Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Hà Nội, Hội An nằm trong chiến lược du lịch đô thị của Việt Nam

Du lịch đô thị được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030.

ại Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam năm 2025, định hướng năm 2030 tổ chức tại Hà Nội ngày 16/4, bà Đỗ Thị Thanh Hoa, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết có 4 dòng sản phẩm chính được ưu tiên phát triển trong giai đoạn này. Bên cạnh dòng sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, du lịch đô thị cũng sẽ được tập trung đẩy mạnh.

Theo các chuyên gia du lịch, các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM là nơi tập trung nhiều đường bay nối các tỉnh thành cũng như quốc gia trên thế giới. Khách khi đến các điểm du lịch như Sa Pa, Hạ Long, Hội An, miền Tây thường phải qua những thành phố này. Nếu chỉ coi đây là các trung tâm trung chuyển khách thì du lịch Việt đã bỏ qua một dòng sản phẩm rất phổ biến trong khu vực.

hoi an

Nhiều du khách đến Hội An để tận hưởng không gian yên bình, cổ kính. Ảnh: Vy An

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng Cục Du lịch cho biết Bangkok, Kuala Lumpur, Hong Kong là những thành phố rất thành công trong dòng sản phẩm du lịch đô thị này. "Có nhiều ý kiến cho rằng thành phố của nước ta nhỏ, không thể cạnh tranh với các thành phố lớn trên thế giới. Nhưng tôi cho rằng điểm quan trọng nhất là sắc thái của sản phẩm. Minh chứng là gần đây, Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM luôn nằm trong các top điểm đến trên thế giới và khu vực", ông Tuấn Anh nói.

Bà Đỗ Thị Thanh Hoa cho biết trong thời gian tới, dòng sản phẩm đô thị sẽ chú trọng khai thác các yếu tố văn hóa gắn với lối sống thành phố như Hà Nội với các món ăn vỉa hè, Hội An với lối sống đô thị cổ. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch này phải được phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.

Bên cạnh 4 dòng chính, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam còn được xây dựng theo vùng, hướng đến thị trường khách mục tiêu. Hiện nay, các chuyên gia du lịch đều đánh giá Việt Nam chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng nào tạo dựng được thương hiệu. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 hình thành được các sản phẩm mang tính hệ thống, ngoài các giải pháp về cơ chế, chính sách, việc cần làm thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến.

Vy An 

Nguồn tin: dulich.vnexpress.net