Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Di sản trước “cơn lốc” đầu tư du lịch

Dự án Lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững được triển khai trong vòng một năm qua đã mở đường cho việc khai thác tối đa lợi thế phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn được di sản trước “cơn lốc” đầu tư.

 

alt

Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký kết với Văn phòng UNESCO Hà Nội để thực hiện dự án “Lồng ghép văn hóa du lịch nhằm phát triển bền vững Quảng Nam”, tiến hành một loạt hội thảo cùng nhiều cuộc khảo sát, phỏng vấn, tổng hợp các ý kiến, sáng kiến phát triển du lịch và bảo vệ di sản. Mục đích không ngoài tối đa hóa các cơ hội và lợi ích phát triển du lịch song song với bảo tồn di sản; chấm dứt tình trạng loay hoay trong việc định hình phát triển du lịch bền vững, tạo động lực đóng góp trở lại cho việc bảo vệ, làm giàu dựa trên các tài nguyên văn hóa, lịch sử; cải thiện thu nhập và đời sống của cộng đồng dân cư địa phương… Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL, chiến lược lồng ghép văn hóa du lịch này được xây dựng với một cách tiếp cận mới. Phải huy động được sự tham gia, đóng góp tích cực từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư sinh sống trong và xung quanh các khu vực di sản. Nếu triển khai thực hiện ngay trong năm 2011 sẽ là cơ hội mở đường cho việc khai thác tối đa lợi thế phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn được di sản trước cơn lốc đầu tư đang bùng phát từng ngày. Đặc biệt cần tạo mối liên kết giữa việc quảng bá, xây dựng một trung tâm thông tin du khách và liên kết Cù Lao Chàm - Hội An - Mỹ Sơn. 

alt
Khách  du lịch gia tăng tạo ra nhiều “áp lực” lên di sản.                             Ảnh: T.D

Từ kết quả những cuộc điều tra, khảo sát, tham vấn chuyên gia và ý kiến của cộng đồng… suốt một năm qua, những người tham gia dự án đã xây dựng chiến lược, triển khai một số hoạt động thí điểm. Hiện chương trình đã đào tạo được 20 hướng dẫn viên di sản; đào tạo, nâng cao kỹ năng phát triển sản phẩm nghề thủ công; kỹ năng bổ trợ cho cán bộ quản lý; tập huấn về phương pháp marketing điểm đến và phân tích thị trường cho doanh nghiệp; hoàn thành hai ấn bản du lịch (bản đồ và hướng dẫn) phát hành miễn phí cho du khách.

Tại cuộc hội thảo cuối cùng của dự án “Lồng ghép văn hóa du lịch” tổ chức ở Hội An ngày 1 và 2 tháng 3.2011, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội thừa nhận đã có thêm sự đổi mới trong nhận thức và xây dựng kế hoạch theo phương thức mới, trí tuệ và thực tiễn. Năng lực quản lý, điều hành của cán bộ địa phương đã được cải thiện. Một số vấn đề quan trọng như xác định thuộc tính, đặc tính di sản; các điểm đến cụ thể hoặc các nguy cơ ảnh hưởng văn hóa, di sản từ con người, hoạt động phát triển kinh tế, phát triển du lịch và cơ sở hạ tầng… đã được “đưa ra ánh sáng”. Chính quyền Quảng Nam cam kết sẽ phê duyệt chiến lược này, đưa ra các giải pháp bảo đảm tính nguyên bản trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản, quan tâm tới môi trường sinh thái…

alt
Khách  du lịch gia tăng tạo ra nhiều “áp lực” lên di sản.             Ảnh: T.D

Phát triển du lịch vẫn còn thiếu cái nhìn về bảo tồn và phát triển giá trị di sản. Theo các chuyên gia bảo tồn, Cù Lao Chàm đang đối mặt với áp lực nhanh chóng gia tăng về khách du lịch. Vấn đề quan trọng là nâng cao doanh thu và chia sẻ lợi ích du lịch một cách công bằng và cơ hội du lịch phải được lan tỏa đến các khu vực mới gồm vùng ven biển, nông thôn và miền núi; xây dựng Quảng Nam thành một điểm đến du lịch chất lượng cao. Cải thiện sinh kế cho người dân từ sự phát triển du lịch là điều cần thiết trên hết. Ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, Hội An đã tiến hành dời dân, giảm tác động và mật độ kinh doanh, buôn bán trong phố cổ, xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng tại Cẩm Thanh… Vì vậy, rất cần một kỹ năng du lịch cho cộng đồng, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch.

Trong hai thập niên qua, du lịch Quảng Nam đã phát triển rất nhanh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tốc độ tăng trưởng trung bình của du khách quốc tế khoảng 26-28%/năm. Nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng thiếu tính bền vững khiến cho việc bảo tồn di sản gặp nhiều khó khăn. Việc thiếu cán bộ có tay nghề cao, yếu ngoại ngữ và thiếu kiến thức văn hóa, di sản… đã đẩy giá trị di sản - chỗ dựa phát triển du lịch vào áp lực suy thoái, buộc chính quyền và các cơ quan quản lý phải xây dựng những biện pháp lồng ghép văn hóa và du lịch.

Với chuyên gia bảo tồn, du lịch Randy Durband thì giữ được giá trị văn hóa chân thực, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, nhất là phát triển làng nghề, nghề sông nước… chính là hoạt động ưu tiên của chiến lược lồng ghép văn hóa du lịch. “Không thể phát triển quá nhiều ở Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm mà phải bảo tồn giá trị tự nhiên và văn hóa. Mục tiêu là ít du khách nhưng lại… tiêu nhiều tiền hơn, hướng về du lịch chất lượng cao, kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao khả năng chi tiêu của du khách” - ông Randy Durband nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả, UBND tỉnh sẽ xem xét và phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch trong việc lồng ghép văn hóa, du lịch đến 2015, 2020. Từ nay, mọi kế hoạch phát triển du lịch đều phải được đặt trong yêu cầu phát triển văn hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa và bảo tồn di sản, khu dự trữ sinh quyển. “Cần truyền thông tới tận cộng đồng để tìm tiếng nói chung, nhận sự thấu hiểu để tạo sự phát triển bền vững; đặt ra lộ trình cụ thể để xây dựng nên thương hiệu du lịch Quảng Nam. Nhân rộng mô hình hướng dẫn viên di sản và liên kết du lịch vùng hiệu quả sẽ là thành công lớn của Chiến lược lồng ghép văn hóa, du lịch được kỳ vọng này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả nói.

Nguồn tin: www.zing.vn