Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nhà cổ Đức An được xây dựng từ năm 1830, dưới thời vua Minh Mạng. Tên ngôi nhà mang ý nghĩa "giữ gìn đạo đức để bình an", cũng là tên hiệu sách của nhà họ Phan, chuyên bán sách Hán Nôm và văn phòng phẩm.
Nhà cổ Đức An có cấu trúc hình ống, mặt tiền rộng 7m, dài 40m. Ngôi nhà có bố cục đăng đối, với cửa đi ở giữa, hai bên là cửa sổ phục vụ việc buôn bán, phía trên cửa đi có hai mắt cửa - chi tiết điển hình của nhà cổ Hội An.
Ngôi nhà được dựng theo lối nhà rường miền Trung, kết hợp với một số nét kiến trúc đặc trưng của cư dân phố thị ven biển. Bao quanh ngôi nhà là hệ thống tường gạch kiên cố, mái ngói âm dương.
Ngôi nhà có nhiều lớp không gian, với những công năng khác nhau. Gian ngoài cùng là nơi buôn bán, kế tiếp là phòng khách và nơi thờ tự. Sau sân trời là một hành lang dẫn vào nơi ở và sinh hoạt của gia đình.
Toàn bộ gỗ xây dựng ngôi nhà đều là gỗ kiền kiền, một loại gỗ quý, nổi tiếng về sự bền bỉ và khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung.
Trong ảnh là hệ thống hoành phi, câu đối cổ được lưu giữ trong ngôi nhà có tuổi đời 2 thế kỷ.
Hệ thống khung gỗ nhà trước có kết cấu kiểu “chồng rường - giả thủ” và “mái chồng trụ đội” có công năng chịu lực và mở rộng không gian. Nhà giữa cũng có kết cấu chồng rường nhưng hai mái chồng lên nhau. Đây là kiểu nhà “mái chồng mái trốn lầu” độc nhất còn sót lại ở Hội An.
Trong ảnh là toàn cảnh gian giữa của ngôi nhà, với sân vườn được bố trí giếng trời và hồ cá, hòn non bộ...
Đầu thế kỷ 20, khi phong trào chống Pháp lan rộng khắp tỉnh Quảng Nam và cả nước, nhà cổ Đức An nhanh chóng trở thành điểm hẹn cho những người yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp…
Ngôi nhà kiêm hiệu sách này đã đóng vai trò như một địa điểm tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa yêu nước đến tầng lớp trí thức và nhân dân.
Năm 1908, hiệu sách Đức An đóng cửa, chuyển sang kinh doanh thuốc Bắc và trở thành căn cứ hoạt động cách mạng, nơi lưu giữ nhiều tài liệu bí mật phục vụ phong trào yêu nước.
Đặc biệt, năm 1927, tại chính ngôi nhà này, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Hội An được thành lập, do ông Cao Hồng Lãnh (tên thật là Phan Hải Thâm, bí danh Năm Thêm) làm Bí thư.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, ông Cao Hồng Lãnh (SN 1906 - con út đời thứ tư của gia tộc họ Phan) là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam.
Từ năm 1923, ông đã tổ chức thanh niên trong xã chống cường hào, tham gia phong trào yêu nước. Năm 1926, ông vào Nam Bộ tham gia hoạt động cách mạng.
Năm 1927, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tại Quảng Trị. Năm 1929, ông tiếp tục tham gia hoạt động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Suốt những năm kháng chiến, ông Cao Hồng Lãnh hoạt động tại nhiều chiến trường và bị thực dân Pháp kết án vắng mặt 15 năm tù. Ông từng giữ các vị trí trọng yếu trong Đảng, Nhà nước và công tác đối ngoại.
Với những đóng góp lớn cho cách mạng, ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất...
Ông mất năm 2008 tại Hà Nội, hưởng thọ 102 tuổi và có 82 năm tuổi Đảng.
Ông Cao Hồng Lãnh chính là niềm tự hào của gia tộc họ Phan ở Hội An. Bên trong nhà cổ Đức An hiện vẫn lưu giữ nhiều hiện vật quý mà ông Cao Hồng Lãnh từng sử dụng trong giai đoạn hoạt động cách mạng.
Trong ảnh là áo quần, giày dép, đồng hồ, radio và một số vật dụng cá nhân của ông.
Đáng chú ý là những bức ảnh kỷ niệm ông Cao Hồng Lãnh chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
![]() |
![]() |
![]() |
Ông Phan Ngọc Trâm, hậu duệ đời thứ 6 của họ Phan, chủ nhân hiện tại của nhà cổ Đức An cho biết, đến nay đã có 8 đời sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà này.
Hiện nhiều vật dụng cá nhân của các thế hệ gia tộc họ Phan có niên đại hàng trăm năm vẫn được gia đình bảo quản cẩn thận trong tủ kính.
“Dù đã trải qua nhiều thế kỷ và những đợt lũ lụt thường niên nhưng nhà cổ Đức An vẫn giữ được gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống của ông cha để lại. Thế hệ con cháu chúng tôi sẽ làm hết sức mình để bảo tồn, giữ gìn ngôi nhà này”, ông Trâm chia sẻ.
Tháng 2/2010, nhà cổ Đức An được UBND TP Hội An công nhận là công trình văn hóa của thành phố, đồng thời là di tích lịch sử lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh và chính thức mở cửa cho du khách tham quan.
vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn