Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Về làng cùng sinh viên Bắc Âu

Từ ba năm nay, Đại học Oslo (Na Uy) và tổ chức đối tác mang tên Culture Studies mỗi năm tổ chức hai "Học kỳ Việt Nam" ở Hội An, Quảng Nam cho sinh viên của họ. Mỗi học kỳ kéo dài 3 tháng.

 

Những ngôi nhà, bàn ghế bằng tranh tre ở làng văn hóa Cẩm Thanh gần biển Cửa Đại (Hội An) được chọn làm lớp học và các làng quê quanh vùng là những nơi các nhóm sinh viên (SV) thường đến để tìm hiểu cuộc sống, phỏng vấn người nông dân về những vấn đề mà họ đang nghiên cứu để làm luận văn trước khi kết thúc học kỳ. Năm nay, những gia đình nông dân ở xung quanh khu du lịch Homestay Triêm Tây, một bán đảo trên sông Thu Bồn được nhiều SV chọn lựa để đến nghiên cứu...

 
Cả lớp đang đi nghỉ cuối tuần trên sông Thu Bồn

"Học kỳ Việt Nam thứ nhất năm 2011 đã qua được hai tháng với số lượng 50 SV, cao nhất từ trước đến nay", người quản lý lớp học, anh Arve Hansen cho biết. Ba SV Hanna, Katrine và Jens về làng Triêm Tây và Cẩm Kim để tìm hiểu đời sống người làm nông, tác động của giá cả tăng lên và biến đổi khí hậu... Những câu hỏi họ đặt ra cho nhiều người thường giống nhau, chẳng hạn gia đình có bao nhiêu người, canh tác bao nhiêu ruộng, bắt đầu làm ruộng từ lúc mấy tuổi; chi phí, năng suất trên mỗi đơn vị diện tích, có đủ ăn hay phải mua thêm? Giá cả đang tăng lên ảnh hưởng ra sao đối với nhà nông?...

Một người trong nhóm đặt câu hỏi, hai người còn lại ghi chép vào sổ và máy tính xách tay, kể cả chụp ảnh. Thỉnh thoảng hai người còn lại hỏi thêm vài câu bổ sung. Suốt buổi chiều họ đã phỏng vấn ba gia đình nông dân địa phương. Một bà cụ 79 tuổi ở với con trai chỉ có 1 sào ruộng và 1 sào đất vườn, một cụ ông gia đình gồm 7 nhân khẩu có 5 sào trồng lúa, một cặp vợ chồng trẻ có 2 con có nghề phụ là thợ mộc. Nhìn chung, lúa gạo và hoa màu chỉ đủ ăn từ 6 tháng đến 1 năm tùy theo mỗi gia đình; thông thường họ phải mua thêm gạo ngoài chợ với giá hiện nay lên đến 11 ngàn đồng mỗi ký. Chi phí khác phải dựa vào nghề phụ… Qua phỏng vấn, phân tích, các bạn đều hiểu, người làm nông chỉ lấy công, tính ra chỉ còn 4 ngàn đồng mỗi ngày từ việc làm ruộng, nhưng họ chủ động được lương thực. Và chính nghề thủ công hoặc lao động nông nhàn mới giúp được họ trang trải các khoản chi phí thường nhật khác.

Cô gái Hanna trước khi rời khỏi làng Triêm Tây còn hỏi thêm tôi về mức tăng giá gạo, giá vật tư so với năm ngoái. Mặc dù nhóm của cô cho biết họ còn phải đi nhiều nơi nữa mới nắm bắt được hết cuộc sống của người nông dân trong vùng cho đề tài nghiên cứu của mình, nhưng qua câu hỏi này tôi có thể hiểu họ muốn phân tích khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu toàn cầu đang có tác động ra sao với nhà nông ở nông thôn Việt Nam.

Đã có nhiều nghiên cứu về đề tài này của các nhà kinh tế đầu ngành trên các tờ báo ở đất nước chúng ta, vì vậy mà các bạn trẻ Na Uy đang tìm hiểu dưới mắt chúng ta cũng không có gì mới. Nhưng cái chính là họ, những SV còn đang trên ghế nhà trường đã có một phương pháp học tập, nghiên cứu khá độc lập và chủ động mà chắc chắn SV ở nước ta tuy không thiếu điều kiện, vẫn chưa làm được! 

Nguồn tin: nld.com.vn