Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Vũ Minh - “nhà thơ của phố cổ Hội An”...

Nhà văn Lê Trâm điện báo cho tôi là nhà thơ Vũ Minh đã qua đời vào tối 23.9. Dẫu biết rằng sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của đời người nhưng tôi không khỏi bàng hoàng. Khoảng 10 năm trước, khi còn công tác ở Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam, tôi cùng nhà báo Duy Hiển hay lui tới nhà ông để làm bộ phim tài liệu “Vũ Minh - Nhà thơ của phố cổ Hội An”. Sau đó tôi có viết một bài báo nhỏ về ông...
Nhắc đến Vũ Minh - nhà thơ của phố cổ Hội An, anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam đều nhớ ngay ông già hay đọc thơ và... khóc ngon lành như một đứa trẻ thơ! Còn tôi lại nhớ mãi lần đến chơi nhà ông. Hôm đó, cũng đã trưa. Tôi cùng ông ngồi hàn huyên ở căn phòng khách đơn sơ thì trông thấy một người đàn bà cầm chiếc nón cời thập thò trước cửa. Hỏi chuyện, mới hay chị từ Cẩm Thanh đến nhà ông để mua tập thơ Khúc hát những trái tim của Vũ Minh. Lúc bấy giờ là năm 2000. Một chỉ vàng giá 450.000 đồng. Trong khi đó giá tập thơ Khúc hát những trái tim đến 50.000đ/quyển. Thế nhưng, chị thật thà cười bảo với tôi: “Là người Hội An mà không đọc thơ Vũ Minh thì không phải là người... Hội An!”.
Đêm thơ “Vũ Minh - một đời thơ cho quê hương” do Hội VH-NT tỉnh Quảng Nam, câu lạc bộ thơ Hoài Phố phối hợp tổ chức vào tối 30.5.2011.
Đêm thơ “Vũ Minh - một đời thơ cho quê hương” do Hội VH-NT tỉnh Quảng Nam, câu lạc bộ thơ Hoài Phố phối hợp tổ chức vào tối 30.5.2011.

Tôi quen với nhà thơ Vũ Minh sau khi tỉnh Quảng Nam được tái lập. Ông tên thật là Phan Quang Tại. Sinh năm 1924. Con của một người giữ chùa Quảng Triệu - Hội An. Thuở nhỏ ông theo học thầy Lư - tức nhà thơ Lưu Trọng Lư, tác giả bài thơ Tiếng thu nổi tiếng. Ông yêu thơ và tập tành làm thơ khi còn ở tuổi thiếu niên, được thầy Lư khen “thơ em có hồn”. Năm 1939, Mùa hoa học trò là bài thơ đầu tiên của ông được đăng báo. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Ông hăng hái tham gia kháng chiến. Làm công tác tuyên truyền ở Hội An. Và trong thời gian này, ông sáng tác bài thơ Thôn nhỏ. Nhà thơ Thanh Quế nhận xét: “Vũ Minh đã có được những bài thơ khá như Trái tim người mẹ, Ngày về, Thôn nhỏ; đặc biệt bài Thôn nhỏ là một bài thơ hay không những của Vũ Minh mà của thơ ca kháng chiến nói chung. Chỉ tiếc, do hoàn cảnh chiến trường lúc ấy mà nó không được phổ biến rộng rãi như một số tác giả khác”. Do vậy, bài thơ Thôn nhỏ được in trong nhiều tuyển tập mang tính chất tổng kết một giai đoạn thơ ca cách mạng cũng là điều dễ hiểu.

Nhà thơ Vũ Minh đi tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève - 1954. Công tác ở Báo Đường sắt. Rồi chuyển sang làm Báo Hải Phòng. Từng đoạt giải thưởng thơ  Báo Lao động. Từng có thơ được dịch ra tiếng nước ngoài. Năm 1965, ông trở về Nam, công tác ở chiến trường Quảng Đà, làm phóng viên Báo Cờ giải phóng. Làm thơ, làm ca dao, hò vè... động viên mọi người tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với bút danh Lý Anh Minh. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, ông công tác ở Báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1986, ông nghỉ hưu. Là phóng viên Báo Đường sắt, Hải Phòng, Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng Vũ Minh không biết... viết báo, chỉ biết làm thơ mà thôi! Ông cười bảo với tôi: “Mình là một phóng viên đặc biệt, vô tiền khoáng hậu. Lúc cần kíp thì làm ca dao, hò vè... phục vụ công tác tuyên truyền. Còn không, cứ đi thực tế để có nguồn cảm hứng làm thơ!”. Nhờ chuyên tâm làm thơ mà Vũ Minh đã có nhiều tác phẩm trình làng trong các tập thơ in chung như Vì ngày mai, Tiếng hát đường dài, Như cành hoa nở, Cửa biển; và các tập thơ in riêng: Âm vang lòng biển, Thơ Vũ Minh, Giọt sương giọt trăng, Khúc hát những trái tim...

Đi nhiều nơi, đời cũng nhiều trải nghiệm nên nhà thơ Vũ Minh sớm nhận ra quê hương Hội An là đề tài thơ của ông. Nói một cách khác, phố Hội sông Hoài luôn là mạch nguồn nuôi dưỡng thơ ông. Và ông đã có không ít bài thơ hay viết về Hội An như Dư âm bánh xe gỗ, Người đốt đèn... “Ông tôi đi trong gió trong mưa/ phất phơ đầu tóc bạc/ trên những cột đèn mờ nhạt/ Cửa Tam Quan sáo thổi bốn mùa/ Dáng ông tôi qua lại Vỏ Cua/ Chùa Bà Mụ sang Chùa Ông Chú/ Cây đa lớn cánh tay ôm hoàn vũ/ bóng trùm lên mái ngói âm dương”. “Ở thời ấy/ cha tôi kéo/ xe bánh gỗ/ bánh xe lăn/ trên đường phố/ từ Chùa Cầu/ xuống Ông Bổn/ mười ngón chân/ của cha tôi/ như móng sắt/ gõ gõ gõ.../ Bóng cha tôi/ lưng trần đỏ/ như bức tường/ ngôi nhà cổ...”. Nếu không phải là người Hội An, không phải là “nhà thơ của phố cổ Hội An” thì Vũ Minh khó “vẽ” được những “bức tranh thơ” của một thời quá vãng như thế về quê hương mình. Nhà thơ Thanh Quế cảm nhận: “Thơ Vũ Minh giàu tình cảm, rõ ràng, người đọc có thể nhận ra ngay. Đây là ưu điểm và cũng là nhược điểm của anh(...). Nhưng thơ vẫn là thơ, những gì Vũ Minh đã đóng góp không phải lớn nhưng không phải ai cũng có được. Có một cái gì đấy rất riêng của Vũ Minh, như Hội An rất riêng, của Tổ quốc này”.

Và tôi nghĩ, để có được “một cái gì đấy rất riêng” đối với người làm thơ quả là điều không dễ. Thế nhưng, Vũ Minh - “nhà thơ của phố cổ Hội An” đã có được điều ấy, thật là một diễm phúc lớn đối với ông...

Tác giả bài viết: NGUYỄN TAM MỸ

Nguồn tin: www.zing.vn