Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Tổ chức dạy chữ Hán – Nôm miễn phí trong khu phố cổ Hội An

Trong nhiều năm qua, vào đêm 14 âm lịch hàng tháng, thành phố Hội An đã tổ chức thành công các “Đêm phố cổ” với những hoạt động văn hóa – nghệ thuật- thể thao truyền thống, tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp đến với du khách trong nước và quốc tế.
 “Đêm phố cổ” đã trở thành một thương hiệu, một sản phẩm văn hóa- du lịch độc đáo riêng có của thành phố Hội An, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của người dân phố Hội.
Nhằm phát huy và nâng cao chất lượng nội dung hoạt động của “Đêm phố cổ”, đồng thời tăng cường quảng bá loại hình nghệ thuật thư pháp, Trung tâm Văn hóa – Thể thao Hội An đã tổ chức lớp dạy thư pháp  Hán – Nôm miễn phí, hoạt động vào đêm 14 âm lịch hàng tháng ngay tại trung tâm khu phố cổ.
Bà Nguyễn Thị Nhung, phó giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao cho biết: “Đây là lớp dạy viết và đọc chữ Hán – Nôm với ngữ liệu tham khảo là các hoành phi, câu đối, văn bia trong di tích cổ Hội An. Các học viên sẽ được học cách vận bút và bố cục trong nghệ thuật thư pháp. Học viên của lớp là những du khách, các sinh viên, học sinh trong các trường Đại học, Cao đẳng, các trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hội An.”

Lớp học Hán - Nôm miễn phí - Ảnh: Kiếu Thị Hoài
 
Đến nay, lớp học chữ Hán Nôm đã thu hút được các học viên đến từ khoa Ngữ văn – truyền thông và khoa Tiếng Trung của trường Đại học Phan Châu Trinh. Ông Phạm Thúc Hồng, giáo viên lớp thư pháp Hán - Nôm miễn phí cho biết “Hầu như các em sinh viên khi đến đây đều đã qua một khoá học chữ Hán ở trường đại học, tôi chỉ luyện cho các em nghệ thuật viết chữ đẹp. Để viết được chữ Hán đẹp, cần phải có bố cục cân đối, hài hoà giữa nét đậm, nét nhạt, giữa nét nhỏ, nét xước và đặc biệt là phải luyện được cái tâm thư thái trong khi vận bút”.
Ông Hồng là người Hội An, đã từng xuất bản nhiều tác phẩm biên dịch và khảo luận như “Văn học Hán Nôm trong di tích cổ Hội An” (NXB Đà Nẵng, 2008), “Chùa Cầu Hội An - cổ sự giao lưu văn hoá Việt - Nhật - Trung” (NXB Đà Nẵng, 2009), “Đình tiền hiền Minh Hương Hội An” (NXB Đà Nẵng, 2010)... Ông Hồng tâm sự “Tôi đến với lớp dạy thư pháp này vì muốn truyền tới thế hệ trẻ niềm đam mê nghệ thuật viết chữ Hán và cũng muốn qua đây giới thiệu với du khách một nét đẹp trong văn hoá Hội An xưa”.
Nhiều du khách, sau khi ghé vào lớp học gần chùa Cầu xem ông dạy học trò cách viết, nếu ngỏ lời xin chữ, ông Hồng không những sẵn lòng viết tặng mà còn giảng giải về ngữ nghĩa của chữ cũng như nói về vẻ đẹp của chữ đó cho du khách.

Tác giả bài viết: Khiếu Thị Hoài