Sáng 10-2 (tức mùng 6 tết), người dân làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An) tổ chức lễ giỗ Tổ làng nghề mộc Kim Bồng.
Nghề mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỷ 15 bởi những người thợ quê từ đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh di cư vào khai khẩn lập làng.
Người dân làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An) tổ chức lễ giỗ Tổ làng nghề mộc Kim Bồng
Đến cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, nghề mộc bắt đầu phát triển hòa cùng sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề mộc phát triển mạnh gồm ba nhóm chính là mộc xây dựng các công trình kiến trúc, mộc dân dụng và nghề đóng sửa tàu thuyền. Lúc này, hầu hết kiến trúc của Hội An đều do bàn tay tài hoa người thợ Kim Bồng làm nên.
Nghi thức giỗ Tổ nghề mộc
Đặc biệt, thợ Kim Bồng cũng được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và sau này là triều đình nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng các cung điện, lăng tẩm. Đây cũng là thời gian nghề mộc Kim Bồng vang danh nhất bởi sự tinh hoa của những người thợ Kim Bồng.
Lễ giỗ Tổ là hoạt động ra quân khởi đầu cho một năm mới, bởi Kim Bồng không chỉ có nghề mộc mà còn có nhiều nghề công, nông, lâm, ngư khác
Trải qua những thăng trầm lịch sử cùng chiến tranh, loạn lạc…, mộc Kim Bồng dần rơi vào mai một, thất truyền. Làng nghề chỉ thật sự được hồi sinh vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước với sự hỗ trợ của chính quyền thị xã Hội An (nay là TP Hội An) cùng tổ chức UNESCO trong việc xây dựng nhà xưởng, mở nhiều lớp đào tạo, nâng cao tay nghề…
Biểu diễn chạm trỗ
Nghệ nhân hướng dẫn du khách trải nghiệm nghề mộc
Cùng với nghề mộc truyền thống, các nghề khác như thợ nề, đan thúng, dệt chiếu cũng được hình thành từ rất sớm tại làng Kim Bồng, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm nét văn hóa nghề truyền thống địa phương.
Thi hô hát bài chòi
Theo nghệ nhân Huỳnh Ri, làng mộc Kim Bồng ban đầu chỉ có 4 dòng họ là Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương từ miền Bắc di cư vào khai phá đất đai, phổ truyền nghề mộc.
Do đó, giỗ Tổ làng nghề cũng là dịp để nhớ ơn các bậc tiền nhân có công lập làng, truyền dạy nghề. Đồng thời, đây cũng là hoạt động ra quân khởi đầu cho một năm mới, bởi Kim Bồng không chỉ có nghề mộc mà còn có nhiều nghề công, nông, lâm, ngư khác.
Trình diễn dệt chiếu
“Ngày xưa, người thợ làng Kim Bồng làm ăn khắp nơi, do đó sau khi cúng Tổ xong là bà con cũng tỏa đi tha phương hành nghề cả năm, nên lễ cúng hôm nay cũng là giỗ Tổ chung của các nghề”, nghệ nhân Huỳnh Ri nói.
Ông Huỳnh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết, thời gian đến, xã sẽ tập trung phát triển làng nghề theo định hướng “Làng quê – Làng nghề - Sinh thái”. Cụ thể, những nghề truyền thống như đóng ghe, đóng thuyền, đan thúng, dệt chiếu… sẽ được quy hoạch phát triển theo hướng thương mại du lịch. Trong đó, mộc Kim Bồng sẽ đóng vai trò trung tâm để thu hút khách du lịch để từ đó lan tỏa ra các khu vực khác.
Nghề đang bội cũng được trình diễn tại lễ giỗ Tổ
So với mọi khi, giỗ Tổ năm nay được tổ chức khá sôi động nhằm quảng bá sâu rộng hơn hình ảnh điểm đến làng mộc Kim Bồng, Phần “Lễ” và “Hội” trong hoạt động giỗ Tổ đã được tổ chức theo đúng phong cách lễ hội của người Kim Bồng xưa với việc tái hiện lại không gian làng nghề được bài trí theo văn hóa dân gian địa phương cùng các hoạt động trình nghề như chạm trổ, đóng sửa tàu thuyền, dệt chiếu, đan thúng…
Tái hiện lại không gian làng nghề như chạm trổ, đóng sửa tàu thuyền, dệt chiếu, đan thúng…
Ngoài ra, còn có các chương trình ẩm thực chợ quê, hội hô hát bài chòi, đua ghe Đảo thủy đầu xuân… với nhiều kỳ vọng về một năm hanh thông, làng nghề phát triển, vạn sự như ý.
Phong phú nhiều hoạt động tại lễ giỗ Tổ
Nhiều trò chơi dân gian cũng được tổ chức tại lễ giỗ Tổ nghề mộc Kim Bồng
NGỌC PHÚC