Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Mở rộng không gian di sản Hội An

Qua 20 năm kể từ khi Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Danh hiệu đã mở ra nhiều cơ hội cho du lịch Quảng Nam phát triển mạnh mẽ, nhưng đồng thời đặt ra không ít thách thức cần giải quyết.
images1552359 TNB 10238 03 Không gian du lịch Hội An được mở rộng về các vùng ven di sản. Ảnh: V.L

Hơn 550 nghìn lượt khách đã mua vé tham quan khu rừng dừa nước Cẩm Thanh trong 8 tháng đầu năm 2019, đạt 95% so với kế hoạch cả năm thành phố đặt ra (600 nghìn khách). Cách đó không xa, làng gốm Thanh Hà cũng đón gần 500 nghìn lượt khách du lịch kể từ đầu năm đến nay. Một sự gia tăng “thần tốc” đối với những vùng quê một thời được xem là khốn khó này.

Vai trò hạt nhân

Bên cạnh giúp kinh tế, xã hội địa phương phát triển, du lịch đã tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng, đặc biệt là cải thiện sinh kế, giảm nghèo. Tại xã Cẩm Thanh, gần 1.000 hộ dân đã được hưởng lợi trực tiếp kể từ khi rừng dừa phát triển du lịch. Thông qua các hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, bán hàng lưu niệm, ăn uống, đưa đón khách tham quan… đời sống nhiều hộ dân đã cải thiện rõ rệt, không ít gia đình, những người lớn tuổi trước đây chủ yếu chờ sự hỗ trợ của thành phố thì nay có thể sống tốt nhờ thu nhập ổn định từ nghề bơi thúng đưa khách khám phá rừng dừa.

Ông Nguyễn Hùng Linh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh khẳng định, dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng du lịch rừng dừa nước Cẩm Thanh đã có bước phát triển vượt bậc, nhất là khi xu hướng du lịch xanh, sinh thái đang trở thành trào lưu, được nhiều du khách ưa chuộng. Du lịch không chỉ tạo sinh kế, thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy tốt những giá trị văn hóa, sinh thái, thay đổi nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch bền vững.

Cẩm Thanh và làng gốm Thanh Hà chỉ là 2 trong số nhiều làng quê của Hội An được hưởng lợi từ hoạt động du lịch kể từ khi Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

Thống kê cho thấy, nếu năm 1999 Hội An đón chưa tới 200 nghìn lượt khách tham quan thì đến năm 2018 con số này đã tăng lên gần 5 triệu lượt (gấp 25 lần), tốc độ phát triển bình quân năm đạt gần 20%, du lịch. Du lịch,  thương mại, dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ đạo, chiếm trên 70 tổng cơ cấu kinh tế thành phố suốt nhiều năm.

Hoạt động du lịch Hội An đã không còn bó hẹp trong phố cổ mà đã mở rộng ra các vùng ven xung quanh thành phố, kể cả đến Điện Bàn, Duy Xuyên; lan tỏa vào phía Nam và lên phía Tây của tỉnh. Ngày càng xuất hiện nhiều điểm tham quan du lịch “ăn theo” thương hiệu Hội An dù đặt tại Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình.

Phát triển bền vững

Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, hiệu ứng  từ danh hiệu Di sản văn hóa thế giới mang lại cho du lịch Hội An, Quảng Nam là không bàn cãi, vì đã được minh chứng qua nhiều con số tăng trưởng và những đổi thay trong bức tranh kinh tế, xã hội địa phương. Dù vậy, khách gia tăng cũng đặt ra nhiều thách thức, áp lực về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, nhất là biến dạng văn hóa, nếp sống phố cổ… Do đó, việc mở rộng không gian du lịch ra bên ngoài vừa là mục tiêu đồng thời cũng là sự bắt buộc nhằm tạo sự đa dạng điểm đến. Bởi, Quảng Nam không chỉ có các di sản văn hóa thế giới mà còn nhiều tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn từ rừng xuống biển, trong đó các di sản sẽ đóng vai trò hạt nhân tạo sự lan tỏa.

Thực tế, kể từ năm 2000, không gian du lịch Hội An đã liên tục được mở rộng ra các vùng ven với hàng loạt sản phẩm du lịch độc đáo như trải nghiệm làng rau Trà Quế, khám phá làng mộc Kim Bồng, rau An Mỹ, du lịch nông nghiệp Cẩm Thanh… Đặc biệt, danh hiệu di sản cũng đã tạo điều kiện thúc đẩy nhiều hoạt động xã hội liên quan như phát triển sản phẩm làng nghề; gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; hình thành lên đội ngũ những ông chủ doanh nghiệp du lịch người Hội An…

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, thành công nhất của Hội An 20 năm qua chính là đã thay đổi nhận thức của cộng đồng và đội ngũ những lãnh đạo thành phố. Thể hiện qua việc ban hành các quy chế phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, phát triển du lịch dịch vụ. Đặc biệt, mở rộng không gian du lịch cũng chính là cách chia sẻ lợi ích cộng đồng và giúp giảm áp lực du lịch lên di sản thiết thực, hiệu quả nhất.

“Mở rộng không gian du lịch cũng phải gắn liền với việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch xanh, mang tính trải nghiệm; các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao theo hướng văn hóa, sinh thái… đây là những mục tiêu xuyên suốt của thành phố thời gian qua, hiện nay cũng như nhiều năm tới” - ông Sơn nói.

GIA KHANG
baoquangnam.vn