Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Hội An lan tỏa sản phẩm OCOP

Thời gian qua, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, TP.Hội An chú trọng hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nhất là gắn với hoạt động du lịch.
TNB 62728 01
Sản phẩm OCOP “Hạt nêm rau củ Long Hoa” được trưng bày, giới thiệu tại một sự kiện được TP.Hội An tổ chức. Ảnh: P.S

Năm 2023, UBND TP.Hội An đã công nhận 4 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 3 sản phẩm 3 sao. Thành phố cũng công nhận 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của 13 chủ thể. Thành phố ưu tiên, khuyến khích các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vùng nguyên liệu địa phương, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ mới và phù hợp với tiềm năng, lợi thế.

TP.Hội An và UBND các xã, phường đã tuyên truyền rộng rãi chương trình OCOP đến cộng đồng dân cư; hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu đăng ký tham gia.

Những điểm mới tại Quyết định số 148 ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP cũng được phổ biến để các chủ thể nắm bắt và thực hiện một số hồ sơ bắt buộc, các nội dung liên quan đến chuẩn hóa sản phẩm.

“Tôi và các thành viên trong nhóm làng nghề Hội An rất cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và thành phố qua chương trình OCOP, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nhóm làng nghề chúng tôi cũng đã tham gia trình diễn nghề, trưng bày sản phẩm, trong đó có sản phẩm OCOP, tại vườn tượng An Hội thì thấy du khách rất thích thú. Tôi nghĩ đây là một hoạt động rất có triển vọng” - ông Nguyễn Đức Thắng, chủ hộ kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Đức Vĩ bày tỏ.

Cùng với hỗ trợ phát triển sản phẩm, TP.Hội An còn chú trọng công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Trong năm 2023, thành phố đã tổ chức và hỗ trợ chủ thể tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Trong đó, nổi bật là Phiên chợ khởi nghiệp - tiêu dùng xanh Hội An 2023 thu hút khoảng 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế. Qua đó, tạo sự giao lưu, kết nối và giới thiệu sản phẩm với nhau cho du khách và người dân địa phương.

Cũng trong năm 2023, Phòng Kinh tế và Phòng VH-TT TP.Hội An đã phối hợp tổ chức tọa đàm kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu với các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn. Qua đó, các cơ sở chủ động giới thiệu sản phẩm với các doanh nghiệp du lịch và đã kết nối đưa sản phấm đến khách sạn Silk Sense, nhà hàng Chợ Phố...

Theo đánh giá của TP.Hội An, với sự lan tỏa của chương trình OCOP, các cơ sở, chủ thể sản xuất kinh doanh đã chủ động đăng ký tham gia chương trình và tâm huyết với từng sản phẩm.

Các chủ thể từng bước được tiếp cận và tích cực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực quản lý, đổi mới công nghệ sản xuất, đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Xu hướng phát triển sản phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc hữu cơ, tự nhiên ngày càng được đẩy mạnh.

“Phải gắn kết hơn nữa chương trình OCOP, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với hoạt động khởi nghiệp, hoạt động của các làng nghề và du lịch, dịch vụ.

Thành phố đã xây dựng phương án phát triển điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng Quảng Nam trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 - 2025 cũng như đã thống nhất chủ trương cho phép HTX Nông nghiệp sạch Quê Vườn xây dựng Trung tâm OCOP TP.Hội An tại số 72 Nguyễn Thái Học” - ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.

baoquangnam