Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Ấn tượng làng gốm Thanh Hà

Không chỉ nổi tiếng với tuổi đời hàng trăm năm, nay làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) còn hấp dẫn du khách bởi cách tiếp cận sản phẩm của làng nghề hết sức ấn tượng

Ngót nghét hơn 500 năm tuổi, làng gốm Thanh Hà gần như độc nhất cả nước khi vẫn giữ được nguyên vẹn cách thức sản xuất thủ công. Các sản phẩm làm ra đều không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống. Chính vì thế, khi đến đây, du khách được tận mắt chứng kiến nhiều công đoạn làm gốm, cũng như tự tay làm nên những sản phẩm yêu thích. Ít ai biết rằng, đã có lúc làng gốm tưởng chừng như bị mai một, sản phẩm gốm không có chỗ đứng trên thị trường, bị lấn át bởi những sản phẩm công nghiệp với đủ kiểu dáng lạ mắt.

an thuc gom 3 1019
Hai bạn trẻ say sưa tạo nên các sản phẩm gốm ghi lại những món ăn dân dã của Hội An.

Tặng tò he cho du khách

Để giữ nghề, người làng gốm đã hợp sức bàn nhau cách làm mới, để đưa sản phẩm của làng đến tận tay du khách. Chính quyền địa phương cũng vào cuộc với phương châm: “Mỗi làng xã, một sản phẩm” và được người dân làng gốm tích cực hưởng ứng.

Ông Lê Văn Xê, Trưởng ban quản lý làng nghề truyền thống gốm Thanh Hà cho biết: Khác với những năm trước, làng gốm làm ra sản phẩm chỉ biết mang đến nơi khác tiêu thụ. Giờ vừa làm sản phẩm bán, vừa phục vụ khách tham quan tại làng nên không khí làng gốm lúc nào cũng nhộn nhịp. Ban quản lý quy định, các thành viên mỗi ngày phải làm hơn 100 con tò he. Mỗi con tò he được nhận lại tiền công với số tiền 1.500 đồng.

Với ưu thế làng nằm ở khu phố cổ nổi tiếng như Hội An nên càng dễ thu hút khách du lịch tham quan. Trung bình mỗi ngày làng gốm đón gần 2 ngàn lượt khách đến tham quan. Thu nhập thu về cho mỗi thành viên tham gia khoảng gần 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, tại làng nghề còn làm ra được 30 sản phẩm bao gồm nồi, bình, hũ… Các sản phẩm này được bán tại các huyện trong và ngoài tỉnh.

Ông Xê cũng cho biết, làng gốm có 6 người được công nhận là nghệ nhân. Cả làng có 300 hộ, trong đó có 30 hộ tham gia làm du lịch thường xuyên tại làng, 15 hộ trình diễn cách quay gốm để phục vụ du khách xem. Nhiều nghệ nhân lớn tuổi như bà Nguyễn Thị Được (94 tuổi), bà Lê Thị Chiến (84 tuổi) vẫn hàng ngày hăng hái chuốt gốm phục vụ khách du lịch. Nhiều bạn trẻ có tuổi đời dưới 30 tuổi không còn tha hương, quay trở về nối nghiệp làm gốm.

an thuc gom 5 1019
Món quà lưu niệm đặc biệt về ẩm thực Hội An được làm từ đất sét.
lang gom 1 1019
Mỗi du khách đến tham quan tại làng sẽ được tặng tò he.
an thuc gom 1 1019
Du khách hứng thú với mì quảng, cao lầu Hội An lưu lại trên sản phẩm gốm.

Dấu ấn ẩm thực Hội An

Thêm một cách quảng bá đầy ấn tượng khác là đưa đặc trưng ẩm thực Hội An thành các sản phẩm lưu niệm. Người làng gốm đầy thông minh khi đồng thời tạo nên sức hấp dẫn đối với một đô thị di sản hội tụ nhiều yếu tố để được du khách yêu thích. Bộ sản phẩm “Dấu ấn ẩm thực Hội An” vừa được ra mắt do những bạn trẻ tại làng gốm thực hiện đã tạo nên nét “duyên” mới cho làng gốm Thanh Hà.

Câu chuyện “giữ lửa” nghề truyền thống bằng cách làm ra sản phẩm độc đáo này được chính bàn tay của hai bạn tuổi đời còn rất trẻ, Nguyễn Viết Lâm (25 tuổi) và Lê Văn Nhật (29 tuổi). Cả hai chia sẻ rằng đây là điều mà họ ấp ủ từ lâu. Du khách đến Hội An, ngoài thưởng thức các món đặc sản thì có thể mang nó về cho người thân của mình qua vóc hình thu nhỏ của chính món ăn đó. Du khách có thêm một món quà lưu niệm, người dân làng nghề có thêm thu nhập và ẩm thực Hội An được quảng bá rộng hơn.

Nguyên liệu chính tạo nên các sản phẩm này là đất sét công nghiệp với tính năng mềm dẻo, đồng thời ưu việt hơn là có thể tự sản xuất được từ đất thường, khắc phục tình trạng nguồn nguyên liệu đất sét tự nhiên ngày càng hạn chế. Bằng các kỹ thuật tạo tác, những sản phẩm mỹ nghệ sẽ ra đời, vừa giúp làng gốm có thêm thu nhập, vừa tạo ấn tượng để du khách biết đến Hội An nhiều hơn.

Một bộ 9 sản phẩm lưu niệm mang tên “Dấu ấn ẩm thực Hội An” được kỳ vọng sẽ là hướng đi phù hợp để bảo tồn và phát triển làng nghề gốm Thanh Hà. Nguyễn Viết Lâm chia sẻ, hy vọng sự kết hợp tinh tế giữa ẩm thực và gốm sẽ tạo nên điều thú vị cho du khách, cùng với đó là kỳ vọng về một hướng đi mới của làng gốm có tuổi đời hàng trăm năm này.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, từ mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, bao bì sản phẩm còn cần tiếp tục hoàn thiện để tương đồng với món ăn thực ở ngoài, mang lại ấn tượng cho du khách. “Cần đúc kết, giới thiệu quy trình chế biến, chế tác để tăng thêm sự hấp dẫn của sản phẩm. Đồng thời tìm cách tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, đẩy mạnh liên kết với các đơn vị lữ hành, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố”.

 Bài & ảnh: Hoàng Tân - Minh Hằng - Ảnh: H.Tân

Nguồn tin: www.nguoitieudung.com.vn