Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Đèn lồng – một nét đặc sắc của mỹ thuật ứng dụng Hội An

Hội An – “Fai Fo” đã từng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, được ghi chép trong một số tài liệu của nước ngoài như là một đô thị thương cảng lớn của Việt Nam vào thế kỉ XVII – XVIII, nằm cách Đà Nẵng – thành phố lớn nhất miền Trung chừng 32 km về phía Nam. Diện tích Hội An là 6000 ha, khu phố cổ chỉ khoảng 2 km2 với số dân chừng 65.000 nguời.

“Hội An đêm rằm” là sáng kiến độc đáo, một sáng tạo tuyệt vời của người Hội An nhằm phát huy giá trị truyền thống trong môi trường cuộc sống hiện đại. Chính những chiếc đèn lồng phong phú đủ mọi màu sắc kích cỡ, kiểu dáng được thắp lên đêm 14 âm lịch hàng tháng đã tạo cho phố cổ Hội An một vẻ đẹp khác thường: rực rỡ, lung linh, huyền ảo, sống động và rất lãng mạn như một câu ca dao truyền miệng của người Hội An:
Hội An đất hẹp người đông
Nhân tình thuần hậu, lá bông đủ màu

Cho đến nay, chưa ai biết chính xác đèn lồng Hội An ra đời từ bao giờ? Ai là người đầu tiên làm ra đèn lồng? Sử dụng đèn lồng với ý nghĩa gì? Theo các nhà nghiên cứu biểu tượng văn hoá của thế giới thì: ý nghĩa biểu trưng của cái đèn gắn với ý nghĩa của sự toả sáng. Ngọn đèn là một biểu tượng của con người. Việc cúng dâng đèn vào một điện thờ cũng có nghĩa là tự hiến dâng mình, đặt mình dưới sự bảo vệ của các đấng vô hình và các thần bản mệnh.

Có người cho rằng đèn lồng có mặt ở Hội An là do những dòng họ Châu, La, Thái… xuất phát từ Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông bên Trung Hoa sang sinh cơ lập nghiệp ở Hội An đã mang theo những chiếc đèn lồng treo trước nhà cho đỡ nhớ quê hương xa xôi cách trở.

Người Hội An kể rằng: Hội An xưa có ông tổ làm đèn lồng tên là Xã Đường, hồi đó được gọi là thợ mã chuyên làm đầu lân lồng đèn cho những đêm hội hay các cuộc thi đấu xảo, thi làm đèn kéo quân. Những ngày tết, lễ, hội hè, phú quý lắm người dân phố Hội An mới có chiếc đèn lồng to viết chữ Hán hoặc vẽ tranh thuỷ mặc treo trước nhà.

Phải qua vài thế hệ chiếc đèn lồng mới tới được mọi nhà trong phố cổ Hội An với tính chất trang trí hết sức bình dân mà vẫn giữ được vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng quyến rũ vốn có. Cứ có hội hè là người dân lại làm đèn để treo, trước là làm để trang trí trong gia đình, sau đó để bán. Làm đèn lồng đã trở thành một nghề đặc sắc của riêng Hội An. Có những người chuyên vẽ trang trí đèn lồng to dùng ở các khách sạn hay treo ở nơi thờ tổ tiên của các gia đình Hội An.

Nguyên liệu để làm đèn lồng dùng tre và vải lụa là chính. Tre dùng để tạo khung lồng đèn là loại tre già được ngâm kĩ với nước muối từ 10 – 15 ngày để chống mối mọt. Sau đó tre được phơi khô vót mỏng cho phù hợp với kích cỡ của các loại đèn. Vải lụa tơ tằm có độ dai khi căng trên khung đèn không bị rách. Người Hội An thích dùng lụa Hà Đông để bọc đèn. Thứ lụa này làm cho ánh sáng thêm huyền ảo sống động. Để hoàn chỉnh một chiếc đèn lồng còn phải bỏ công sức tiện gỗ quét sơn hay véc ni, kết tua đèn, uốn dây thép làm chỗ treo đèn.

Ánh sáng từ những ngọn đèn nến mờ ảo làm cho đường nét kiến trúc cổ của Hội An hiện ra với vẻ đẹp thật bất ngờ. Phố đêm, ánh nến bên sông Hoài và tiếng rao đêm… là ý tưởng hình thành Đêm Hội An.

Cứ vào đêm 14 âm lịch hàng tháng, Hội An được sống trong không khí cổ xưa: có những ông cụ đóng khăn mặc áo dài the ngồi đánh cờ hay bình thơ dưới ánh nến trước hiên nhà, những người dân dạo chơi, ca hát bên cạnh nàng công chúa Đại Việt hay thương nhân quý tộc xứ Phù Tang dưới ánh sáng của trăng rằm, ánh sáng của đủ màu sắc đèn lồng lấp lánh như sao sa du dương khắp các phố với đủ hình thù: trụ, cầu, thoi, tam giác, lục lăng, ô van, trái bầu… đến những chiếc đèn kéo quân hình rồng, cá biểu tượng di sản văn hoá thế giới… với đủ màu tươi thắm rực rỡ (chỉ thấy thiếu sắc đen tối bởi nó không làm nến tỏa sáng được).

Ngày 1/12/1999, Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Khách du lịch đến Hội An ngày một nhiều hơn. Lồng đèn để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch phải làm nhanh, xếp lại được để du khách mang đi tiện lợi. Các lồng đèn cổ thường làm to căng bằng lụa tốt vẽ công phu mang ý nghĩa triết lý hoặc những rung động tâm hồn, cảm xúc của người vẽ nay đã được vẽ đơn giản hơn hoặc thêu bằng máy, thậm chí chỉ dùng vải lụa dệt các loại hoa chìm hoa nổi của làng Vạn Phúc (Hà Đông) rực rỡ kiêu sa đủ màu sắc thay cho nét hoa. Người dân ở đây tự hào nói rằng đi giữa phố cổ bốn mùa đều thấy có đèn lồng giăng mắc khắp nơi. Trước kia, đèn lồng loại không xếp lại được chỉ thấy có trong các nơi thờ cúng : đình, chùa, bàn thờ dòng họ, gia đình, nay lại thấy chúng có mặt trong các khách sạn, lễ hội, các cuộc thi đèn lồng. Các nghệ nhân tài hoa vẫn có dịp được phô diễn tài năng sáng tạo và đôi bàn tay vàng của họ. Phải nói rằng con mắt thẩm mỹ của người Hội An thật đáng được kính nể. Phố cổ ngày một thêm cổ và được tỏa sáng, thăng hoa nhờ nghề làm đèn lồng.

Rời Hội An, du khách vẫn còn ấn tượng sâu đậm với những bộ váy áo, các loại túi xách ví dệt thổ cẩm của người Chăm, những đôi guốc gỗ kiểu Nhật Bản, các loại áo dài Thượng Hải, các ngôi nhà kiến trúc cổ của người Hoa, đèn lồng trắng có hình hoa anh đào màu đỏ và chữ Nhật Bản màu đen treo ở Chùa Cầu, đèn lồng biểu tượng di sản văn hóa thế giới, đèn hình cá, hình rồng nổi bật trên sông nước… Những nét văn hoá Chăm, Nhật Bản, Trung Hoa… hoà vào dòng chảy của văn hoá Đại Việt minh chứng rằng người Việt Nam khá cởi mở trong việc tiếp nhận văn hoá bên ngoài, tiếp thu có chọn lọc làm giàu cho nền văn hóa của mình.

Triển lãm của các họa sĩ Bảo Toàn, Quách Đông Phương, Đinh Công Đạt, Nguyễn Bích Thuỷ, Đinh Quân, Trần Lưu Mỹ… như một đêm hội tôn vinh “quyền lực của ánh sáng” trong một không gian mỹ thuật rộng lớn – ngoài trời, để cho tác phẩm hòa nhập với thiên nhiên, với người thưởng ngoạn những ý tưởng tìm về nguồn văn hoá dân gian của họ. Mỹ thuật và các nghề thủ công trong xã hội hiện đại luôn song hành cùng nhau bổ trợ cho nhau, ngày càng xích lại gần nhau hơn vì cùng một mục đích phục vụ con người.

Đèn Lồng Hội An được bày bán khắp nơi trên đường phố Hội An. Bạn có thể tìm thấy chúng với đủ dạng màu sắc, kích cỡ khác nhau ở Hội An. Đặc biệt, vào ban đêm, khi đi ngang các đường Trần Phú, Châu Thượng Văn … bạn sẽ không thể không thích thú bởi sự sắp đặt màu sắc tưởng chừng như rất lộn xộn của những chiếc đèn xinh xắn đang phát sáng trong đêm phố cổ huyền ảo lung linh.

Nguồn tin: www.vntravellive.com