Sức sáng tạo trẻ ở làng Thanh Hà
- Thứ năm - 24/10/2024 15:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không chỉ giữ nghề, giữ làng mà hai bạn còn tìm tòi, đổi mới và sáng tạo để nghề gốm Thanh Hà có thể theo kịp các lò gốm nổi tiếng khác trong nước và chinh phục được thị hiếu khách hàng hiện đại.
Chuốt gốm là niềm vui của Nhung mỗi ngày. Ảnh: Làng gốm Thanh Hà- gốm Sơn Thúy
Mỗi ngày, cơ sở gốm Sơn Thúy đón tiếp đông đảo du khách ghé chân. Phần lớn du khách thích thú khám phá các điểm chuốt gốm, tự tay tạo nên sản phẩm và tham quan các lò nung gốm tại làng Thanh Hà. Gắn bó với nghề đã lâu, cũng như trải qua thời gian dài tiếp xúc, phục vụ du khách, Lâm và Nhung nhìn thấy những mặt được và chưa được của gốm Thanh Hà, từ đó chịu khó nghiên cứu, mong tìm ra những giải pháp thay đổi, đưa nghề gốm Thanh Hà phát triển đi lên.
Sản phẩm gốm Thanh Hà được Viết Lâm đem đi giới thiệu, quảng bá ở nhiều nơi. Ảnh: Làng gốm Thanh Hà- Gốm Sơn Thúy
Tuyết Nhung chia sẻ “Gốm Thanh Hà khó cạnh tranh với các lò gốm nổi tiếng khác trong nước là do hoa văn thô, không bắt mắt cũng như gốm nung dễ vỡ nên không phải là quà tặng lưu niệm hấp dẫn với du khách”. Chính vì thế, gia đình Nhung, Lâm luôn đau đáu tìm ra hướng đi để khắc phục những mặt hạn chế của gốm Thanh Hà.
Sản phẩm xinh xắn tại Cơ sở gốm Sơn Thúy. Ảnh: Visit Hoi An
May mắn thay người trong gia đình, anh Sơn ba ruột của Lâm được thành phố tạo điều kiện sang Nhật học hỏi kinh nghiệm sản xuất gốm, tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại. Sau khi trở về, gia đình quyết định đầu tư vốn mua lò nung điện, kết hợp tráng men để tạo nên độ bền chắc và thu hút hơn cho sản phẩm. Dựa trên kỹ thuật men truyền thống và có sự học hỏi kỹ thuật men ở các lò gốm nổi tiếng ở trong nước cũng như men Nhật Bản, Lâm và Nhung bắt đầu sáng tạo men dựa trên nguyên liệu từ bột đá khoáng nghiền nhỏ vào kỹ thuật chế tác gốm.
Các sản phẩm được "khoác áo mới" tại làng gốm Thanh Hà. Ảnh: Visit Hoi An
Tuy nhiên, các mẻ gốm ra lò sau khi vận dụng kỹ thuật mới đều bị vỡ vụn. Tiếp tục quá trình nghiên cứu, hai bạn đã tìm ra nguyên nhân trong quá trình nung gốm bị sốc nhiệt, nghĩa là tăng nhiệt quá nhanh; sản phẩm chưa khô hoàn toàn, còn bị ẩm trong quá trình phơi nên sau đó đã có quá trình điều chỉnh cho phù hợp để các sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn.
Ảnh: Visit Hoi An
Hiện nay cơ sở gốm Sơn Thúy là cơ sở đầu tiên và duy nhất tại làng gốm Thanh Hà có tráng men. Các sản phẩm được nung ở khoảng 1200 độ C trong 12 tiếng trở nên chắc chắn, bền và nhìn bắt mắt như lọ hoa, ấm rượu, trà, ly tách, dĩa, chén…, từ đó được du khách đón nhận và bán với giá thành cao gấp 3-4 lần loại gốm thô truyền thống.
Gốm Sơn Thúy làng Thanh Hà đã được chu du không những các vùng miền trong nước mà còn theo chân du khách với những món quà lưu niệm xinh xắn mang dấu ấn văn hóa Hội An ra nước ngoài. Từ đó giá trị sáng tạo gốm Thanh Hà được lan tỏa và tạo thêm động lực để giới trẻ địa phương tiếp tục cống hiến, giữ tinh hoa nghề mà cha ông trao truyền.
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An