Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Món ăn của bà con người Hoa trong dịp Tết

Từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII một số thương nhân, thợ thủ công, quan lại từ các tỉnh vùng Nam Trung Hoa (Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam) đã lần lượt đến định cư, buôn bán ở Hội An.
MỘT SỐ MÓN ĂN CỦA BÀ CON NGƯỜI HOA Ở HỘI AN TRONG DỊP TẾT
 
Bà con người Hoa là một bộ phận cư dân có vai trò quan trọng ở Đô thị cổ Hội An. Từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII một số thương nhân, thợ thủ công, quan lại từ các tỉnh vùng Nam Trung Hoa (Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam) đã lần lượt đến định cư, buôn bán ở Hội An. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, họ đã được các chúa Nguyễn cho phép lập ở Hội An một khu phố riêng để cư trú, buôn bán. Khu phố này có tên là phố Khách hoặc Đường Nhơn phố. Phố Khách cùng với phố Nhật, tạo thành hai khu phố ngoại kiều quan trọng ở thương cảng Hội An trong các thế kỷ trước đây. Trải qua quá trình chung sống, giao lưu tiếp xúc văn hóa, bà con người Hoa đã chung tay góp sức cùng nhân dân địa phương xây dựng thương cảng Hội An thành nơi đô hội vang bóng một thời và để lại tại Hội An nhiều dấu ấn văn hóa sâu sắc, cả trên hai phương diện vật thể và phi vật thể.
 Hội quán Phước Kiến
 
          Về phương diện vật thể, bà con người Hoa đã xây dựng nên các đền miếu hội quán mang đậm phong cách kiến trúc Nam Trung Hoa mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra trên các đường phố cổ Hội An.
 
Hội quán Triều Châu
 
          Về phương diện phi vật thể là các phong tục - tập quán, các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, các món ăn truyền thống của bà con người Hoa hiện đang được bảo lưu khá phong phú ở địa phương.
          Riêng về văn hóa ẩm thực, có thể nói rằng trong truyền thống ẩm thực “Hội An trăm vật trăm ngon” có sự góp phần rất lớn của bà con người Hoa. Vai trò này thể hiện trước hết ở chỗ, bà con người Hoa là những người đã truyền tải, phổ biến nhiều món ăn, nhiều kinh nghiệm ẩm thực từ bên ngoài vào Hội An. Một số tư liệu cổ niên đại thế kỷ XVIII cho biết, thời bấy giờ nhiều khách buôn Trung Hoa ở Hội An đã mang tặng quan lại địa phương những món ăn có nguồn gốc từ Trung Hoa như bán vân phiến, bún Phúc Kiến, bột đậu Đường sơn, tư Thái Lan như đậu Xiêm, từ phương Tây như nho khô v.v... Mặt khác, với kinh nghiệm ẩm thực sẵn có, với nguồn nguyên liệu phong phú tại chỗ, bà con người Hoa đã chế biến, sáng tạo nên một số món ăn mới mang tính địa phương, trong đó một số món ngày nay đã trở thành đặc sản như bánh in bột đậu, bánh nướng, xí mà, lục tàu xá, lường phảnh, hoành thánh v.v...
  
Bánh đậu xanh
 
          Hàng năm, nhân dịp xuân về, bà con người Hoa có tục lệ chế biến một số món ăn riêng để cùng gia đình, bạn bà chung vui đón Tết. Đó là các món ăn như phậc - xồi, cơm Dương Châu, bún xào Phúc Kiến, khoai nhục, chè trôi nước, cá hấp... Như những châu quít quả vàng rực rỡ gắn với ý nghĩa đại cát, dĩa dưa hấu đỏ tươi báo hiệu những điều may mắn, tốt lành, các món ăn này cũng nhằm thể hiện những ý nghĩa cát tường do cách đặt tên hoặc do hiện tượng đồng âm. Món cơm Dương Châu được đặt tên là Kim ngọc mãn đường nhằm cầu chúc một năm mới dư đủ, thịnh vượng, vàng bạc đầy nhà. Món thịt heo quay được gọi là Hồng phúc tề thiên, món mì xào, bún xào là Phú quý trường thọ - những lời chúc tốt lành đầu năm về một cuộc sống sung túc, hạnh phúc lâu bền.
          Hiện tượng đồng âm cũng được vận dụng để thể hiện những ý nghĩa cát tường qua các món ăn. Món phác - xồi được ưa chuộng vào dịp tết do cách phát âm gần giống với từ “phát tài”, món cá hấp, chè trôi nước, phát âm gần giống với từ “hữu dư” luôn luôn dư đủ. Đây là những lời chúc tốt đẹp ai cũng ước mong được đón nhận vào dịp năm mới...
          Các món ăn và những tục lệ liên quan đến các món ăn trong dịp tết của bà con người Hoa là hình thái văn hóa phi vật thể rất đáng quan tâm. Nó góp phần minh chứng cho sự phong phú, đa dạng về truyền thống ẩm thực của phố cổ Hội An cũng như sự hấp dẫn, độc đáo của truyền thống này. Có lẽ không đâu trên đất nước ta, những tục lệ ẩm thực với những nét riêng liên quan đến người Hoa lại được bảo lưu đậm nét đến như vậy. Việc xúc tiến nghiên cứu đưa vào kế hoạch bảo tồn, phát huy bộ phận di sản này là hết sức cần thiết nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị của Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa Thế giới nói chung, di sản văn hóa ẩm thực Hội An nói riêng đến với mọi người

Tác giả bài viết: Trần Văn An

Nguồn tin: CAĐN