Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


“Thương cảng Hội An xưa và nay” với sáng tạo của nghề thủ công

Cuộc triển lãm của hai nghệ sĩ Hội An và Nhật Bản mang đến câu chuyện thú vị về một thương cảng Hội An xưa và nay qua góc nhìn nghệ thuật và sự sáng tạo của các nghệ nhân với nghề thủ công mỹ nghệ.

147819họa sĩ Ami Yasugahira và nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận tại không gian trưng bày Thương cảng xưa của Thuận

 

Lê Ngọc Thuận và Ami Yasugahira tại tác phẩm điêu khắc gỗ “Thương cảng Hội An xưa” của Lê Ngọc Thuận 

Hoạt động giao lưu nghệ thuật giữa Trưng bày điêu khắc gỗ “Thương cảng Hội An xưa” của nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận (Hội An) và Triển lãm Tempera Art của nữ họa sĩ Ami Yasugahira (Nhật Bản) diễn ra từ ngày 4-6.8 tại Khu phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam là một minh chứng thú vị cho nỗ lực của Hội An với mục tiêu hướng tới gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. 
Với lĩnh vực đề xuất là nghệ thuật dân gian và nghề thủ công, bên cạnh duy trì bản sắc truyền thống, thành phố này thực sự đang trở thành nơi hội tụ cho nghệ sĩ sáng tạo trong nước và quốc tế về với Hội An.

147817họa sĩ Ami Yasugahira bên tác phẩm điêu khắc của Lê Ngọc Thuận

 

Nữ họa sĩ Ami Yasugahira thưởng thức tác phẩm điêu khắc từ củi lũ của Lê Ngọc Thuận

Lê Ngọc Thuận là nghệ sĩ tự do, người Hội An, là người sáng lập không gian Coco Casa Collection và Làng Củi lũ tại Hội An. 
Những tác phẩm điêu khắc gỗ được trưng bày với chủ đề “Thương cảng Hội An xưa” tại lần hợp tác triển lãm với nghệ sĩ Nhật Bản Ami Yasugahira được lấy cảm hứng từ những ảnh hưởng của Nhật Bản đối với văn hóa nghệ thuật của Hội An và với cá nhân nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận. 
Chất liệu củi lũ được dùng để sáng tác chính là những phần của thân, cành cây lớn, hoặc những khúc gỗ vụn được tìm thấy trôi dọc theo sông từ thượng nguồn-nơi đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu ở vùng núi Trường Sơn sinh sống. Nghệ thuật điêu khắc gỗ của đồng bào Cơ Tu là một trong những văn hóa độc đáo, riêng biệt, mang dấu ấn đặc sắc. 
“Hầu hết gỗ trôi từ thượng nguồn đều đến hạ lưu sông Thu Bồn- Hội An. Dòng sông mang theo củi lũ cũng chính là dòng chảy văn hóa mà tôi và những người thợ ở làng nghề mộc Kim Bồng, Cẩm Kim, Hội An đã được cảm thụ, tiếp nhận và sáng tạo, thổi hồn vào những tác phẩm, không gian nghệ thuật của Làng Củi Lũ”, Lê Ngọc Thuận chia sẻ. 
Niềm đam mê lâu dài và sâu sắc đối với những thanh củi, gỗ trôi theo dòng nước lũ được vớt lên để “tái sinh” một cuộc đời mới, cùng với mong muốn bảo tồn nghề điêu khắc gỗ truyền thống của Việt Nam đã thôi thúc Lê Ngọc Thuận khám phá lĩnh vực nghệ thuật này, để từ đó sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới, độc đáo và khác biệt. 
“Mỗi tác phẩm được hình thành không chỉ vì giá trị thị trường mà còn mang giá trị văn hóa sâu sắc và kể một câu chuyện ý nghĩa về hành trình của một khúc gỗ xuôi dòng Thu Bồn….Và đây là nơi cuộc hành trình của làng Củi Lũ bắt đầu”, anh Thuận tâm sự. 

Tại làng, củi lũ được tận dụng để tái sinh thành những tác phẩm nghệ thuật thú vị và có giá trị dựa theo những đường nét tự nhiên của gỗ, được lấy cảm hứng từ các nền văn hóa truyền thống của địa phương. Cũng như sự tiếp biến, ảnh hưởng, cảm nhận trong giao lưu văn hóa nghệ thuật với dấu ấn văn hóa Nhật Bản trên vùng đất thương cảng Hội An xưa. 

147818họa sĩ Ami Yasugahira và nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận bên những tác phẩm của họa sĩ Ami 2

 

Lê Ngọc Thuận và Ami Yasugahira thưởng thức các tác phẩm hội họa của Ami Yasugahira

Được biết triển lãm này là một trong chuỗi những hoạt động nằm trong sự kiện “Giao lưu Văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 19”, diễn ra từ ngày 4-6.8 tại Khu phố cổ Hội An do UBND TP Hội An phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng và các đơn vị, địa phương Nhật Bản tổ chức. 
Tại sự kiện lần này, sự kết hợp giữa họa sĩ Nhật Bản Ami Yasugahira và nghệ sĩ Hội An Lê Ngọc Thuận là một trong những hoạt động giao lưu thú vị, minh chứng rõ ràng của quá trình giao lưu quốc tế- một câu chuyện đã trở thành nét đặc trưng của vùng đất này.
Nữ họa sĩ  Ami Yasugahira sinh năm 1980 tại tỉnh Iwate, tốt nghiệp Cao học ngành Sư phạm, chuyên ngành giáo dục nghệ thuật Đại học quốc gia Iwate. 
Từ năm 2003, nữ họa sĩ đã tích cực tham gia các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm và hội thảo về vật liệu kỹ thuật. Năm 2021, cô đã dành tặng bức tranh vẽ 16 loại cây thuốc cho đền Tsushima ở TP Hanamaki, tỉnh Iwate, Nhật Bản.  Năm 2022, nữ họa sĩ đã tổ chức các triển lãm cá nhân “Ikimono Koyomi-Biologcal Calendar”; “Triển lãm nghệ thuật đương đại Iwate ol.11-3 Ami Yasugahira”,…
Các tác phẩm nghệ thuật của Ami Yasugahira sử dụng tông màu nền vàng của tranh sơn dầu, một kỹ thuật hội họa cổ điển của phương Tây với các họa tiết như động vật, thực vật và phong cảnh quen thuộc. Đặc biệt tập trung vào mối quan hệ giữa không gian và tác phẩm, biến không gian triển lãm thành một tác phẩm xa hơn. 

147816362699449 322942703422675 7046046623498558589 n (1)

 

Tác phẩm điêu khắc di tích Chùa Cầu của Thuận (bên trái) và tranh của Ami Yasugahira (bên phải) 

Sự kết hợp của hai nghệ sĩ trong một không gian hài hòa về màu sắc, tôn vinh các hoạt động nghề thủ công điêu khắc gỗ, kỹ thuật tranh sơn dầu, cũng như đề cao yếu tố xanh bảo vệ môi trường. 
“Thật thú vị khi kết hợp triển lãm các tác phẩm sơn dầu về phong cảnh, thiên nhiên của tôi trong không gian trưng bày nghệ thuật điêu khắc gỗ thủ công truyền thống đặc trưng của Hội An, đặc biệt hơn nữa qua sự sáng tạo tài tình của nghệ sĩ người Hội An, anh Lê Ngọc Thuận, đã mang lại những thanh củi lũ tưởng vô tri, vứt đi được tái sinh trong một không gian, đời sống nghệ thuật mới”, nữ họa sĩ Ami Yasugahira bày tỏ sự thích thú trước những tác phẩm điêu khắc của Thuận. 
Hội An là vùng đất mang nhiều giá trị lịch sử đặc trưng, là nơi thể hiện sự giao thoa văn hóa đa dạng, đặc biệt trong thời kỳ Hội An là thương cảng quốc tế, các thương nhân Nhật Bản đã đến và để lại những dấu ấn văn hóa tại đây, tạo tiền đề cho sự gắn kết thâm tình giữa Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung trong mối quan hệ với Nhật Bản đến ngày nay.
Các chương trình triển lãm, giao lưu chú trọng đến chất liệu truyền thống, sáng tạo phù hợp như sự kết hợp giữa Lê Ngọc Thuận và  Ami Yasugahira là một sự kết hợp thú vị, tạo không gian, cơ sở để học hỏi, phát triển nền nghệ thuật dân gian tại địa phương ngày một đặc sắc hơn khi tham gia mạng lưới sáng tạo toàn cầu. 

KHÁNH CHI