Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Gìn giữ những giá trị lâu bền

Di tích lịch sử - văn hóa là bản "thông điệp" được vật chất hóa của ông cha gửi lại cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau; là một thành tố quan trọng thể hiện sinh động và cụ thể bản sắc văn hóa của dân tộc. Cả nước hiện còn hơn 40 nghìn di tích được kiểm kê, trong đó có hơn 6.000 di tích cấp tỉnh, hơn 3.000 di tích cấp quốc gia, 10 di tích (xếp hạng đợt I) cấp quốc gia đặc biệt, sáu khu di sản được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Do những nguyên nhân khác nhau, nhiều di tích đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

 

 

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa đã huy động được một nguồn lực không nhỏ (ước khoảng 30% so với tổng vốn đầu tư của Nhà nước) cho việc chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích. Kết quả là gần 2.000 lượt di tích được chống xuống cấp, hàng trăm di tích quan trọng thuộc các thời kỳ lịch sử khác nhau đã được tu bổ, tôn tạo. Một số di tích đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Thí dụ, trước đây Khu di tích Cố đô Huế năm cao nhất cũng chỉ thu được sáu tỷ đồng từ tiền vé tham quan và các dịch vụ khác, hiện nay thu được hơn 80 tỷ đồng. Việt Nam cũng đã nhận được sự hợp tác và giúp đỡ của chuyên gia nhiều tổ chức quốc tế và các nước như Nhật Bản, Pháp, I-ta-li-a, Ðức, Ba Lan... trong công tác tu bổ, phục hồi di tích.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, nơi này, nơi kia cũng đã để lại những hình ảnh gây phản cảm, xa rời những nguyên tắc trong hoạt động trùng tu, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa. Rõ ràng là những sai sót trong hoạt động tu bổ, phục hồi di tích đã và đang diễn ra, và nếu không có biện pháp chấn chỉnh thì sẽ còn tiếp diễn. Vậy thì nguyên nhân do đâu? Lý do thì có nhiều, nhưng có lẽ có ba vấn đề chủ yếu cần giải quyết:

Trước hết là vấn đề nhận thức. Tâm lý khá phổ biến của nhiều người và lãnh đạo ở các địa phương có dự án bảo tồn, tôn tạo di tích là muốn làm cho di tích của mình to đẹp hơn. Trong khi, yêu cầu tối thượng của công tác bảo tồn là giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, áp dụng các phương pháp khoa học về bảo quản, gia

cố, tu sửa có mức độ khi thấy cần thiết, chỉ khôi phục những thành phần đã mất khi có đủ tư liệu khoa học nhằm duy trì sự tồn tại lâu dài của di tích để trao truyền lại cho thế hệ sau. Hoạt động 'tôn tạo'di tích không đồng nghĩa với việc 'làm mới' hay 'phục dựng', 'phỏng dựng' lại di tích, mà là việc giải quyết cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện các điều kiện để phát huy giá trị di tích.

Di tích lịch sử - văn hóa bao giờ cũng nằm trong không gian lịch sử, không gian văn hóa và môi trường sinh thái nhân văn. Vì vậy, bên cạnh hoạt động tu bổ, phục hồi di tích thì nhiệm vụ quy hoạch di tích phải đi trước một bước. Quy hoạch chuẩn, có nghề với tầm nhìn xa sẽ góp phần bảo vệ, phát huy di sản lâu dài và bền vững. Quy hoạch không chuẩn sẽ có tác động tiêu cực đối với di tích. Rất đáng tiếc, ở khá nhiều di tích, kể cả những di tích quan trọng, đường đi lại, bãi đỗ xe, sân lễ hội, khu dịch vụ... được bê-tông hóa đến sát di tích khiến không gian của di tích bị thu hẹp, môi trường, cảnh quan lịch sử - văn hóa vốn có của di tích bị biến dạng.

Nguyên nhân thứ hai là về cơ chế, chính sách. Rất nhiều năm, hoạt động tu bổ, phục hồi di tích thực hiện theo cơ chế đấu thầu dự án đầu tư xây dựng, trong khi hoạt động này lại mang tính đặc thù, chuyên biệt. Khi đấu thầu thì chưa hẳn  công ty chuyên về tu bổ di tích trúng thầu. Gói thầu di tích lại rơi vào công ty xây dựng không chuyên về bảo tồn di tích, thì việc làm mới, làm sai lệch di tích là điều khó tránh khỏi. Trong những năm gần đây, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã quan tâm tháo gỡ việc này, cho phép thực hiện chỉ định thầu đối với các dự án về di tích. Nhờ vậy, các công ty chuyên về tu bổ di tích có nhiều cơ hội hơn để làm nghề của mình. Tuy nhiên, cũng vẫn chưa hoàn toàn 'thuận buồm xuôi gió' vì nhiều địa phương vẫn không thực hiện theo cách này.

Một nguyên nhân nữa cũng cần có giải pháp tháo gỡ, đó là việc chuyên môn hóa hoạt động bảo tồn di tích. Ở nước ta, ngoài Cục Di sản văn hóa và Viện Bảo tồn di tích, chúng ta mới chỉ có một số lượng rất ít công ty hoạt động về bảo tồn di tích. Nhưng các công ty này cũng không có điều kiện chuyên tâm hoàn toàn vào công việc bảo tồn di tích. Ðể đưa hoạt động bảo tồn di tích vào nền nếp, tránh việc tùy tiện 'làm mới', 'trẻ hóa', làm không đúng nguyên tắc trong hoạt động tu bổ, phục hồi di tích, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, và những quy chế, điều lệ cho việc thành lập các công ty chuyên về bảo tồn di tích, được hoạt động trong phạm vi cả nước và cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân có đủ năng lực và trình độ chuyên môn về bảo tồn di tích. Có như vậy chúng ta mới gìn giữ được lâu dài những giá trị lịch sử - văn hóa, tính chân xác của di tích để phát huy và chuyển giao cho các thế hệ mai sau.