Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Hội tụ cảm xúc

Tối qua 21.8, lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 9 đã khép lại. Một ngày trước đó, lễ khai mạc diễn ra bên dòng sông Hoài kéo theo những hoạt động sôi nổi mà dư âm để lại thể hiện về mối thâm giao giữa 2 nước từ những thế kỷ trước vọng lại hôm nay như một mối cơ duyên…

Không khoảng cách

Dường như trong suốt những lần diễn ra lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản trời đều đổ mưa. Những cơn mưa cuối hè đầu thu vẫn không thể ngăn người dân phố cổ, du khách và những người bạn Nhật đến với lễ hội. Trong đêm 20.8, quảng trường bên cầu An Hội chật kín chỗ. Hàng nghìn người với đủ màu da, sắc tộc đã tập trung về đây cùng thưởng ngoạn một không gian văn hóa đậm đà sắc thái truyền thống của 2 nước Việt Nam - Nhật Bản. Ông Kitamura Toshihiro, tham tán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi vô cùng xúc động trước sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền cũng như sự nhiệt tình của người dân Hội An. Đây  cũng chính là điều thể hiện sự đồng cảm và nét giao hòa văn hóa giữa 2 nước”.

alt
Chương trình nghệ thuật tại sân khấu An Hội.                                  Ảnh: MINH HẢI

Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhiều hội thảo được tổ chức như hội thảo quản lý chất thải rắn và giáo dục môi trường tại Hội An; giải pháp thu hút khách du lịch Nhật Bản đến Hội An… nhận được sự quan tâm của chính quyền cũng như cư dân phố cổ. Đặc biệt, buổi hòa nhạc từ thiện ủng hộ nạn nhân bị thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách. Khuôn viên Tam Tam cà phê vừa đủ rộng để nhận những “tấm chân tình” gửi đến người dân Nhật. Nari Chikako - tình nguyện viên JICA cũng đến Hội An trong những ngày này và cùng chung tay với các bạn Nhật khác tổ chức nhiều chương trình. “Mình đến Hội An từ ngày 18.8 và cùng các bạn lên kế hoạch tổ chức chương trình tại phố cổ. Mình có cảm giác đang ở trong “phố người Nhật” đã từng tồn tại cách đây hàng trăm năm”.

Sự kiện giao lưu văn hóa Việt - Nhật đã trở thành một nếp sinh hoạt thân thuộc đối với cư dân phố cổ. Các em học sinh, sinh viên trở thành những người “hợp tác” tốt nhất trong mỗi hoạt động. Trong triển lãm sản phẩm tái chế từ rác thải, nhiều học sinh của trường THCS Kim Đồng hồ hởi đến đây và cùng các anh chị tạo nên  những sản phẩm từ giấy vụn, dây nhựa. Trong khi đó, ở góc phố Châu Thượng Văn, những chiếc cốc, hình họa được các bạn Nhật hướng dẫn theo kiểu gấp giấy origami thu hút cả người lớn. Tại những góc phố, các trò chơi dân gian Việt Nam - Nhật Bản trở thành những điểm “tao ngộ” của phần lớn khách du lịch, cư dân phố cổ và những bạn Nhật.

Giao hòa văn hóa

Tuy không có nhiều hoạt động như những lần giao lưu trước, nhưng những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 9 vẫn để lại dấu ấn trong lòng mỗi người đến với phố cổ vào trung tuần tháng 8 này. Không có gian trà đạo Nhật Bản, thay vào đó là gian trưng bày thư pháp thơ Haiku - đặc trưng văn học Nhật Bản. Những cô bạn sinh viên trường Đại học Phan Châu Trinh cứ mê mẩn mỗi khi đứng trước những bài thơ Haiku súc tích đầy hàm chứa.

alt
Các tình nguyện viên JICA tổ chức trò chơi cho trẻ em.                                 Ảnh: SONG ANH

Đoàn nghệ thuật múa dân gian đến từ thành phố Sakai - Nhật Bản với điệu múa Bon truyền thống đã kéo khán giả nhảy múa theo từng điệu nhạc. Tiếp sau đó, cô ca sĩ Nao Ishikawa cùng các em thiếu nhi Hội An hòa giọng trong hợp ca “Sukizaki” (“Nhìn về phía trước mà thẳng tiến”) thể hiện tính cách lạc quan - tinh thần Nhật Bản đã nhận được sự khen ngợi không ngớt từ phía khán giả. Nhóm DJ - Samurai Nhật Bản đã trình tấu những tiết mục đặc sắc của nền âm nhạc truyền thống Nhật Bản.

Sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 9 năm 2011 do UBND TP.Hội An phối hợp Đại sứ quán Nhật Bản (EOJ), Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (JF), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), TP.Sakai, Hiệp hội Giao lưu quốc tế TP.Sakai, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại miền Trung Việt Nam, trường Đại học nữ Chiêu Hòa, Viện Nghiên cứu nhân lực tại Việt Nam, Công ty TNHH YX và nhiều tổ chức khác đồng tổ chức.

Với bản sắc riêng của mình, người dân Hội An gửi đến các bạn Nhật tiết mục thái cực quyền và thái cực kiếm. Màn biểu diễn vừa rèn luyện thể chất vừa di dưỡng tinh thần, dựa trên nền tảng âm dương tương sinh, hài hòa, gắn với phần cốt lõi của triết lý nhu thuật Á Đông do Câu lạc bộ dưỡng sinh Hội An thể hiện. Bên cạnh đó, tiết mục hát bội “Truyền thuyết con cù”, của tác giả Phùng Tấn Đông do Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An biểu diễn, kể về truyền thuyết xây dựng công trình Chùa Cầu thu hút khán giả. Câu chuyện trên thể hiện truyền thống trị thủy của các dân tộc Á Đông, qua đó cũng nói lên tình hữu nghị cùng nhau chia sẻ lúc gian nan, hiểm họa của các dân tộc, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản.

Trong “không gian văn hóa Việt”, các nghệ nhân Hội An đã “trình làng” các sản phẩm truyền thống như gốm, đan lát, mộc, đèn lồng… Mỗi sản phẩm đều là tinh hoa của những nghệ nhân phố cổ muốn ra mắt các bạn Nhật và du khách. Nhiều du khách phương Tây cũng say mê với từng tác phẩm phù điêu, từng chiếc đèn lồng. Trong 2 ngày của lễ hội, chương trình “Phố đêm Hội An” thật sự là điểm nhấn ấn tượng. Cả phố cổ chỉ còn những chiếc đèn lồng lung linh huyền ảo và tiếng sáo, tiếng đàn ghi ta, đàn tranh... lúc gần, lúc xa văng vẳng trên con phố cổ. Người đi bộ dường như được tận hưởng tất cả không khí lắng đọng trên từng góc phố, mái ngói rêu phong...

Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, sau 9 lần tổ chức, lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật đã trở thành ngày hội mà người dân Hội An mong chờ vào trung tuần tháng 8 hằng năm.

Tác giả bài viết: SONG ANH - ANH TRÂM

Nguồn tin: www.zing.vn