Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Hội An, một "thực thể sống"

Di sản phố cổ Hội An là "một thực thể sống" với hai mặt giá trị cụ thể. Một bên là những giá trị văn hóa bề nổi đang được bổ sung, thay đổi thường xuyên nhằm đáp ứng với nhu cầu cần có của một thành phố du lịch. Một bên là cuộc sống thực của người dân phố Hội ngay trong lòng di sản...

long den hoi an

1. Trong nhiều cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao thành phố Hội An, điều mà ông tâm đắc nhất đối với Hội An hôm nay là "sự trải nghiệm của một đô thị cổ trong lòng một quần thể di tích với nhiều giá trị về kiến trúc, văn hóa, di sản xâu chuỗi". Du khách không chỉ đến Hội An để tận hưởng một "phố Tây ở trời Việt", mà còn là sự cảm nhận tinh tế nhất về một chiều sâu văn hóa đa tầng, đa sắc. Ông Phùng cho rằng, nếu so với Hội An cách đây mười năm, thì sự lột xác của Hội An bây giờ là "hiển nhiên và cần thiết".

Những người làm văn hóa như ông đã bỏ công "sục sạo" hầu như mọi ngõ ngách của Hội An để tìm ra phương thức phù hợp nhất, hài hòa nhất, nhằm vừa bảo tồn, vừa phát huy những giá trị của di sản phố cổ Hội An. Hành trình khám phá Hội An đã luôn được làm mới và bổ sung nhiều yếu tố với các sản phẩm làng nghề truyền thống như Mộc Kim Bồng, Rau Trà Quế, Gốm sứ Thanh Hà, hay quá trình phục hồi và tổ chức lại sự kiện Ðêm phố cổ với chuỗi hoạt động phong phú như hát bài chòi trên sông Hoài, ẩm thực đường phố, đêm đèn lồng phố cổ...

"Tính cộng đồng, đó là điều quyết định thành công của Hội An. Thí dụ, các lễ hội dân gian và các sản phẩm mới như Ðêm phố cổ, Phố đi bộ, Phố đêm, Ðêm Cù Lao Chàm... nếu thiếu sự hưởng ứng đầy trách nhiệm của người dân thì chắc chắn là không thể thành công, không thể tồn tại và phát triển lâu bền như vậy. Một sản phẩm đã trở thành của nhân dân thì người dân sẽ giữ gìn và phát huy. Con người Hội An với tính thuần hậu, nếp sống tao nhã, hiền hoà cũng là một sản phẩm văn hoá có giá trị vô hình nhưng rất to lớn, để Hội An mãi là một di sản sống với đủ đầy ý nghĩa. Hằng năm, chính quyền và người dân đã bỏ ra hàng tỷ đồng để phục hồi, trùng tu nhiều ngôi nhà cổ. Người dân Hội An chính là trọng tâm của sự phát triển, khi người dân làm chủ được di sản, thì đây chính là mấu chốt quan trọng để chính quyền thực hiện tốt các chủ trương, chính sách nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển Hội An ngày càng tương xứng" - ông Phùng quả quyết.

Mới đây, chính quyền thành phố đã triển khai việc tất cả cán bộ đều sử dụng xe đạp đi làm. Từ việc cấm xe máy vào phố cổ Hội An theo từng thời gian, tạo khu phố đi bộ, đến việc người dân phố Hội đi xe đạp đã thêm lần nữa minh chứng cho việc hạn chế thấp nhất sự tác động của ngoại cảnh, mà cụ thể là con người, để giữ gìn Hội An như chính thực thể sống, là di sản sống với đầy đủ giá trị của nó.

1204ctha2

Du khách thân thiện trên phố cổ Hội An. Ảnh: ANH ĐÀO

2. Trải nghiệm Hội An, nhiều du khách khi được tham khảo ý kiến đều nói rằng: Không gian văn hóa ở đây gợi mở và mang bản sắc xứ Quảng, trong đó, có sự giao thoa, hội nhập, vừa thấm đẫm văn hóa Việt, vừa có sự sang trọng của các nền văn hóa khác nhau khi du khách đến đây. Ðặc biệt, hiện có nhiều du khách nước ngoài chọn Hội An để "định cư", và làm giàu từ "phố Hội". Sức hấp dẫn của Hội An luôn sẵn có và ngày càng được khẳng định, thông qua việc Hội An liên tục được các tạp chí uy tín về du lịch trên thế giới bầu chọn là "điểm đến hấp dẫn", "điểm đến bình yên".

Sức hấp dẫn của phố cổ Hội An có được hôm nay là nhờ vào chiến lược phát triển du lịch nhất quán mà chính quyền thành phố đã đặt ra: Phát triển du lịch dựa trên cơ sở bảo tồn di sản và tài nguyên văn hóa môi trường của địa phương. Du lịch di sản cần hướng tới sự thu hút từ cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích từ du lịch cho cộng đồng và cuối cùng là phát triển Hội An thành một điểm đến chất lượng cao, bền vững.

Ông Phan Phước Tùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn xích-lô văn hóa Hội An, là một "hướng dẫn viên du lịch" thú vị, với "cái vốn" là những trải nghiệm trong công việc đạp xích-lô gần mười lăm năm qua. Nhận mình là một "sứ giả" của du lịch Hội An, ông bày tỏ với chúng tôi rằng sự pha tạp về văn hóa đã làm cho những giá trị văn hóa Hội An thêm phong phú nhưng vẫn giữ được cái hồn cốt xưa. Là thành phố du lịch, di sản du lịch nhưng nếu phát triển mà giữ nguyên cái vốn có thì sự phát triển đó không phù hợp, hay đúng hơn là phát triển không bền vững. Mà sự bền vững phụ thuộc vào chân giá trị. Những giá trị nền tảng vốn có của Hội An sẽ ngày càng được nâng lên trên cơ sở tinh lọc cái tốt, cái đẹp để bồi đắp, làm phong phú cái cũ. "Nói một cách ví von như anh em trong Nghiệp đoàn xích-lô văn hóa Hội An chúng tôi, thì Hội An như một cơ thể sống và đến với Hội An, mỗi người sẽ biết tự mình phải đối xử với thực thể sống đó thế nào cho phù hợp nhất. Ngay chính người Hội An như tôi cũng là một nhân tố quan trọng để góp phần giữ cho "thực thể sống" đó ngày càng phát triển và trù phú. Xứng danh là một thành phố văn hóa- du lịch đặc biệt của xứ Quảng và của Việt Nam", ông Tùng tâm sự.

3. Về Hội An, đi trên những con phố đẹp bình yên, ghé lại những mẹt hàng lưu niệm bán tò he của các mẹ già xứ Hội, mới hay, cuộc sống thật đẹp và đầy ắp âm thanh. Bà Phan Thị Mười, người "giữ chân" du khách trên Chùa Cầu bằng những chú tò he bé xinh, cho chúng tôi cảm giác bình yên của chính hồn cốt Hội An. Cầm bàn tay đã ngả màu thời gian với hàng trăm nếp nhăn của bà, tôi lặng đi khi nghe bà nhắn nhủ. Bà bán tò he từ thời thiếu nữ, đến bây giờ, con cháu bà đã bay nhảy khắp nơi, bà vẫn gắn đời mình với phố cổ. Vui vì bà được chụp ảnh với nhiều khách quốc tế, rồi những chú tò he của bà được du khách mua làm quà lưu niệm mang đi khắp nơi. Bà nói: "Âm thanh của phố cổ Hội An là âm thanh cuộc sống với nhiều cảm xúc vui buồn, bình yên hay hạnh phúc. Bà bán tò- he để mưu sinh, nhưng cũng vì quá yêu quý quê hương mình mà không thay đổi nghề này mấy chục năm qua".

"Chất Hội An", "giá trị Hội An" có phải được hun đúc, xây dựng nên từ những tấm chân tình như bà Mười bán tò-he trên phố cổ? Bao năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Hội An đã minh chứng rằng: "Di sản sống" và "sống trong di sản" tuy hai mà một, tuy một mà hai. Ðặt con người và di sản ở vị trí ngang bằng để từ đó, giữ gìn, phát huy và làm giàu từ di sản là những gì đã được bắt đầu từ chính ý thức người Hội An.

Gần 16 năm thực hiện, Ðêm phố cổ (từ tháng 8-1998) đã tổ chức được 212 lần; thu hút được trên 150 ngàn lượt khách; đặc biệt, cứ mỗi lần tổ chức ÐPC, theo thống kê của phòng Thương mại - Du lịch TP Hội An, lượng khách lưu trú tăng đột biến, bình quân 262,69% so với các ngày trong tháng. Hiệu ứng mạnh nhất và đánh giá của du khách đó là sự khác biệt trên nền tảng một sản phẩm du lịch văn hóa rất đặc trưng.

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

Nguồn tin: nhandan.org.vn