Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Cuộc hội ngộ văn hóa

Mặc trời mưa, nhưng hàng nghìn người vẫn đội mưa đến với đêm khai mạc Liên hoan và hội thi Hợp xướng quốc tế lần thứ I tổ chức tại Quảng trường Sông Hoài (Hội An) vào tối qua 16.3. Các đoàn hợp xướng đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã góp vào đêm diễn những tiết mục đặc sắc làm nên cuộc hội ngộ đa sắc màu văn hóa…

 

 

 

alt
Một tiết mục văn nghệ trong đêm khai mạc.

Từ “Hồn gió Việt”…

Đêm khai mạc liên hoan và hội thi hợp xướng mở màn với những sắc màu văn hóa đến từ nhiều vùng đất. Trong đó, hình ảnh của nước chủ nhà Việt Nam cũng như vẻ đẹp của đô thị cổ Hội An hiện lên rõ nét khi chương trình tham gia khai mạc được xây dựng bằng các loại hình nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp, các tiết mục hợp xướng, tiết mục biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng, phần diễn xướng dân gian đậm bản sắc văn hóa xứ Quảng...

Với phong cách âm nhạc hiện đại, âm hưởng giàu cảm xúc kết hợp với hình thức múa dân tộc đương đại, tiết mục “Hồn gió Việt” (âm nhạc: Xuân Phương, Biên đạo múa: NSND Phạm Anh Phương, đoàn nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thể hiện) đã cho người xem thấy được mối gắn kết giao thoa kỳ diệu giữa con người và thiên nhiên. “Hồn gió Việt” hòa điệu âm thanh nhạc cụ truyền Việt Nam với những cảm xúc lãng mạn, sang trọng mà vẫn bình dị của văn hóa Việt. Đây cũng chính là tiết mục mở màn sau lễ thượng cờ của 11 quốc gia tham dự.

Trong khi đó, tiết mục “Hương sắc miền Trung” được cấu trúc từ 3 điệu múa “Rước đèn lồng”, “Múa Chăm” và múa “lễ hội Tây Nguyên”. Miền Trung gắn với 3 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Một Hội An đẹp cổ kính, trữ tình, huyền ảo với “Đêm phố cổ”, một miền Trung với vẻ đẹp tiềm ẩn, sự thân thiện, mến khách cũng như nghĩa tình đậm tính nhân văn của con người Việt Nam được 45 diễn viên múa Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thể hiện bằng những động tác múa mềm mại, uyển chuyển với những chiếc đèn lồng đủ màu sắc. Văn hóa Việt đã được thể hiện đủ đầy thông qua những khúc biến tấu mạnh mẽ, đậm chất anh hùng. Những khúc ca “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!”, hay “Việt Nam quê hương tôi”… đã giới thiệu đến bè bạn thế giới về vẻ đẹp của dân tộc Việt, một hình ảnh Việt Nam yên bình.

Quảng trường Sông Hoài như sôi động hơn khi bắt gặp muôn màu trang phục khác nhau của các nền văn hóa. Phố Hội, sông Hoài đêm nay rực rỡ sắc màu, lung linh huyền ảo với cơ man là đèn lồng, ánh sáng, màu sắc… Người Hội An tuy đã quen với hình ảnh lễ hội nhưng vẫn trầm trồ thốt lên khi bắt gặp không gian rực rỡ của đêm khai mạc. “Quá hoành tráng, quá đẹp!. Dù không có chỗ ngồi nhưng đứng xem vẫn thấy lòng hưng phấn” - anh Lê Chí Huy, một hướng dẫn viên du lịch nói.

Đến “Lễ hội ngày mùa”

Đêm khai mạc Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế lần thứ I có sự tham dự của nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Cuộc thi Hợp xướng quốc tế lần thứ I - bà Nguyễn Thị Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL - ông Hoàng Tuấn Anh. Về phía tỉnh có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải;  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả; các ngài đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao, lãnh đạo thành phố Hội An...

Tất cả những tiết mục hợp xướng nước ngoài được các nghệ sĩ thể hiện bằng hình thức hát múa dân gian. Đoàn hợp xướng Hua Xing Choir Society (Singapore) với tác phẩm “Lễ hội ngày mùa”, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Chiew Keng Hoon, với giai điệu rộn ràng... “Hãy đến đây, các bạn nhỏ” là phần biểu diễn của Đoàn hợp xướng “Thủ đô văn hóa” của Estonia, đã thật sự cuốn hút khán thính giả. Liên khúc dân ca ca ngợi vẻ đẹp truyền thống của đất nước và con người của mỗi quốc gia tham dự đã đọng lại nơi mỗi người dân Hội An những cảm xúc khác nhau về bản sắc của mỗi vùng miền. Với giai điệu trong sáng, thể hiện lãng mạn, bay bổng, “Điệu valse những đóa hồng” (trích từ vở ba lê nổi tiếng “Kẹp hạt dẻ” của nhạc sĩ Tchaikovsky; biên đạo: Philippe Cohen) cũng đã làm nên hấp lực của đêm khai mạc. Tác phẩm mang đến cho đêm hội một không khí vui tươi, sang trọng và quyến rũ…

Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Graham Sutcliffe cùng bè phối, bè hòa thanh của 1.000 nghệ sĩ của 30 đoàn tham dự đã để lại trong mỗi người nghe cảm xúc tươi vui bởi giai điệu và tiết tấu của 2 bài “Trống cơm” và “Oh Fortuna”. Bài “Oh Fortuna” được trích tác phẩm “Carmina Burana” của Carl Off, một tác phẩm dựa trên ý tưởng về sự sống của vạn vật, như một vòng xoáy mà trung tâm chính là nữ thần may mắn. Tất cả các nghệ sĩ của 30 đoàn đã làm nên một cuộc hội ngộ thật sự của các nền văn hóa...

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Không chỉ là dịp giao lưu về âm nhạc, mà đây còn là cơ hội để tăng cường sự hiểu biết về văn hóa giữa các dân tộc, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết và hợp tác quốc tế. Thông qua đây cũng nhằm giới thiệu bạn bè quốc tế về những sản phẩm du lịch độc đáo và bản sắc văn hóa riêng của Quảng Nam”.

Nguồn tin: www.zing.vn