp trường lớp. Đến nay, thành phố đã có 22/37 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 03 trường đạt chuẩn mức độ 2. Công tác phổ cập giáo dục các bậc học được củng cố, nâng cao chất lượng. Hoạt động khuyến học phát triển sâu rộng, góp phần thúc đẩy phong trào xã hội học tập và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.

Hoạt động nghiên cứu KHCN được thực hiện thường xuyên, năm qua có 9 đề tài được phê duyệt danh mục, nhiều công trình nghiên cứu về di sản văn hóa, tiềm năng du lịch, tài nguyên biển được triển khai đạt chất lượng và mang ý nghĩa ứng dụng thiết thực. Thành phố đã lập hồ sơ và được Hội Cây di sản Việt Nam công nhận 3 cây cổ thụ ở Cù Lao Chàm là ”Cây Di sản”.

Công tác chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân có cố gắng. Các chương trình y tế quốc gia, y tế dự phòng được thực hiện tốt, không để xảy ra dịch bệnh. Công tác phòng chống SDD trẻ em, tiêm chủng mở rộng được quan tâm thực hiện chu đáo, đã triển khai chiến dịch toàn quốc tiêm vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 01 đến 14 tuổi, đợt 1 đạt tỷ lệ 99,4%, đợt 2 đạt 95,36%.

Công tác DS - KHHGĐ được duy trì thường xuyên, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về các giải pháp cải thiện chất lượng dân số và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho nhân dân, nhờ đó đã duy trì được mức sinh thấp và tương đối ổn định (11,32%0), riêng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ số giới tính khi sinh còn cao, chưa đạt kế hoạch đề ra.

An sinh xã hội luôn được đảm bảo. Chế độ, chính sách đối với người có công được giải quyết chu đáo. Đã xét đề nghị cấp trên 314 hồ sơ tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH (riêng trong năm 2014 trình 49 hồ sơ) và tổ chức chu đáo 02 đợt lễ tặng, truy tặng danh hiệu này cho 109 trường hợp. Giải quyết việc làm mới cho hơn 1.000 lao động, đào tạo nghề cho 171 lao động nông thôn; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo phù hợp với từng đối tượng và đã thực hiện đạt mục tiêu xóa hộ nghèo. Theo kết quả điều tra, thành phố hiện còn 154 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,72% (đầu năm 2014 là 284 hộ nghèo), đa phần là các trường hợp già cả neo đơn, bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo. Thành phố cũng đã cấp tạm ứng từ ngân sách 2.262 triệu đồng để hỗ trợ xây mới 19 nhà và sửa chữa 94 nhà cho các đối tượng chính sách, hỗ trợ 440 triệu đồng để xóa nhà tạm cho 14 hộ nghèo. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới tiếp tục được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực. Những kết quả nổi bật trong công tác chính sách và đảm bảo an sinh xã hội đã góp phần ổn định phát triển kinh tế, cải thiện đời sống một bộ phận nhân dân trên địa bàn.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật