Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Carnaval Hội An

Không chỉ ở Brazil với vũ điệu samba và lễ hội carnaval truyền thống, Hội An những ngày này cũng mang đến cho du khách một “lễ hội carnaval” với bản sắc riêng. Đó là lễ hội của âm nhạc, màu sắc và những trái tim yêu nghệ thuật đơn thuần.

 

alt
Du khách đến với Hội An tăng đột biến nhân sự kiện hợp xướng quốc tế.  Ảnh:MINH HẢI

Đường phố Hội An chìm vào không khí lễ hội đặc biệt, với sự hiện diện của 24 đoàn hợp xướng đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điệu moonwalk của Michael Jackson cùng những chiếc mũ phớt nhấp nhô khiến đêm Hội An vốn trầm lắng bỗng trở nên khác lạ. Đoàn Việt Nam cùng những trang phục truyền thống và các ca khúc quen thuộc đã chinh phục số đông du khách nước ngoài…

Hợp âm trên những đường phố là phần được người dân Hội An mong đợi. Và những đoàn nghệ thuật đã không làm họ thất vọng. Không gian “sân khấu mở” đã gắn kết những tâm hồn đồng điệu lại với nhau. Đoàn hợp xướng Singapore với các nghệ sĩ đã ở “tuổi xế chiều” nhưng giọng ca vẫn mặn nồng và nghệ thuật trình diễn điêu luyện làm say mê biết bao du khách. Bằng trang phục bắt mắt và những âm điệu sôi nổi, đoàn ACS Jakarta (Indonesia) đã dẫn dắt người xem qua bao nhiêu vùng, tham dự bao nhiêu lễ hội của đất nước họ chỉ bằng ngôn ngữ âm nhạc… Hay như đoàn hợp xướng thiếu nhi của Sri Lanka bằng bản sắc riêng của mình đã đưa khán giả vào “vùng đất Phật” với những phong tục, tập quán không thể trộn lẫn.

Theo Phòng Xúc tiến thương mại Hội An, số lượng khách du lịch đến Hội An trong những ngày diễn ra liên hoan và hội thi Hợp xướng quốc tế lần thứ I tăng đột biến với hơn 2.000 lượt khách. Trước ngày diễn ra khai mạc, tất cả các khách sạn Hội An đều kín chỗ. Một số đoàn dự thi phải ở tại Đà Nẵng và có xe đưa đón vào Hội An để tập luyện và tranh tài.

Nếu có một nơi mà bất cứ góc phố, sân vườn hay thậm chí là trong những ngôi nhà cổ đều có thể làm nghệ thuật - thì chỉ có ở Hội An. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây không gian đầy chất thơ, và tiền nhân qua thời gian đã dày công gầy dựng những tường thành rêu phong với một không gian sinh tồn “hẹp mà sâu”… Từ những ưu ái đó, người dân phố cổ đã biết cách níu người từ khắp mọi nơi trên thế giới cùng về “làm” lễ hội. 

Hội An về đêm, lại gặp hình ảnh ông đồ xưa thanh thản cho chữ. Ở một nơi khác, nhiều người đang lắng nghe thơ Đường. Không gian dạy viết thư pháp chừng như sôi nổi hơn. Du khách Tây - có thể sẽ không am hiểu về thơ Đường, về nghệ thuật thư pháp - nhưng vẫn dừng bước khi đến những địa điểm này. Paulla, một du khách Mỹ hào hứng đưa mọi người xem chữ “tâm” chị đã viết được sau hơn một giờ “kiên trì” luyện chữ. Dù không thật giống thư pháp, nhưng đó chính là tình cảm mà du khách dành cho không gian văn hóa nơi phố cổ. “Thật vui và cũng thật khó!” - Paulla cười tươi.

Ở các góc phố, nơi có những ngôi nhà cổ với vuông cửa sổ thật rộng, vọng ra tiếng trẻ em ríu rít hát dân ca. Những điệu lý, điệu hò với câu từ trong sáng góp phần tạo nên cảm giác bình yên nơi phố cổ. Ông Phùng Sơn - một người yêu dân ca của Hội An và là người sưu tầm và làm mới các làn điệu dành cho trẻ thơ Hội An, cho biết: “Đêm nào cũng có lớp học dân ca với chừng một tốp khoảng 15 em. Lớp học đã duy trì được hơn một năm, vừa để duy trì phong trào ca hát truyền thống, vừa để giới thiệu đến du khách những làn điệu độc đáo của Quảng Nam”. Các chiếu tuồng, bài chòi, cờ làng, bịt mắt đánh trống… cũng được tái hiện để làm sống lại một Hội An của hàng trăm năm trước.

Nguồn tin: www.zing.vn