Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Nhân ngày Hội An tại TPHCM - Nhớ về các nhạc sĩ Phố Hội

Nhân Ngày Hội An tại TPHCM, chúng tôi chợt nhớ tới những ca khúc nổi tiếng rung lên từ phố Hội. Hội An còn có tên Faifo hay phố Hoài mà trong phố cổ êm đềm đó, có những nhạc sĩ tài danh để lại cho nền âm nhạc Việt Nam những ca khúc lưu truyền, những thanh âm tình tứ còn vang vọng mãi trong lòng người hâm mộ trong cũng như ngoài nước.

Bắt đầu là Xuân và tuổi trẻ của La Hối. La Hối sinh năm 1920 tại Hội An, trong một gia đình gốc Quảng Đông. Ngay từ nhỏ ông đã thể hiện năng khiếu về âm nhạc. Trong những năm 1936-1938, La Hối học ở Sài Gòn, thời gian này ông có dịp học hỏi, trau dồi âm nhạc cổ điển phương Tây. Năm 1939, La Hối và các bạn thành lập Hội Yêu nhạc với một số nhạc sĩ nổi tiếng bây giờ như Dương Minh Ninh, tác giả ca khúc Gấm vàng; Lê Trọng Nguyễn, tác giả Nắng chiều; Lan Đài, tác giả Chiều tưởng nhớ.

Năm 1945, La Hối gia nhập và trở thành một trong những người lãnh đạo một tổ chức chống phát xít Nhật. Ông cùng các đồng đội in truyền đơn, nổ bom, phá đường, phá cầu, tập kích quân đội Nhật. Tháng 5-1945, La Hối và 10 đồng chí bị hiến binh Nhật bắt. Sau đó, tất cả bị xử bắn, chôn chung một mộ tại chân núi Phước Tường, nay đã được cải táng về Nghĩa trang liệt sĩ ở Hội An. Khi ấy ông vừa mới 25 tuổi.

Nhạc phẩm Xuân và tuổi trẻ của ông vốn do Diệp Truyền Hoa đặt lời tiếng Hoa. Sau khi ông mất, nhà thơ Thế Lữ đến Quảng Nam, biết được gương hy sinh dũng cảm của ông, đã xúc động đặt lời Việt cho ca khúc. Ngoài Xuân và tuổi trẻ, La Hối còn một ca khúc khác là Xuân sắc quê hương.

Sau La Hối là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Ông sinh ngày 1-5-1926 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Trước 1954, Lê Trọng Nguyễn từng phụ trách âm nhạc cho toàn thể Liên khu 5 gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, rồi về cư trú tại Hội An.

Lê Trọng Nguyễn dạy âm nhạc tại Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu ở Hội An, sau khi theo học hàm thụ Trường École Universelle của Pháp. Ngoài ca khúc nổi tiếng Nắng chiều, còn có bài hát đầu tay là Ngày mai trời lại sáng hay bản Sóng Đà Giang. Đà Giang trong bài hát là dòng sông Thu Bồn chảy xuống Hội An. Tuy là nhạc sĩ nhưng ông còn giỏi kinh doanh.

Từ năm 1965-1973, ông làm giám đốc nhiều công ty kinh doanh thành đạt. Trước khi đi định cư và mất ở Hoa Kỳ ngày 9-1-2004, ông mở lớp dạy nhạc và sản xuất đàn guitare gỗ ở TPHCM. Tác phẩm Nắng chiều không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà nó còn được biết tới nhiều ở Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan và ở Hồng Công (Trung Quốc) với tên Bản tình ca Việt Nam. Nắng chiều cũng là ca khúc trong bộ phim cùng tên năm 1971 của đạo diễn Lê Mộng Hoàng với sự tham gia diễn xuất của diễn viên nổi tiếng Thanh Nga.

Kế thừa hai bậc thầy, anh sinh viên Vũ Đức Sao Biển luôn nhắc nhớ rằng mình là học trò của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Vũ Đức Sao Biển tên thật là Vũ Hợi, sinh tại Tam Kỳ, QuảngNam. Năm 18 tuổi, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm ban Việt - Hán và học Đại học Văn khoa, ban Triết học phương Đông. Năm 1970, ông tốt nghiệp và đến Bạc Liêu dạy học các môn văn và triết học, cho đến năm 1975 thì ông rời khỏi nơi này.

Mười năm sau ông trở lại Bạc Liêu và cho ra đời các ca khúc về Bạc Liêu như: Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên, Điệu buồn phương Nam... đều là những tác phẩm được nhiều người yêu mến. Nhưng ca khúc được Đài BBC bầu chọn là 1 trong 50 bản tình ca hay nhất thế giới là Thu hát cho người lại do anh sáng tác nơi một đồi sim huyện Quế Sơn gần Hội An. Ngoài sáng tác ca khúc, anh còn dạy học, viết báo và nghiên cứu phê bình để có biệt danh “nhà Kim Dung học”. Anh hiện đang được các đài truyền hình trung ương và địa phương mời thực hiện các phim tư liệu về tác giả và tác phẩm trên lĩnh vực âm nhạc.

Tác giả bài viết: LÊ VĂN SÂM

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An