Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Giữ gìn làng quê sinh thái

Trước “cơn lốc” đô thị hóa, cảnh quan làng quê Hội An đang dần bị biến dạng. Nếu không kịp thời ngăn ngừa, chấn chỉnh thì vẻ đẹp truyền thống đặc trưng của những làng quê sinh thái có nguy cơ mất hẳn.
Hình thành và phát triển từ một đô thị thương cảng cổ ở vùng “cửa sông, ven biển”, ngoài những đặc điểm chung như nhiều địa phương khác, làng quê và nông thôn Hội An còn có đặc trưng: đó là phố trong làng và làng trong phố.
Nét đặc trưng
Trong khi ở các phường Tân An, Thanh Hà, Sơn Phong…, không ít người dân đang sống và giàu lên bằng nghề trồng hoa cây cảnh; thì ở các khối An Hội, Đồng Hiệp (phường Minh An) lại có một bộ phận đã từng và đang làm nghề chài lưới, đánh cá ven sông. Hiện ở Hội An có khá nhiều gia đình thợ thủ công làm mộc, gốm, lồng đèn, túi xách hoặc may mặc… đang sống ở những làng quê thanh bình, cách xa phố thị. Khá đông người dân ở các làng quê ấy cũng không chỉ là người làm nông thuần túy mà theo mùa vụ có khi họ là những tiểu thương thạo việc, có khi là những người thợ lành nghề. Hội An còn có hệ sông ngòi, biển đảo đa dạng sinh học, có ngư trường rộng lớn với nhiều loại hải sản giá trị cao. Sản xuất và sản phẩm của ngành nông nghiệp, ngư nghiệp không chỉ phục vụ cho nhu cầu tự thân mà còn gắn với kinh tế du lịch - dịch vụ. Hơn thế, sự giao hòa, đan xen phong tục tập quán, nếp sống giữa người dân vùng nông thôn và thành thị còn lưu dấu rõ nét trong đời sống hiện tại ở nhiều nơi…
images1189210 ANH CANH QUAN
Hệ sông ngòi làm nên vẻ đẹp làng quê sinh thái Hội An. Ảnh: Đ.H
Nhiều năm qua, nông thôn Hội An được quan tâm đầu tư đúng mức, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh được xây dựng nhiều hơn, quy chuẩn cao hơn. Hầu như toàn bộ các trục đường giao thông, các tuyến kênh mương nội đồng đã được kiên cố hóa. Hệ thống ống cấp nước sinh hoạt được lắp đặt, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân ở các vùng xa xôi như Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Châu, Cửa Đại. Các tuyến kè bảo vệ bờ sông Thu Bồn đã được xây dựng, nâng cấp đảm bảo ổn định đời sống cho dân cư dọc bờ sông và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Vẫn thấp thoáng ẩn hiện bên những hàng phi lao, vườn cau, rặng dừa xanh tươi là bóng cây đa, bến nước, mái đình. Những lễ hội cầu ngư, cầu bông, giỗ tổ nghề mộc, tế tổ nghề gốm… vẫn được những người dân tổ chức hằng năm.
Biến dạng
Bên cạnh niềm vui về phát triển hạ tầng thì vẫn còn đó nỗi lo. Đáng lo hơn cả là tình trạng tự phát, thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch không đồng bộ. Kiến trúc, xây dựng cũng thiếu định hướng, những ngôi nhà kiểu truyền thống, thuần Việt bên những hàng cau xanh, rặng dừa nước hay lũy tre làng ở Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Cẩm Hà… dần dần bị thay bằng những ngôi nhà bê tông cao tầng với đủ loại kiến trúc chắp vá, lai căng, xa lạ với không gian làng quê truyền thống. Ông Nguyễn Sự - Chủ tịch HĐND TP.Hội An nói: “Ở Cẩm Thanh, khi chưa phát triển thì còn giữ được làng quê. Đến khi phát triển, chúng ta không quản lý chặt thì có một số vùng rất đẹp bây giờ bị bê tông hóa hết. Đã có những bức tường xây cao hơn nhà người ta rồi. Một ngôi nhà ở nông thôn mà xây bức tường cao nghệu, cửa đóng then cài. Nó bị phá vỡ từ đó và biến dạng cũng từ đó!”.
Diện mạo làng quê, nông thôn Hội An vì vậy đã bị biến dạng, tiến độ xây dựng nông thôn mới chậm lại. Tuy không có số liệu thống kê nhưng không thể phủ nhận số lượng cây xanh bị chặt, đốn để nhường đất cho các nhà hàng, khách sạn ngày càng tăng nhanh. Nói đến cảnh quan sinh thái làng quê Hội An cũng cần nói đến hệ sông nước, cồn bàu hiện có. Thực tế là do quản lý lơi lỏng một thời gian dài, ở các địa phương vùng “cửa sông - ven biển” như Cẩm Thanh, Cửa Đại, Cẩm An, Cẩm Châu... đã xảy ra khá nhiều trường hợp vi phạm luật đất đai với các hành vi cơi nới lấn chiếm đất công, san lấp ao hồ làm nhà trái phép… Ở những nơi giáp cồn Ba Xã (Cẩm Châu - Cẩm Thanh - Cẩm Nam), cồn Ba Chươm (Cửa Đại) dọc sông Đình, sông Đò (Cẩm Thanh)…, tình trạng người nuôi trồng thủy sản tự ý be đắp ao hồ trong nhiều năm qua đã làm hệ thống sông lạch bị bồi cạn và lệch dòng chảy đáng kể. Kéo theo đó là sự ô nhiễm môi trường, sự hoang phí trong việc sử dụng khai thác đất cồn, gò ven sông, làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản phong phú - những đặc điểm tạo nên vẻ đẹp du lịch sông nước, làng quê Hội An.
Ngay ở Cù Lao Chàm, tình trạng biến dạng cảnh quan sinh thái cũng được ông Trần Văn An – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cảnh báo: “So với khảo sát trước đây, chúng tôi thấy một số vấn đề rất đáng báo động. Các thủy hệ như Khe Am ở Bãi Làng thì đã cạn, không còn nước và người ta xây một hồ chứa nhưng rác rất nhiều. Một số con suối cũng bị mất. Suối Tình giờ không phải là suối nữa mà giống như một bãi đá thôi. Các con suối ở gần khu dân cư trước đây nước chảy xõa rất đẹp nhưng hiện nay cũng chỉ là cái khe, không còn một giọt nước, rất nhớp. Khu ruộng bậc thang ở đây cũng không thể tìm ra nữa!”…
ĐỖ HUẤN

Nguồn tin: Báo Quảng Nam