Giao thoa Việt - Nhật giữa lòng Hội An
- Thứ sáu - 18/11/2016 13:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lớp học đặc biệt trong ngôi nhà cổ ở Hội An
Cuối giờ chiều, phố cổ trở nên đông đúc hơn, các phương tiện cơ giới bị cấm vào khu phố đi bộ. Đèn lồng bắt đầu thắp lên huyền ảo, lung linh. Mỗi khi ngang qua căn nhà cổ số 39 Nguyễn Thái Học, du khách bất chợt dừng lại rất lâu trước tấm biển hiệu Lớp học tiếng Nhật miễn phí.
Dạy trẻ cầm đũa, cầm bút, xem bản đồ…
Đúng 17 giờ, nhóm học sinh của ca học đầu tiên có mặt. Lớp được chia thành hai ca (mỗi ca học 1 giờ đồng hồ). Cô bé Thu Hiền (11 tuổi) ghé tai tôi “Thầy vui tính lắm nhưng rất đúng giờ nên tụi con phải kêu nhau đi học đúng giờ”. Đã thành quen, mỗi ngày cứ đến giờ này Hiền cùng nhóm bạn đạp xe đến để tham gia lớp học. Người đàn ông luống tuổi, chân mang guốc gỗ mở cửa đón học trò không quên nở nụ cười tươi. Trong bộ trang phục áo sơ mi, quần tây chỉnh tề, mái tóc điểm bạc và đôi mắt tinh anh ẩn sau gọng kính, chân đi đôi dép gỗ truyền thống của người Nhật Bản, ông là Abe Toru (77 tuổi). Căn phòng ấm áp, bàn ghế được bày biện sẵn. Hồng Nhung (trợ giảng) cho hay, bao giờ cũng vậy, ông luôn là người đến sớm nhất tự tay sắp bàn ghế và cũng là người về muộn nhất, khi đã thu dọn mọi thứ.
Không cần đến những cuốn giáo trình cứng nhắc bởi bài học truyền lại cho các em là cách cầm đũa, cầm bút, gấp giấy, xem bản đồ, những câu chào hỏi, hát bài hát Nhật…“Các bạn trẻ Việt Nam rất thông minh, các em thiếu nhi cũng vậy. Để phát triển bản thân trong tương lai, ngoài kiến thức thì điều rất cần nữa là kỹ năng. Và chúng tôi muốn truyền lại cho các bạn nhỏ những điều đó hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn sau này”.
Suzuki tâm sự
Không đợi thầy nhắc, các em học sinh nhanh chóng tìm chỗ ngồi ngay ngắn. Abe Toru cẩn thận mở sổ, gọi tên điểm danh từng em học sinh. Sỹ số 10 em đều có mặt đầy đủ. Những ánh mắt đen lay láy chăm chú từng cử chỉ của thầy, đón đợi những bài học mới thú vị. Ở đây, ngoài những kiến thức cơ bản về tiếng Nhật, các em được tham gia các trò chơi, tìm hiểu văn hóa, đạo đức, lễ nghi người Nhật, cùng các kỹ năng sống.
Sau màn chào hỏi bằng tiếng Nhật, cả lớp hứng thú khi được trải nghiệm với đôi guốc gỗ của thầy. Những đôi chân bé xíu xỏ vào đôi guốc, tiếng lộp cộp phát ra sau mỗi bước chân khiến các em cảm thấy thích thú. Tiếng cười giòn tan của cả thầy và trò. Geta – một loại guốc gỗ truyền thống của người Nhật Bản, được mang khi trời mưa hoặc tuyết để giữ bàn chân khô, do chiều cao và độ chống thấm. Khi đi, geta tạo nên một thanh âm rất đặc trưng. Khi nghe cô giáo trợ giảng Cao Thị Hồng Nhung dịch lại ý nghĩa khiến cả lớp reo lên thích thú. Cùng với hoa anh đào, áo Kimono thì những chiếc guốc geta là một phần cuộc sống không thể thiếu của xứ sở mặt trời mọc. Nó như một đôi sandal được làm từ gỗ và một sợi dây vải xiên qua 3 lỗ để giữ bàn chân.
Phạm Võ Hồng An (10 tuổi), chia sẻ “Học ở đây rất thú vị, chúng em không cảm thấy căng thẳng vì hoàn thành cả đống bài tập. Chúng em được học cách chào hỏi bằng tiếng Nhật, và tham gia các trò chơi hấp dẫn, cuốn hút lắm”.
Hướng dẫn học trò về nghệ thuật xếp giấy origami
Abe Toru lại tiếp tục lôi xấp giấy nhiều màu sắc từ trong chiếc túi và phát đều cho các em học sinh. Bài học hôm nay sẽ giới thiệu về nghệ thuật xếp giấy origami Nhật Bản. Người Nhật học origami để rèn cho mình sự cẩn thận, kiên nhẫn và cả nét điềm tĩnh trong tính cách. Những xếp giấy nhiều màu sắc dưới đôi tay tài hoa phút chốc đã biến thành những chú chim, heo nhiều màu sắc đẹp mắt khiến cả lớp trầm trồ. Thầy chậm rãi nhắc lại các bước để học trò thực hành. Loay hoay mãi, cậu bé Vũ Chấn Hưng (11 tuổi) vẫn không thể tạo ra những hình thù như mong đợi. Abe lắc đầu cười, bước lại gần bên rồi ân cần hướng dẫn.
Abe Toru cho biết, ông vốn là một kỹ sư. Cách đây 13 năm ông đến Việt Nam và bị thu hút bởi cảnh đẹp và con người Việt nên quyết định mở công ty và ở lại làm việc tại TPHCM. Nay đến tuổi nghỉ hưu, ông giao lại công việc cho những người trẻ và muốn làm việc gì đó có ích thay vì khoảng thời gian hưu rảnh rỗi. “Tôi muốn làm một điều gì đó có ích chứ không phải là những ngày nhàn rỗi nhàm chán. Và tôi được một anh bạn giới thiệu công việc này” – Abe Toru chia sẻ.
Anh bạn mà ông nhắc đến là Hyrorata, trưởng đoàn nghệ thuật Tokyo Shirubakai. Hyrorata từng mở nhà hàng món Việt ở bên Nhật, và từng là chủ nhà hàng Nhật Bản tại TPHCM. Trong mối quan hệ công việc, nhận thấy sự cần thiết trong giao tiếp tiếng Nhật nên quyết định hỗ trợ bạn trẻ Việt có nhu cầu. Một lớp học tiếng Nhật miễn phí dành cho người đi làm được mở tại căn nhà thuê ở số 208 đường Nguyễn Tri Phương, TP Hội An. Lớp học duy trì được khoảng nửa năm nay, thu hút đông bạn trẻ, người đi làm tham gia. Cho đến khi lớp học tiếng Nhật miễn phí cho thiếu nhi được mở tại đây thì các thầy giáo “bất đắc dĩ” này thay phiên nhau đảm nhận cả hai lớp.
Nét đẹp giao thoa văn hóa giữa lòng phố cổ
Ông Suzuki (69 tuổi) hôm nay vừa có buổi làm quen các em nhỏ trong lớp. Nụ cười luôn thường trực trên môi cùng ánh mắt ấm áp khiến ông tạo nhiều cảm tình với các học trò. Ông nói đang cảm thấy rất hào hứng với những buổi học cùng các bạn nhỏ. Không cần đến những cuốn giáo trình cứng nhắc bởi bài học truyền lại cho các em là cách cầm đũa, cầm bút, gấp giấy, xem bản đồ, những câu chào hỏi, hát bài hát Nhật… “Các bạn trẻ Việt Nam rất thông minh, các em thiếu nhi cũng vậy. Để phát triển bản thân trong tương lai, ngoài kiến thức thì điều rất cần nữa là kỹ năng. Và chúng tôi muốn truyền lại cho các bạn nhỏ những điều đó, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn sau này” – ông chia sẻ.
Khoảnh khắc thầy trò chơi mà học. Ảnh: H. Văn
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao TP Hội An cho biết, lớp học chính thức khai giảng từ ngày 24/10/ 2016 với tên gọi Terakoya, do Phòng Giáo dục – Đào tạo phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao TP Hội An tổ chức. Có 40 em tham gia lớp học, mỗi lớp 10 em. Thầy giáo đứng lớp là những người Nhật dạy miễn phí cho các em học sinh.
Lớp học xuất phát từ ý tưởng của các thành viên đoàn nghệ thuật Tokyo Shirubakai trong chuyến thăm Hội An nhân sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản (năm 2015) với hy vọng sẽ có một thế hệ tương lai ở Hội An tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị được ví như mối duyên lành giữa hai dân tộc. Theo đó, lớp học sẽ duy trì trong 10 năm. “Ngoài dạy tiếng Nhật và các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống các em học sinh được khám phá, tìm hiểu văn hóa, đạo đức lễ nghi của người Nhật Bản, là nét giao thoa văn hóa đẹp ở giữa lòng phố cổ” - ông Phùng nói.
Hoài Văn