Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Phố Cổ nói không với bao ny-lon

Không sử dụng bao ny-lon đã trở thành một thói quen thường ngày, ngấm vào ý thức đại đa số người dân Hội An.

 

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, là người đã nảy ra ý tưởng về một “Hội An nói không với bao ny-lon”. Và đã kiên quyết thực hiện ý tưởng này.

Ông có thể cho biết ý tưởng “Hội An nói không với bao ny-lon” xuất phát từ đâu?

Ngay Cửa Đại, bao ny-lon nổi lềnh bềnh trên nước, làm ô nhiễm mặt biển; chỗ sông Hoài đổ ra biển cũng vậy. Cảnh tượng này đập vào mắt làm tôi cảm thấy khó chịu. Trên một chuyến ca nô đi ra Cù lao Chàm, tôi đã nói với mọi người: “Bây giờ mình phải phát động người dân hạn chế sử dụng bao ny-lon. Nơi có thể phát động phong trào này trước chính là Cù lao Chàm”.

Ông bắt đầu thực hiện ý tưởng này từ khi nào?

Tôi suy nghĩ về vấn đề này từ tháng 3.2009, đến tháng 5 năm đó thì thực hiện thí điểm ở Cù lao Chàm. Khi bắt tay vào làm, tôi vẫn băn khoăn về việc sẽ lấy gì để thay thế bao ny-lon. Tôi cử cả người vào TP. HCM để tìm vật liệu thay thế nhưng không có kết quả.

Nhưng rồi tôi quan sát và thấy rằng khi mua thực phẩm, từ chè cho đến cá, thịt hay nước mía, người dân đều bỏ vào bao ny-lon. Tôi nghĩ những thức ăn đó hoàn toàn có thể dùng vật khác để đựng và có thể dùng lại nhiều lần. Vậy nên tôi quyết định phát cho mỗi hộ gia đình 2 giỏ nhựa để đi chợ, một giỏ lớn, một giỏ nhỏ và một cà mèn đựng thức ăn. Chúng tôi đã phát khoảng 1.200 giỏ và 600 cà mèn. Mọi việc được thực hiện nhanh chóng. Từ khi có quyết định làm cho đến khi thực hiện chỉ mất 3 ngày.

Và kết quả đạt được ra sao?

Hôm sau, tôi ngồi ở chợ để quan sát. Người nào không mang giỏ theo khi đi chợ thì tôi mời về. Đến ngày thứ 2 mọi người đều tự giác mang giỏ, cà mèn hay ly theo để mua đồ. Tôi vận động học sinh cấp 1 và cấp 2 đi nhặt bao ny-lon trôi nổi ở Cù lao Chàm; sau đó đề nghị thành phố mua lại số bao đó với giá bằng bao ny-lon mới để giáo dục ý thức cho học sinh. Mọi người sẽ suy nghĩ: con cái đi dọn bao ny-lon mà cha mẹ lại sử dụng liệu có ổn không?

Để hiệu quả hơn, tôi đề nghị phạt những người kinh doanh bán hàng dùng bao ny-lon để đựng đồ bằng cách thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.

Đối với du khách, chúng tôi vận động các hãng lữ hành thông báo cho họ về việc không được sử dụng bao ny-lon ở Cù lao Chàm. Không ai được đến Cù lao Chàm nếu mang theo bao ny-lon.

Mười ngày sau đó, tôi ra kiểm tra thì thấy mọi việc tiến triển rất tốt. Mặt biển trở nên sạch hơn. Ở Hội An, tôi cùng Đoàn Thanh niên quyên góp giấy báo gửi ra cho Cù lao Chàm để người dân gói đồ khô. Những thứ khác thì được gói bằng lá chuối, còn lại bỏ vào giỏ nhựa.

Sau 2 năm thực hiện, tôi có thể nói rằng đợt phát động này đã thành công. Việc không sử dụng bao ny-lon đã trở thành một thói quen thường ngày, ngấm vào ý thức của người dân Cù lao Chàm. Giờ đây ở Cù lao Chàm, sử dụng bao ny-lon là điều hiếm thấy.

 

Du khách đã phản ứng như thế nào về việc này?

Ban đầu các đơn vị lữ hành có phản ứng không tốt. Nhưng sau khi được giải thích, họ đã dần hưởng ứng. Du khách đến Cù lao Chàm rất thích thú với điều này. Đặc biệt là du khách nước ngoài, họ hoàn toàn ủng hộ cách làm của chúng tôi. Khi môi trường trong sạch, du khách đến với Cù lao Chàm sẽ ngày càng đông hơn.

Hội An cũng đang dần cấm sản xuất bao ny-lon, có phải đây là một bước để tiến tới không sử dụng bao ny-lon ở toàn thành phố?

Trước đây ở Hội An có một số cơ sở sản xuất bao ny-lon. Nhưng từ khi thực hiện chiến dịch ở Cù lao Chàm, chúng tôi không cấp giấy phép mới, đồng thời thu hồi giấy phép cũ của các cơ sở sản xuất và giúp các cơ sở này chuyển đổi ngành nghề. Chúng tôi có thể chấp nhận những bao ny-lon lớn, dùng được nhiều lần. Còn những túi nhỏ thì nhất định không được sản xuất nữa.

Hiện nay, chúng tôi bắt đầu phát động việc hạn chế sử dụng bao ny-lon tại trung tâm Hội An. Nhiều doanh nghiệp đã dần tìm vật liệu khác thay thế. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước, từ thành phố đến xã phường, nay đều không sử dụng bao ny-lon mà dùng túi giấy để đựng tài liệu. Băng rôn, khẩu hiệu treo ngoài đường cũng không được sử dụng loại có chất liệu ny-lon nữa mà phải dùng vải.

Liệu việc cấm các cơ sở sản xuất bao ny-lon và yêu cầu họ phải chuyển đổi ngành nghề có cực đoan quá không? Chúng tôi đã vận động và có chính sách hỗ trợ về vốn cho những cơ sở này. Đồng thời cũng hướng họ chuyển sang sản xuất loại bao ny-lon cỡ lớn. Giai đoạn đầu tất nhiên có khó khăn nhưng nay các cơ sở này cũng đã dần ổn định sản xuất.

Nếu người ta nhập bao ny-lon do địa phương khác sản xuất về sử dụng thì sao?

Tất nhiên có những thứ không thể không sử dụng bao ny-lon thì chúng tôi vẫn chấp nhận. Chúng tôi cũng đã phát cho người dân nội thị Hội An 12.000 giỏ nhựa đi chợ. Và nhờ làm tốt công tác vận động nên người dân Hội An đã hình thành được thói quen không sử dụng bao ny-lon nếu không thực sự cần thiết.

Kinh phí cho các hoạt động này chính quyền Hội An lấy từ đâu?

Một phần kinh phí lấy từ quỹ dành cho môi trường của thành phố. Một phần chúng tôi kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ vì thấy mình được lợi từ chủ trương này. Hội An phát triển tất nhiên họ có cơ hội phát triển hơn. Môi trường Hội An càng trong lành thì càng thu hút được thêm nhiều du khách.

Ông còn cho thực hiện chương trình nào khác về môi trường?

Chúng tôi đang giải quyết ô nhiễm do các cống rãnh xả chất thải ra sông Hoài. Đối với doanh nghiệp, chúng tôi yêu cầu phải xử lý nước thải trước khi đổ ra sông. Còn đối với hộ dân, chúng tôi sẽ thu gom lại và xử lý. Nhà máy xử lý nước thải sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay. Chất thải cũng sẽ được một nhà máy tái chế thành phân bón. Nhà máy này đã được xây dựng xong và sắp khai trương.

Chúng tôi còn vận động mọi người trồng thêm nhiều cây xanh. Đối với các doanh nghiệp đến đầu tư ở Hội An, việc đầu tiên họ được yêu cầu là trồng cây. Chúng tôi quyết tâm đến năm 2030, Hội An sẽ “nằm trong công viên”, tức thành phố sẽ được phủ cây xanh. Để hoàn thành mục tiêu này, các doanh nghiệp và cả người dân Hội An đều được vận động trồng cây. Điều đáng mừng là các khu đất trước kia bỏ trống thì nay đã dần được cây xanh phủ kín. Chúng tôi cố gắng mỗi năm sẽ trồng từ 300.000 đến 500.000 cây xanh loại cao 3 - 4 mét như phượng vỹ, cây viết. Ở ven biển chúng tôi cho trồng thêm dương liễu để chắn gió, chắn sóng. Tôi nghĩ đây là những mục tiêu nằm trong tầm tay.

Việc này có thể khiến kinh phí của doanh nghiệp bị đội lên?

Doanh nghiệp hoàn toàn có thể đóng góp theo khả năng. Họ có thể góp tiền, góp cây hoặc tự mua cây về trồng. Đã có những doanh nghiệp tự nguyện đóng góp đến 200 - 300 triệu đồng. Theo tôi, đầu tư cho môi trường là đầu tư khôn ngoan nhất. Doanh nghiệp sẽ thu lợi nhiều hơn với một môi trường trong lành, bền vững. Đây chính là đầu tư mang tầm chiến lược cho kinh doanh.

Nguồn tin: hoiantourist.com