Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Hấp dẫn Hội An

Bằng nỗ lực xây dựng môi trường du lịch thân thiện, Hội An – Quảng Nam đã trở thành điểm đến ấn tượng của du khách trong và ngoài nước.
Hội An được biết đến là một thương cảng nổi tiếng của thế giới vào những năm của thế kỷ 15, 16, nơi đây là một mắt xích nằm trên “con đường tơ lụa” và “con đường gốm sứ” của thế giới nổi tiếng với những thương vụ của các lái buôn Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ với các lái thương châu Âu. Sang thế kỷ 19, do nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài, do cả những biến đổi của địa hình sông nước, hoạt động kinh tế và vai trò của Hội An suy giảm dần kết thúc thời kỳ thương cảng thuyền buồm và nhường chỗ cho thương cảng thuyền máy Đà Nẵng phát triển (từ cuối thế kỷ 19). Nhưng cũng nhờ đó, Hội An tránh được những biến dạng của một đô thị cận đại để bảo tồn cho đến ngày nay - một quần thể đô thị - thương cảng cổ tương đối nguyên vẹn. Đó là di tích của các bến cảng, các phố cổ, các nhà ở kết hợp cửa hàng của nhân dân, các hệ thống nhà thờ tộc họ, các đình chùa, đền miếu, các hội quán của người Hoa, những mộ người Nhật, người Hoa và chiếc cầu mang tên cầu Nhật Bản… Những loại hình kiến trúc phong phú đa dạng đó, cùng với lối sống, phong tục tập quán, lễ hội... của cộng đồng dân cư Hội An còn như tấm gương phản ánh chặng đường dài của quá trình giao thoa, hội nhập, tiếp biến văn hoá, tạo nên một sắc thái văn hoá riêng Hội An vừa mang tính dân tộc, bản địa, vừa có sự hài hoà giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh.
Đô thị - thương cảng Hội An với hạt nhân phố cổ là di tích lịch sử, là di sản văn hóa vô giá thuộc loại quý hiếm trên thế giới đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng di tích quốc gia (năm 1985), được dư luận trong nước và thế giới trân trọng đánh giá cao. Năm 1985, Hội thảo khoa học quốc gia và năm 1990, Hội thảo khoa học quốc tế đô thị cổ Hội An đã được tổ chức ở ngay tại Hội An, Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Năm 1995, Hội Bảo trợ di sản văn hoá - kiến trúc Hội An được thành lập nhằm vận động những cá nhân và tổ chức trợ giúp cho công việc bảo tồn, tôn tạo Khu di tích phố cổ Hội An. Đặc biệt, ngày 1/12/1999, UNESCO công nhận Khu phố cổ Hội An là Di sản văn hoá thế giới đã là khẳng định vị trí và sự góp mặt của di sản văn hoá Hội An trong kho tàng di sản văn hoá nhân loại.
Thực tế, nhiều năm qua, Hội An đã làm tốt công tác quản lý, trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển bền vững. Để thu hút ngày càng đông du khách, Hội An đã và đang tập trung khai thác loại hình du lịch di sản văn hóa, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Ở đây, mỗi ngôi nhà, mỗi góc phố, mỗi con đường đều gắn với du lịch. Người dân đô thị cổ đã phát huy một cách hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa dân gian để phục vụ du khách… Hơn thế nữa, cho đến nay, đô thị cổ Hội An vẫn là môi trường sinh sống của hàng chục ngàn người, mang ý nghĩa như một bảo tàng sống về kiến trúc, về quy hoạch đô thị, về lối sống đô thị. Nếp sống giản dị, hiếu khách, thuần hậu, nếp ẩm thực truyền thống, dân dã níu giữ con người bằng các hương vị quê hương như: cao lầu, hoành thánh, hến trộn, bánh đập, bánh ít, bánh tráng… Tất cả những điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn của Hội An, góp phầnbảo tồn tốt những giá trị vật thể và phi vật thể sinh ra từ trong quá khứ, lớn lên và phát triển trong hiện tại. Cũng bởi vậy, Hội An được coi như một “phòng thí nghiệm sống” mô hình thành phố văn hóa, thành phố sinh thái đầu tiên của Việt Nam và là hình mẫu lý tưởng trong việc bảo tồn và khai thác di sản cho phát triển du lịch.
Với điều kiện địa lý nằm trên bờ bắc Cửa Đại, nơi cuối nguồn đổ ra biển của sông Thu Bồn, khách du lịch đến Hội An đều thích thú với cái đặc trưng sinh thái của vùng đất hợp lưu này, xen giữa các kênh, lạch chằng chịt là rừng dừa nước, những làng quê, phố thị khá yên ả. Bên cạnh đó, Cù Lao Chàm - Hội An, hòn đảođược UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2009 với ưu thế nổi bật về đa dạng sinh học có nhiều nguồn gen, sinh vật quý hiếm đã trở thành nơi lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khám phá. Cùng với đó, rừng ngập mặn Cẩm Thanh với địa danh quen thuộc rừng dừa Bảy Mẫu, một cấu thành của khu dự trữ sinh quyển thế giới đã và đang được định hướng phát triển thành làng quê sinh thái đặc thù nhằm gìn giữ và khai thác bền vững các giá trị tự nhiên vốn có; Cẩm Kim với làng nghề mộc truyền thống Kim Bồng đã tạo nên sức hấp dẫn và động lực phát triển cho du lịch vùng đất này.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Du lịch TP. Hội An, năm 2010 ngành du lịch – dịch vụ chiếm hơn 70% tổng GDP của thành phố. Tổng lượng khách tham quan Hội An từ năm 2006-2010 đạt gần 3,5 triệu lượt người, tốc độ tăng bình quân 11,02%/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2011 đã có hơn 812.000 lượt khách du lịch tới Hội An, tăng 178,46% so với cùng kỳ..
Theo ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP. Hội An, việc tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững cho du lịch Hội An vẫn đang là một bài toán khó, bởi nếu chú ý phát triển kinh tế quá mạnh sẽ kéo theo sự phá hủy dần môi trường và nét nguyên sơ của phố cổ và nét nguyên sinh của Cù Lao Chàm, không những vậy, phát triển du lịch sẽ phá vỡ dần cấu trúc và nếp sống của người dân bản địa. Giải pháp trước mắt được lựa chọn đó là đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với quy hoạch kiến trúc phải phù hợp với cảnh quan xung quanh, tạo được sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đặc biệt, phải tính đến vai trò của sông nước đối với đời sống cũng như cảnh quan môi trường nơi đây. Cần có những cái nhìn năng động hơn trong việc bảo tồn di sản với sự quan tâm hỗ trợ kinh phí trùng tu và bảo tồn di sản từ nhiều nguồn khác nhau.
Với quan điểm phát triển du lịch bền vững đã được xác định, Hội An có đầy đủ những điều kiện lý tưởng về sông, biển, hệ sinh thái đa dạng phong phú nếu được đầu tư đúng mức và có những giải pháp đúng đắn, nơi đây sẽ là một điểm đến cực kỳ hấp dẫn trên Con đường du lịch Di sản miền Trung./.
 

Tác giả bài viết: Ngô Hoa

Nguồn tin: vnexpress.net