Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


"Tà tà" ở Hội An

Bạn bè tôi ai ai cũng đã đi Hội An (Quảng Nam) vài chục lần mà rồi vẫn thèm thuồng muốn đi nữa. Có người tổng kết: 3 năm đi Hội An 5 lần, mỗi lần đến lại cùng một bạn đồng hành khác và bảo, chỉ có người tình là bỏ ta đi, còn Hội An thì vẫn luôn đứng đó.
Cả mùi vị món ăn và không khí phố xá cũng vẫn vậy, chẳng đổi thay.

 

Hội An bình dị hút khách khắp năm châu - Ảnh: Nam Vinh

 

Một Hội An dung dị, văn minh tựa người phụ nữ đẹp mặn mòi, hiểu chuyện thấy dễ mến, càng tiếp xúc càng mê mẩn. Câu chuyện với vùng đất có duyên ấy cứ miên man từ năm này qua năm khác, không dứt ra được.

Sống chậm với Hội An

Nhịp sống ở Hội An gợi cho ta những ngày tháng ở Luang Prabang, kinh đô cũ của Lào. Chậm rãi, khoan thai, mọi đền đài nhà cửa đều xinh nhỏ, giống nhau vô cùng. Có khác chăng là ở Hội An không có núi đồi và ở Luang Prabang thì không có biển khơi.

Quán cơm gà bà Buội chẳng vội vàng gì, cứ bán tà tà tầm trưa là đã hết cơm, hết gà. Khách đường xa quen thói ở thành phố lớn lúc nào cũng sẵn đồ ăn mời chào mà tầm 1g chiều mới qua thì đừng mong còn cơ hội gọi món. Cơm dẻo nóng thơm rưới nước gà mỡ màng, trộn đều với thịt gà thơm phức, hành răm, chu choa, tự dưng người Bắc sao thốt lên tiếng của người Trung, người Nam là sao ta? Vì ngon quá đấy mà.

Quán xá ở các mặt phố tập trung đông khách nước ngoài vẫn màu sắc ấy, từ bao năm rồi nhỉ? Đã hơn chục năm trôi qua kể từ lần đầu tôi gặp gỡ Hội An, nhiều quán mới mở ra nhưng phong cách vẫn trầm, vẫn chậm, vẫn kỹ lưỡng như thế. Quán mới không bị chọi với quán cũ, lại hòa vào với tổng thể chung. Và tôi vẫn ngồi ở một góc nào đấy, có thể là Cà phê Hải, có thể là cạnh chiếc xe đạp mô hình làm bằng tre của quán... , có thể là tì tay lên mặt bàn tết song mây ở quán Tam Tam nhìn ngắm người qua lại, ngắm kẻ lữ khách suy tư góc quán mặt đường đối diện. Cũng có khi cười khúc khích khi một tốp khách Âu trẻ tuổi hưng phấn hát vang trên phố.

Đến lúc mình quay trở về nơi trú ngụ thì lại không đủ can đảm làm ồn như những người ngoại quốc nọ, tự đi nhẹ nói khẽ cười duyên và còn đưa tay lên miệng ra dấu với bạn khi bạn hưng phấn tăng âm lượng. Tự thấy mình thật ngại nếu làm xao động không gian tĩnh lặng thoảng mùi hương sử quân tử, hương hoa nhài và quấn quít mùi hương ai đốt bên thềm trước khi cài then đi ngủ.

 

Sống chậm ở Hội An - Ảnh: Nam Vinh

 

 

Trong nhà cổ Đức An - Ảnh: Nam Vinh

 

Có "xí" thôi hà

Thời gian càng trôi, càng thấy Hội An thật bé nhỏ. Lần đầu đến còn mỏi gối đi tìm từ dãy phố nọ sang dãy phố kia, nay vừa thong dong lượn hết mấy con đường chính Trần Phú, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học... rồi tiến qua cầu sang bên thôn Cẩm Nam đã nhìn thấy bạn mình đang bấm cò... máy ảnh choách choách. Cũng như cảm giác về thăm lại căn nhà nhỏ thời ấu thơ, sao mà bé tẹo, sao mà trong trí nhớ khoảng sân rộng thế, chập chững bước mãi mới băng hết sân ra vườn ngắt một nụ hồng.

Vậy là mình đã trưởng thành, đã lớn rồi còn Hội An vẫn mãi dung dị thế, vẫn hồn hậu đón ta mỗi lần có dịp ghé. Cho dù là ngày bão lũ, nước dâng thì mình chèo thuyền trên phố; cho dù là ngày nắng đẹp, thảnh thơi chụp ảnh chân dung; cho dù là ngày sụt sùi gió bấc, ta lại nâng bát chè trôi nóng hổi thơm phức vị gừng rồi uống từng ngụm nhỏ tự sưởi ấm trong lòng.

Những phố cổ xinh nhỏ san sát nhà ống quét ve vàng hườm, mái ngói không chỉ có rêu mà còn đầy cỏ bám. Gió từ sông Hoài thổi qua, những đám cỏ dài lại dập dờn rung rinh. Nhà cửa ở Hội An vừa lạ lại vừa quen, vẫn kiểu nhà phố mặt tiền tận dụng buôn bán, vào giữa có sân, bậc thang gỗ lên gác, tường mỏng tiết kiệm diện tích như muôn vàn kiểu nhà xưa trên đất Việt; nhưng ở Hội An là cả một tập hợp nhà phố mang cho ta một hình ảnh khác.

Đâm ra người Việt vẫn thích ngắm nhà Việt ở Hội An. Tất nhiên có bạn sẽ cự nự mà rằng, nhà phố Hội An mang âm hưởng, hơi hướm, dấu ấn của khách buôn người Nhật, người Tàu; nhưng chắc chẳng ai phản đối điều này, nhà cửa dù kiểu nào chăng nữa, khi đã xây trên đất nước nào thì mang hồn của người dân nước đó rồi. Thời tiết, khí hậu, địa hình, phương hướng, thói quen sinh hoạt dân cư đã định hình phong cách của những ngôi nhà, cho dù người xây là ai, từ đâu đến.

 

Dây tơ hồng vấn vít vấn vương hồn người lữ khách ở Hội An - Ảnh: Nam Vinh
Những đêm đèn lồng lung linh soi dọc hai bờ sông Hoài - Ảnh: Nam Vinh

 

Đi thăm Hội An từ chỗ nọ qua chỗ kia đều có "xí" (chút xíu) thôi, người Quảng Nam cười hồn hậu bảo thế. Phố cổ, chùa Cầu, các hội quán rồi qua Cẩm Nam nhìn nắng rọi qua đám lá xanh ngọc; làm một chuyến đi thuyền trên sông Hoài Phố thăm làng gốm Thanh Hà, làng chài hay đạp xe ra biển Cửa Đại chơi đùa trên bãi cát mịn mênh mông, thảy đều gói gọn trong ngày được.

Nhưng người ta đâu đến Hội An để "điểm danh" các địa điểm nhỉ. Đến chỗ nào cũng đều có "xí" thôi, vậy thì mình phải hưởng cái thú thong dong để kéo dài "cái xí" đó thật lâu.

Không nhất thiết phải tìm đến Hội An vào những đêm rằm các nhà đều treo đèn lồng đỏ, đêm nào ở Hội An cũng làm người ta say men tình, đêm nào cũng thấy phố và mình cùng tỏa sáng lung linh, như ngọn đèn chao lụa trước cửa nhà ai.

 

Tác giả bài viết: MINH LÝ

Nguồn tin: Báo Lao Động