Lễ tết Trung thu diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch hằng năm, thường gắn với các hoạt động múa Thiên cẩu, múa Lân, rước đèn cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác. Trước, lễ tết Trung thu chỉ dần cho người lớn sau lan rộng ra dành cho các em thiếu nhi.
Tết Trung thu thường đến sau khi mùa vụ kết thúc, nhà nhà người người sum vầy bên nhau và thường sẽ làm nên những món bánh từ lúa gạo và các nguyên liệu nông nghiệp để tạ ơn trời đất và cầu mong mùa màng bội thu vào những vụ sau.
Tết Trung thu tại Hội An với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch kèm theo nên đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách. Trong đó hoạt động múa lân là phổ biến hơn cả. Các hoạt động làm nghề truyền thống như đầu lân, mặt nạ ông địa, dán lồng đèn tập trung cao điểm trong thời gian này. Những điều này cũng góp phần giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Cùng với lễ hội Nguyên tiêu, lễ hội Trung thu được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 14/2/2023. Tính đến thời điểm hiện tại, Hội An đã có tổng cộng 6 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia: yến Thanh châu, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, lễ hội Nguyên tiêu, tết Trung thu.
Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An