Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Đầu xuân về phố Hội xem đánh cờ người

Hằng năm, cứ vào dịp xuân mới, cùng với nhiều hoạt động đón Tết Nguyên đán, Ban tổ chức Hội xuân TP. Hội An lại đưa môn cờ tướng vào phục vụ nhân dân và du khách. Môn cờ tướng được tổ chức đấu công khai ở khoảng sân rộng tại công viên văn hóa hay Quảng trường Sông Hoài, hoặc sân Bảo tàng Hội An và được minh họa bằng ván cờ người do các võ sinh đảm nhận.

 

 

 

 

 

alt
Rộn ràng hội cờ người.        Ảnh tư liệu

Tại khu vực đấu cờ, trên sân khấu cao dựng bàn cờ tướng rất to đặt đối diện người xem. Các quân cờ được vẽ trên tấm kẽm mỏng, đủ lớn để người xem ở xa vẫn thấy. Hai kỳ thủ vận áo dài khăn đóng cổ truyền khác màu trực tiếp đi các nước cờ bằng cách cầm quân cờ bằng kẽm di chuyển, sau đó móc vào chiếc đinh nhỏ gắn sẵn để kết thúc một nước cờ. Bên dưới, trước sân khấu có bàn cờ rộng, 32 võ sinh trong trang phục tướng sĩ, binh lính với 2 sắc đỏ xanh đóng vai 32 quân cờ (lưng áo thêu tên quân cờ: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã...). Trận cờ do một trọng tài của Ban tổ chức điều khiển trên sân khấu. Phụ tá trọng tài chính có 2 giúp việc đứng dưới sân hướng dẫn và giám sát các võ sinh di chuyển đúng theo nước cờ do kỳ thủ triển khai.

Bắt đầu ván cờ, lần lượt từng loại quân cờ với các binh khí cổ truyền như trường kiếm, đại đao, tề mi côn, song xỉ, song giãn… vừa vào vị trí vừa biểu diễn các đường quyền đẹp mắt. Lúc quân cờ người 2 bên đã chiếm lĩnh vị trí trong tư thế chiến đấu cũng là lúc 2 tướng mang hia đội mão oai vệ xuất hiện lia những đường đại đao dũng mãnh rồi đưa tay chỉ vào đối phương khiêu chiến. Ngay sau đó, hai tướng lao vào nhau tung những đòn thế mô phỏng những miếng võ cổ truyền trong tiếng reo hò của các binh sĩ trên sân cùng tiếng vỗ tay vang dội của người xem. Trống thu quân nổi lên, 2 tướng rút về cuối bàn cờ, đứng vào đúng vị trí trung cung.

Trận cờ người đã sẵn sàng bước vào phần “thi đấu - biểu diễn”. Hai kỳ thủ bắt đầu ra quân bằng cách di chuyển các quân cờ trên bàn cờ dựng ở sân khấu. Khi phát thanh viên xướng nước đi của kỳ thủ qua loa phóng thanh, từng quân cờ người tương ứng rời vị trí cũ đến vị trí mới và biểu diễn một đoạn của bài quyền. Lúc kỳ thủ bắt quân đối phương thì dưới sân 2 quân cờ xanh đỏ tương ứng cũng thể hiện một cuộc giao chiến. Quân thua giả vờ ngã lăn trên sân, sau đó mang binh khí rời khỏi bàn cờ. Trận đấu càng về cuối càng căng thẳng, 2 kỳ thủ suy tính kỹ càng, những bước đi chậm hơn nên các võ sinh có thời gian biểu diễn màn đối kháng bằng nghệ thuật chiến đấu lâu hơn, ác liệt hơn, trong tiếng trống thúc trận dồn dập.

Phát thanh viên thường do một võ sư rành rọt về các món binh khí, các đường quyền nên khi các quân cờ biểu diễn trên sân phát thanh viên sẽ giới thiệu hoặc về đường quyền, đòn thế hoặc về binh khí mà 2 võ sinh đang sử dụng chiến đấu để người xem tường minh. Trận cờ nhờ vậy rất thu hút người xem. Người biết đánh cờ thì hồi hộp theo dõi và đưa ra dự đoán nước đi của kỳ thủ để gật gù tán thưởng hoặc chậc lưỡi xuýt xoa tiếc rẻ. Người không biết đánh cờ thì thưởng ngoạn các hiệp đấu diễn ra giữa quân xanh quân đỏ để biết trận đấu cờ gay cấn đến đâu.

Sau thời gian thi đấu căng thẳng, hồi hộp (theo quy định, mỗi ván cờ thi đấu trong vòng 60 phút), thường thì 2 kỳ thủ bắt tay xin hòa vì đây chỉ là trận đấu biểu diễn trong ngày đầu năm mới. Khi phát thanh viên tuyên bố kết quả trận đấu, ván cờ kết thúc cũng là lúc trên sân các quân cờ người xông vào nhau, diễn ra cảnh hỗn chiến của 2 bên, tiếng hò reo sôi động, tiếng binh khí chạm nhau chan chát. Nếu ván cờ có phân thắng - thua thì trên sân sẽ diễn ra cảnh 16 quân cờ thắng bắt đối phương dẫn vòng quanh bàn cờ để chào khán giả.

Nhiều du khách vui vẻ nhận xét: “Đô thị cổ Hội An quả là khéo khi đưa môn cờ người vào phục vụ nhân dân và du khách vào dịp vui Xuân đón Tết. Thật hay và ý nghĩa”.

Nguồn tin: www.zing.vn