Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Giảm áp lực cho di sản

Chiến lược “Lồng ghép văn hóa và du lịch” được công bố hôm 9.5 đã trở thành “kim chỉ nam” phát triển du lịch, bảo vệ di sản trước cơn lốc đầu tư tại Quảng Nam.

 

Du lịch Quảng Nam đã phát triển rất nhanh trong vòng 2 thập niên qua. “Cơn bão” du lịch đã làm thay đổi đời sống, dù các nhà quản lý du lịch đã lên tiếng rằng lượng du khách đến Hội An và Mỹ Sơn hay Cù Lao Chàm vẫn chưa đạt đến mức “kỷ lục” để gây ra sự đảo lộn hoặc áp lực cho di sản. Tuy nhiên, phát triển hiện tại nếu chưa đến mức độ báo động hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và làm lệch các giá trị văn hóa, thì vẫn không thể giấu che hết nỗi lo sợ “đánh mất vị thế” Quảng Nam trên bản đồ du lịch Việt Nam. Vì thế, các nhà quản lý, chính quyền sở tại buộc phải đưa ra một sự lựa chọn có tính chiến lược để “ngăn ngừa” áp lực vào di sản.

alt
Hội An nằm trong điểm du lịch di sản kết nối ở Quảng Nam.                    Ảnh: NAM KHA

Với kết quả từ những cuộc điều tra, khảo sát, tham vấn chuyên gia và ý kiến từ cộng đồng… suốt một năm qua với sự hợp tác của UNESCO, một chiến lược “Lồng ghép văn hóa và du lịch” nhằm phát triển bền vững Quảng Nam đã được công bố hôm 9.5. Mục tiêu cụ thể của chiến lược là kết nối các điểm du lịch di sản (Hội An - Khu Di tích Mỹ Sơn - Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm); phát triển du lịch thông qua các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; xây dựng sản phẩm, tổ chức sự kiện và công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Quảng Nam. Chiến lược còn đưa ra kế hoạch xác định các khu vực phát triển du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch bổ sung, giảm áp lực các điểm du lịch di sản; kết nối phát triển du lịch “tam giác di sản” từ Quảng Nam đến Quảng Bình; giảm thiểu rủi ro đối với du lịch và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng cư dân địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo… Việc triển khai hiệu quả chiến lược này phụ thuộc vào các mục tiêu ưu tiên cụ thể theo từng giai đoạn. “Đây là chiến lược có tính khả thi cao. Nếu không lồng ghép được văn hóa và du lịch thì sự phát triển du lịch sẽ trở nên nhàm chán. Từ nay, mọi kế hoạch phát triển du lịch đều phải được đặt trong yêu cầu phát triển, bảo tồn di sản và các giá trị văn hóa, trên nền tảng bảo đảm môi trường, xây dựng nên một sản phẩm du lịch hấp dẫn và mang lại lợi ích cho cộng đồng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả nói.

Chiến lược đã được công bố nhưng cũng mới chỉ là bước ban đầu. Việc triển khai thực hiện chiến lược sẽ còn nhiều khó khăn. Theo chuyên gia bảo tồn, du lịch Randy Durband, điều phải hướng tới của chiến lược chính là phải giữ được giá trị văn hóa chân thực, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, hướng về du lịch chất lượng cao, kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao khả năng chi tiêu của du khách. Ông Jozef Van Doorm, Cố vấn trưởng dự án ILO “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện vùng sâu đất liền ở Quảng Nam” thì nhấn mạnh tới việc phân phối lợi ích du lịch trên diện rộng, để người nghèo thực sự hưởng lợi từ du lịch là điều đáng quan tâm. “Nếu chỉ làm du lịch cộng đồng không thì tác động và hiệu quả không được rộng lớn. Cung cấp kỹ năng, kiến thức du lịch cho cộng đồng và cung ứng nguồn nhân lực du lịch này cho các trung tâm du lịch thì việc hưởng lợi từ cộng đồng sẽ gia tăng lên rất nhiều” - ông Jozef Van Doom nói. 

Bà Dương Bích Hạnh, đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội cam kết sẽ hỗ trợ, đầu tư tại Quảng Nam những dự án phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao năng lực hướng dẫn viên di sản và đưa ra sản phẩm du lịch mới; hướng dẫn trùng tu di sản và đánh giá lại mục tiêu đào tạo, hướng về chất lượng nhiều hơn là số lượng trong hoạt động du lịch. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả cũng khẳng định: “Không gian du lịch Quảng Nam sẽ được mở rộng, tất cả cộng đồng cư dân đều được hưởng lợi, trở thành những chủ nhân phát triển du lịch từ chiến lược mở này”.

Nguồn tin: www.zing.vn