//

Khai thác không gian thiên nhiên - văn hóa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế

Thứ sáu - 19/01/2024 09:07

Khai thác không gian thiên nhiên-văn hóa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các Di sản văn hoá thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, tài nguyên biển, các di tích lịch sử, văn hóa và đặc trưng con người Xứ Quảng

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 72/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phạm vi Quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính phần lãnh thổ đất liền tỉnh Quảng Nam và vùng không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

01 21292452

Khai thác không gian thiên nhiên - văn hóa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các Di sản văn hoá thế giới Hội An. Ảnh minh họa

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.

Mục tiêu cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm. Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9 - 9,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 37,5 - 37,8%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 36 - 37,0%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 16,2 - 17,0%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hoá đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hoá thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển của Quảng Nam là hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Cụ thể, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng trọng yếu của khu vực nông thôn, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục.

Lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trọng tâm, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, động lực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên với hệ thống giao thông đồng bộ; liên kết vùng và quốc tế thông suốt; hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch ven biển sinh thái, hiện đại; hạ tầng nông thôn cải thiện rõ nét, hạ tầng nông nghiệp phát triển bền vững.

Nâng cao chất lượng đô thị hóa ở cả các đô thị hiện hữu và đô thị mới. Từng bước giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An trên cơ sở phát triển không gian đô thị vùng Đông thị xã Điện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình; phát triển mạnh thành phố Tam Kỳ trên cơ sở tổ chức sáp nhập hợp lý không gian với huyện Núi Thành, liên kết phát triển với các khu vực xung quanh.

Với ngành thương mại, dịch vụ và du lịch, Quảng Nam sẽ phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, giữ vai trò chủ đạo; hình thành trung tâm logistics, vận tải đa phương thức; phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai và hệ thống Cảng biển Quảng Nam gắn với các khu phi thuế quan, khu công nghiệp; xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang phục vụ hàng hóa từ Thái Lan, Lào vào Việt Nam và ngược lại.

Khai thác không gian thiên nhiên - văn hóa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các Di sản văn hoá thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, tài nguyên biển, đảo, sông, hồ, núi rừng, các di tích lịch sử, văn hóa và đặc trưng con người Xứ Quảng; trọng tâm là phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, sự kiện, hội nghị, chăm sóc sức khỏe...

congluan


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn