Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Làng quê Hội An với thời cơ mới

Vốn hình thành và phát triển từ một đô thị thương cảng cổ ở vùng “cửa sông, ven biển”, vùng quê Hội An còn có đặc trưng, đó là phố trong làng và làng trong phố.
Du khách tham quan, trải nghiệm đời sống vùng sông nước rừng dừa Cẩm Thanh. Ảnh: Đ.H
Du khách tham quan, trải nghiệm đời sống vùng sông nước rừng dừa Cẩm Thanh. Ảnh: Đ.H

Diện mạo làng quê

Ở các phường Tân An, Thanh Hà, Sơn Phong… có không ít người dân giàu lên bằng nghề trồng hoa cây cảnh; còn ở các khối An Hội, Đồng Hiệp (phường Minh An), Nam Diêu, Thanh Chiếm (Thanh Hà) có một bộ phận sống bằng nghề chài lưới, đánh cá ven sông. Nhiều gia đình thợ thủ công làm mộc, gốm, lồng đèn, túi xách hoặc may mặc… lại đang sống nơi những làng quê bình yên, cách xa phố thị. Khá đông người dân ở các làng quê ấy cũng không chỉ là người làm nông thuần túy mà theo mùa vụ, có khi họ là những tiểu thương thạo việc, có khi là những người thợ lành nghề. Ngoài các vùng quê sinh thái đặc trưng như rừng dừa ngập mặn Cẩm Thanh, cồn bãi lắng đọng phù sa Cẩm Nam, Cẩm Kim, các làng nghề đặc trưng như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, hoa - cây cảnh Cẩm Hà, Cẩm Châu, Tân An… Hội An còn có hệ sông ngòi, biển, đảo đa dạng sinh học, có ngư trường lớn với nhiều loại hải sản giá trị cao. Sản xuất và sản phẩm của ngành nông nghiệp, ngư nghiệp không chỉ phục vụ cho nhu cầu nội địa mà còn gắn với kinh tế du lịch - dịch vụ. Hơn thế, sự giao hòa, đan xen phong tục tập quán, nếp sống giữa người dân vùng nông thôn và vùng thành thị còn lưu dấu rõ nét trong đời sống hiện tại ở nhiều nơi.

Vùng nông thôn Hội An được quan tâm đầu tư đúng mức, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh được xây dựng nhiều hơn, quy chuẩn cao hơn. Diện mạo nông thôn mới từng bước được hình thành với 2 xã Cẩm Thanh và Cẩm Hà đã đạt chuẩn quy định của quốc gia, các trục đường giao thông, các tuyến kênh mương nội đồng đã được kiên cố hóa. Hệ thống ống cấp nước sinh hoạt được lắp đặt, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Các tuyến kè bảo vệ bờ sông Thu Bồn đã được xây dựng, nâng cấp đảm bảo ổn định đời sống cho dân cư dọc bờ sông và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Vẫn thấp thoáng ẩn hiện bên những hàng phi lao, vườn cau, rặng dừa xanh tươi là bóng cây đa, bến nước, mái đình. Những lễ hội cầu ngư, cầu bông, giỗ tổ nghề mộc, tế tổ nghề gốm vẫn được những người dân quê tổ chức hằng năm. Ngành kinh tế du lịch mũi nhọn của thành phố cũng dần được mở rộng tầm phát triển ra vùng ven, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và hưởng lợi. “Thành phố đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch - dịch vụ thành phố, về phát triển du lịch xã đảo Tân Hiệp, đồng thời chỉ đạo xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển thương mại - du lịch, phát triển cơ sở lưu trú, quản lý và khai thác các bãi tắm du lịch trên địa bàn. Trên cơ sở đó, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cho các khu vực biển - đảo - làng quê” - ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND thành phố cho biết.

Định hướng phát triển

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hội An tuy đã được cải thiện nhưng vẫn thấp so với khu vực đô thị. Làng quê, nông thôn bị biến dạng do thiếu quy hoạch, xây dựng tùy tiện. Hệ sông nước, cồn, bàu - những đặc điểm tạo nên vẻ đẹp du lịch sông nước, làng quê bị xâm hại, gây ô nhiễm môi trường và hoang phí trong sử dụng, khai thác. Ở các làng quê ngày càng ít những hàng rào bằng giậu mồng tơi, cây dâm bụt, cây chè tàu, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng với các kiểu kiến trúc lai tạp, xa lạ với không gian truyền thống của nông thôn Việt Nam. Đó là những thực trạng cần giải quyết.

Trước những thời cơ phát triển của các vùng quê Hội An, khi du lịch đã thực sự lan tỏa ra các vùng ven với việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, các dịch vụ khám phá, trải nghiệm đời sống người dân bản địa, đặc biệt là khi đã có cầu dân sinh nối liền Hội An qua Cẩm Kim - xã bên kia sông và điện lưới quốc gia đã kéo ra đảo Cù Lao Chàm, thành phố tiến hành đồng bộ các biện pháp nhằm giữ gìn cảnh quan sinh thái, khẩn trương “định vị” quy hoạch cho sự phát triển các vùng quê.

Với định hướng phân vùng phát triển Hội An thành 3 khu vực đô thị, biển đảo và làng quê, thành phố xác định khu vực biển đảo phát triển theo hướng bền vững bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tranh thủ các nguồn lực giải quyết căn bản hạ tầng thiết yếu, hoàn thiện các khu dân cư, chỉnh trang đô thị ven biển, xây dựng khu sinh thái hải đảo Cù Lao Chàm và khai thác hợp lý tài nguyên biển đảo để phát triển. Khu vực làng quê, định hướng xây dựng các làng quê sông nước gắn với ngành nghề truyền thống, quy hoạch không gian phát triển kiến trúc, xây dựng đảm bảo phù hợp, không làm phá vỡ do tác động của quá trình đô thị hóa. HĐND và UBND thành phố cũng đã triển khai thực hiện các đề án “Phát triển bền vững xã đảo Tân Hiệp trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An” và “Xây dựng làng quê - Làng nghề sinh thái xã Cẩm Kim”.

Bí thư Thành ủy Kiều Cư xác định: “Phát triển kinh tế cần tập trung nguồn lực cho ngành du lịch - dịch vụ và thương mại, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, ưu tiên đầu tư cho các khu vực nông thôn và hải đảo, nhất là phải nâng cao chất lượng và cải thiện môi trường các khu du lịch làng quê, làng nghề, phát triển các sản phẩm du lịch mới… nhằm bù đắp cho những bất lợi về du lịch biển trong điều kiện biển lở hiện nay. Đối với các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp cũng cần phải gắn kết với du lịch - dịch vụ. Phải hướng nhân dân vào các mô hình sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với bảo vệ môi trường”.

ĐỖ HUẤN

Nguồn tin: baoquangnam.vn